Quyết định số 758/QĐ-TTG - Phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020
Nội dung chi tiết:
Quyết định số 758/QĐ-TTG - Phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020
Quyết định số 758/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ----------- Số: 758/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia
giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020
---------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chiến lược:
- Góp phần thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo;
- Trực tiếp hỗ trợ việc thực hiện định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam;
- Nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị;
- Xây dựng hệ thống tiêu chí để đánh giá, phân loại cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu dân cư thu nhập thấp trong đô thị, tiêu chí phát triển và cải thiện mức sống cho từng đô thị.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
a) Tỷ lệ dân cư đô thị được tiếp cận với nước sạch, có nhà vệ sinh kết nối với bể tự hoại đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đến nơi quy định đạt 100%; tỷ lệ nhà xây tại các khu vực không bảo đảm an toàn và không phù hợp cho sinh sống của người dân được di dời, cải thiện điều kiện nhà ở đạt 100%;
b) Tỷ lệ lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 45%; khôi phục và lắp đặt hệ thống kết hợp thoát nước mưa và nước thải; các khu đô thị đạt chuẩn về mật độ đường giao thông; hệ thống đèn đường được nâng cấp;
c) Xây dựng hệ thống tài chính hỗ trợ nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu vay vốn để cải tạo nhà ở đối với hộ gia đình còn khó khăn tại các khu dân cư thu nhập thấp;
d) Nâng cao năng lực của các cấp quản lý trong công tác quy hoạch, quản lý nâng cấp và phát triển đô thị.
II. THỜI GIAN, PHẠM VI THỰC HIỆN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Thời gian: từ năm 2009 đến năm 2020.
2. Phạm vi: nâng cấp đô thị được triển khai tại các đô thị từ loại IV trở lên trên toàn quốc, tập trung cải tạo nâng cấp các khu dân cư thu nhập thấp và các khu vực đô thị chưa đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, về nhà ở và khu vực dự báo đến năm 2020 có mật độ xây dựng cao.
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CẤP ĐÔ THỊ ĐẾN NĂM 2020
1. Chương trình tổng thể:
a) Định hướng đến năm 2020, các đô thị từ loại IV trở lên trên toàn quốc được nâng cấp theo thứ tự ưu tiên, tập trung vào các tiêu chí lựa chọn sau:
- Đô thị có tỷ lệ khu nghèo cao, có nhiều khu vực nhà ở còn hạn chế về cơ sở kỹ thuật và hạ tầng xã hội;
- Đô thị có vị trí chiến lược trong vùng, là các đô thị có ảnh hưởng phát triển cho một vùng hoặc một tiểu vùng;
- Đô thị còn thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội;
- Đô thị có năng lực tiếp nhận và thực hiện dự án.
Trong quá trình đầu tư, ưu tiên đầu tư cho đô thị ở các vùng có mật độ đô thị cao nhưng còn kém phát triển.
b) Nội dung các hợp phần nâng cấp đô thị:
- Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị cấp III cho các khu dân cư thu nhập thấp, các khu đô thị và các khu vực ven đô thị mở rộng, gồm cấp nước, thoát nước, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, đường giao thông và chiếu sáng;
- Nâng cấp hạ tầng cấp I và cấp II kể cả cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, thoát nước, thu gom, xử lý chất thải rắn và đường giao thông;
- Tái định cư cho dân cư thuộc khu vực không an toàn tại các đô thị;
- Cho vay cải thiện nhà ở tại khu vực cải tạo và khu vực tái định cư;
- Nâng cao năng lực quy hoạch, quản lý nâng cấp, phát triển đô thị; tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng.
2. Kế hoạch đầu tư:
a) Tổng nhu cầu vốn:
Nhu cầu vốn nâng cấp đô thị cho các đô thị từ loại IV trở lên, thực hiện từ năm 2009 đến năm 2020 với kinh phí ước khoảng 175.000 tỷ đồng.
b) Kế hoạch thực hiện:
Thực hiện Chương trình từ năm 2009 đến năm 2020 từ nguồn ngân sách, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn huy động trong nước và quốc tế khác. Trong đó, lựa chọn một số đô thị ưu tiên lập Dự án nâng cấp đô thị giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 từ nguồn vốn ODA, đặc biệt là nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) theo kế hoạch cụ thể.
Từ sau năm 2015 giảm dần nguồn vốn vay ODA, huy động đa dạng các loại nguồn vốn khác.
Các đô thị từ loại IV trở lên trên toàn quốc được đầu tư nâng cấp theo giai đoạn dựa trên đánh giá mức độ phát triển chung về tình hình đầu tư như sau:
- Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 gồm các đô thị được ưu tiên nâng cấp thí điểm;
- Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2016 đầu tư nâng cấp 30% tổng số đô thị, trong đó, ưu tiên toàn bộ các đô thị loại II trở lên, chiếm 55% số đô thị giai đoạn này, các đô thị loại III chiếm 45%;
- Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018 tiếp tục đầu tư nâng cấp 30% tổng số đô thị, trong đó, ưu tiên các đô thị loại III còn lại, chiếm 65% số đô thị giai đoạn này, các đô thị loại IV chiếm 35%;
- Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 đầu tư nâng cấp các đô thị còn lại.
IV. NGUỒN VỐN
1. Vốn ngân sách:
- Ngân sách trung ương;
- Ngân sách địa phương.
2. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA:
- Vốn viện trợ không hoàn lại;
- Vốn vay ưu đãi.
3. Các nguồn vốn huy động trong nước:
- Đóng góp của cộng đồng dân cư;
- Quỹ phát triển đô thị;
- Hỗ trợ và đầu tư từ các tổ chức và cá nhân khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo Chương trình do Bộ Xây dựng chủ trì, thành viên gồm đại diện các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm:
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn;
- Đề xuất cơ chế, chính sách quản lý;
- Phối hợp với các cơ quan Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, các tổ chức đầu tư trong nước và quốc tế trong quá trình thực hiện Chương trình.
2. Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan lập kế hoạch, xây dựng danh mục đầu tư nâng cấp đô thị hàng năm, trình Chính phủ phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện Chương trình theo đúng mục tiêu và nội dung nâng cấp đô thị, tổng hợp thực hiện kết quả hàng năm;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đô thị được ưu tiên nâng cấp thí điểm theo đề xuất tài trợ của Ngân hàng Thế giới, kịp thời triển khai lập kế hoạch huy động nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổng hợp và trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch vốn cho Chương trình nâng cấp đô thị hàng năm;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng từng bước đưa các đô thị vào danh mục chương trình, dự án yêu cầu tài trợ ODA hàng năm và trình Chính phủ phê duyệt.
4. Bộ Tài chính: chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động các nguồn vốn trong nước và quốc tế cho đầu tư nâng cấp đô thị.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng cho việc nâng cấp đô thị.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý vốn đầu tư thực hiện dự án được phân cấp theo Chương trình trên địa bàn;
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các đô thị trực thuộc tỉnh đối với các tỉnh và trực tiếp thực hiện đối với các thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch nâng cấp đô thị hàng năm, báo cáo Bộ Xây dựng để tổng hợp và hỗ trợ thực hiện;
- Huy động các nguồn lực (ngân sách địa phương, đóng góp của cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác) để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong Chương trình nâng cấp đô thị theo phân cấp;
- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các dự án nâng cấp đô thị thuộc Chương trình trên địa bàn quản lý theo kế hoạch được duyệt, định kỳ báo cáo Bộ Xây dựng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UB Giám sát tài chính QG; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu Văn thư, KTN (5b). | THỦ TƯỚNG (Đã ký) Nguyễn Tấn Dũng
|