Quyết định số 1636/QĐ-TTG về quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020 -
Nội dung chi tiết:
Quyết định số 1636/QĐ-TTG về quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020
Quyết định số 1636/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020".
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------------ Số: 1636/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới
quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020”
____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử;
Căn cứ Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia trong hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu quy hoạch
Xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
2. Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia (sau đây gọi tắt là mạng lưới)
a) Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ (trung tâm điều hành)
Trung tâm điều hành thực hiện việc kết nối thu thập dữ liệu trực tuyến từ các trạm, các điểm quan trắc trong mạng lưới; xử lý kết quả quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật cho việc phân tích, đánh giá diễn biến và điều hành ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
b) Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp vùng (trạm vùng)
Xây dựng 4 trạm vùng tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt. Trạm vùng có nhiệm vụ thu nhận dữ liệu quan trắc trực tuyến từ các trạm quan trắc địa phương; quan trắc, thu thập, xử lý và phân tích các chỉ tiêu phóng xạ trong mẫu môi trường; phân tích và tổng hợp số liệu quan trắc; trực tiếp tham gia đánh giá hiện trường trong kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh và cấp cơ sở.
c) Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường cấp tỉnh (trạm địa phương)
Trạm địa phương được xây dựng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có trạm vùng và có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của các sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Trạm địa phương làm nhiệm vụ quan trắc liên tục tại các điểm và các cơ sở hạt nhân trên địa bàn, kết nối trực tuyến với các trạm vùng.
d) Hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thuộc Bộ Quốc phòng (hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội)
Hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội thực hiện quan trắc và cảnh báo phóng xạ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Trạm trinh sát phóng xạ thực hiện vai trò chỉ đạo kỹ thuật hệ thống trinh sát, cảnh báo phóng xạ trong quân đội, phục vụ công tác phòng chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
Danh sách các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường được quy hoạch để ưu tiên đầu tư xây dựng theo hai giai đoạn: 2010 - 2015, 2016 - 2020 được quy định tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết