Quyết định số 30/2008/QĐ-TTG - Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Nội dung chi tiết:
Quyết định số 30/2008/QĐ-TTG - Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Quyết định số 30/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ---------------- Số: 30/2008/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh
đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
-----------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu quy hoạch
a) Mục tiêu chung
Xây dựng và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2010, đạt tỷ lệ tối thiểu là 20,5 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 2 giường bệnh tư nhân). Đến năm 2020, đạt tỷ lệ tối thiểu là 25,0 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 5 giường bệnh tư nhân);
- Đến năm 2010, có ít nhất 80% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện được các kỹ thuật theo danh mục phân tuyến kỹ thuật do Bộ Y tế quy định;
- Đến năm 2010, có trên 80% và đến năm 2020 tất cả các bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải theo quy định của Bộ Y tế;
- Đến năm 2010, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải tự kiểm soát chất lượng các dịch vụ y tế theo quy định của Bộ Y tế. Đến năm 2015, phải định kỳ kiểm định chất lượng dịch vụ y tế ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh;
- Đến năm 2020, hoàn thành việc di chuyển các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm ra khu vực thích hợp;
- Đến năm 2015, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bệnh viện Y học cổ truyền; đến năm 2020, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bệnh viện phục hồi chức năng.
2. Quan điểm quy hoạch
a) Bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến và giữa các tuyến. Phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, phát triển y tế phổ cập kết hợp y tế chuyên sâu, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền.
b) Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có đô thị loại I tập trung đầu tư cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tuyến cuối; đối với tỉnh thuộc vùng đồng bằng, tỉnh có đô thị loại II, III tập trung đầu tư cho các bệnh viện tuyến tỉnh; đối với tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tập trung đầu tư cả bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện, bảo đảm thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh.
c) Sắp xếp mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư, tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế. Quy mô của từng bệnh viện phù hợp với số dân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
d) Từng bước chuyển giao cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc giải thể các bệnh viện trực thuộc các ngành nếu không còn nhu cầu hoặc hoạt động không hiệu quả; chuyển cơ sở điều dưỡng - phục hồi chức năng của ngành y tế thành bệnh viện phục hồi chức năng.
đ) Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế; đổi mới cơ chế và phương thức quản lý bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
3. Nội dung quy hoạch
a) Tổ chức mạng lưới khám, chữa bệnh
- Theo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế:
+ Tuyến 1: các bệnh viện huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là bệnh viện huyện) và trạm y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là trạm y tế xã);
+ Tuyến 2: gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh, thành phố; bệnh viện đa khoa khu vực (gọi chung là bệnh viện tỉnh);
+ Tuyến 3: gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Y tế quy định.
- Theo cấp quản lý hành chính:
+ Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế;
+ Các bệnh viện thuộc tỉnh;
+ Các bệnh viện thuộc y tế ngành.
b) Phát triển chuyên môn kỹ thuật y tế chuyên sâu
- Tập trung đầu tư bốn trung tâm y tế chuyên sâu: Hà Nội, Huế - Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ;
- Tập trung xây dựng 10 bệnh viện đa khoa trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc trực thuộc Bộ Y tế đảm nhiệm chức năng bệnh viện vùng.
c) Phát triển các bệnh viện chuyên khoa trên cơ sở nhu cầu, cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật và điều kiện kinh tế - xã hội.
4. Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
a) Cơ sở khám, chữa bệnh và giường bệnh đến năm 2010 (không bao gồm giường bệnh thuộc trạm y tế xã và các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Đến năm 2010, có khoảng 1.200 bệnh viện và viện nghiên cứu có giường bệnh với số giường bệnh là 190.000. Đến năm 2020, có khoảng 1.300 bệnh viện và viện nghiên cứu có giường bệnh với số giường bệnh là 250.000.
b) Bốn trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, Huế - Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ bao gồm các bệnh viện do Bộ Y tế quy định phù hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.
c) Bệnh viện vùng
Quy hoạch 10 bệnh viện vùng theo quy định tại Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
d) Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện
- Quy hoạch các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện huyện theo quy định tại Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
- Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh để các tỉnh có đô thị hạng II trở lên có ít nhất 5 giường bệnh tư nhân trên 10.000 dân vào năm 2010 và 10 giường bệnh tư nhân trên 10.000 dân vào năm 2020.
đ) Phòng khám đa khoa khu vực
Chỉ duy trì hoạt động phòng khám đa khoa khu vực thuộc địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà trạm y tế xã chưa đủ khả năng thực hiện được các kỹ thuật, dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường.
e) Trạm y tế xã
Tiếp tục củng cố, đầu tư phát triển mạng lưới trạm y tế xã cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực. Phấn đấu đến năm 2010, có khoảng 80% và đến năm 2015 tất cả các trạm y tế xã trong cả nước đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
g) Mạng lưới cấp cứu và vận chuyển cấp cứu
Phát triển, mở rộng mạng lưới cấp cứu và vận chuyển cấp cứu của Nhà nước và tư nhân tại các tỉnh, thành phố, bảo đảm thường trực 24h/24h để phục vụ theo yêu cầu cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh kịp thời, an toàn.
h) Kiểm định chất lượng công tác khám, chữa bệnh
Xây dựng mạng lưới kiểm định chất lượng dịch vụ y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc.
5. Các giải pháp thực hiện
a) Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục người dân tự giác thực hiện pháp luật về khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh.
b) Đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân kịp thời, thuận lợi;
- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện Nhà nước theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.
c) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh và đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh. Bảo đảm để các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân đều bình đẳng về mọi mặt; không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
d) Phát triển nguồn nhân lực y tế
- Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo liên tục; ưu tiên cho các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn;
- Chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn sâu, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý, quản trị bệnh viện;
- Thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề cho thầy thuốc và nhân viên y tế thuộc cả hai khu vực Nhà nước và tư nhân.
đ) Giải pháp về khoa học - công nghệ
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật mới phục vụ công tác khám, chữa bệnh;
- Thực hiện việc kiểm soát chất lượng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh.
e) Giải pháp đầu tư và tài chính
- Tạo bước đột phá về đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn ODA cho phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh. Tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong xã hội để thực hiện quy hoạch;
- Các bệnh viện Nhà nước được liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác hoặc vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị phát triển bệnh viện.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết