Tập làm văn lớp 5: Tả chú bộ đội mà em biết - Văn mẫu tả người hay nhất

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 115,5 KB
Lượt tải: 1
Nhà phát hành: Sưu tầm


Lâu lâu chia sẻ cùng các bạnTập làm văn lớp 5: Tả chú bộ đội mà em biết: Tập làm văn lớp 5: Tả chú bộ đội mà em biết gồm 5 bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Mời các bạn cùng tham khảo.

Giới thiệu

Với mong muốn đem đến cho các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập môn Ngữ văn lớp 5, Download.com.vn xin giới thiệu đến các bạn Bài văn mẫu: Tả chú bộ đội mà em biết.

Đây là tài liệu vô cùng hữu ích, gồm 5 bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Tài liệu được thể hiện chi tiết và ngắn gọn nhất dành cho bạn học sinh. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.

Tả chú bộ đội mà em biết - Mẫu 1

Tả chú bộ đội mà em biết

Chú Quân của em là bộ đội xe tăng, thuộc binh chủng Thiết giáp. Chú là tay pháo thủ cừ khôi của tổ xe tăng năm người. Mỗi kì nghỉ phép chú đều ghé thăm gia đình em.

Chú Quân hai mươi bốn tuổi, cái tuổi tươi tắn sung sức của một người lính. Chú nhập ngũ từ khi mười tám tuổi và vì yêu binh chủng Thiết giáp, chú tình nguyện gắn bó suốt đời với màu áo lính chiến xa. Chú Quân cao hơn bố em cả cái đầu, người chú vạm vỡ, cân đối, thể hình đẹp. Da chú rám nắng, một màu da nâu hồng khoẻ mạnh. Tóc chú đen nhánh, xoăn xoăn úp sát vào gáy như một chàng công tử quý tộc. Mái tóc bồng gợn sóng làm cho chú có vẻ lãng tử của một người lính: trái tim nhiệt huyết và nét phong trần nay đây, mai đó. Chú Quân có khuôn mặt chữ điền, trán cao, rộng. Đôi lông mày to, lan nhẹ đến cuối mắt làm cho đôi mắt sắc sảo của chú dịu dàng hẳn đi.

Chú Quân thường mặc quân phục màu xanh rêu, đội mũ cối bọc vải cùng màu, trước mũ có gắn ngôi sao vàng trên nền đỏ. Trông bộ quân phục, lồng ngực rộng của chú căng phồng dưới lớp áo lính. Tay chân chú to, rắn chắc, bắp thịt nổi cuồn cuộn.

Mỗi kì nghỉ, chú chỉ ở nhà em một ngày. Bố và chú vui vẻ hàn huyên đủ chuyện rồi chú khoác ba lô về thăm nội. Quê nội với dòng sông rộng, cánh đồng lộng gió giữ chú hết thời gian nghỉ còn lại. Ngày trả phép chú tạt qua nhà em, tay xách lỉnh kỉnh quà nội gửi ra cho gia đình em và cho đồng đội của chú. Làm xong nhiệm vụ chuyển quà, chú Quân hát vui vẻ: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng...” rồi chào bố mẹ, xoa đầu em dặn: “Học ngoan nhá!”. Chú trở về đơn vị để đọng lại trong tâm hồn em câu chuyện lính tăng đậm đà tình cảm. Chú em hiền, vui tính và rất yêu nghiệp lính của mình.

Em rất yêu chú Quân. Có chú về, căn nhà nhỏ của gia đình em bận rộn và đầy ắp tiếng cười. Những câu chuyện chú kể rất hấp dẫn, lí thú, nghe hoài không chán. Em được mở mang thêm kiến thức và tình cảm chú cháu khăng khít, thân mật hơn. Chú Quân gieo vào lòng em tình yêu thương những người lính xe tăng nói riêng và bộ đội Bác Hồ nói chung.

Tả chú bộ đội mà em biết - Mẫu 2

Buổi tối, cả nhà em đang ăn cơm bỗng nghe có tiếng gọi cửa. Em buông đũa chạy ra mở thì hoá ra là anh Minh. Em reo lên: “Mẹ ơi! Anh Minh đã về!” và em ôm chầm lấy anh.

Anh Minh em nhập ngũ đã được hai năm, hôm nay anh được thưởng phép về thăm nhà (sau một đợt huấn luyện và công tác, anh đạt thành tích xuất sắc). Anh hiện ra trước mắt em trong bộ quân phục màu xanh rêu, cúc áo, cúc túi cài khuy cẩn thận, hai bên ve cổ áo có đeo quân hàm binh nhất nền đỏ thắm, có hình nổi hai ngôi sao và hình hai khẩu pháo đan chéo nhau. Anh đội chiếc mũ cối có đính quân hiệu tròn đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng. Trông anh thật chững chạc, oai vệ.

So với khi còn ở nhà, anh khỏe ra nhiều. Khổ người anh vạm vỡ, bộ ngực nở nang cân đối, tay chân rắn chắc. Anh đi đôi giày vải bạc màu cỏ úa có dây buộc chặt. Bước vào nhà, bỏ mũ, trút khỏi vai cái ba lô con cóc to bè, anh ngồi xuống nói chuyện với bố mẹ. Bây giờ em nhìn kĩ, thấy anh có nước da bánh mật của người quen với nắng gió ở thao trường và vùng ven biển, nơi anh đóng quân. Bàn tay anh đã có đôi chỗ thô, ráp và chai cứng. Đôi mắt anh sáng long lanh hơn xưa, chắc khi đứng gác, anh không để lọt một dấu hiệu khả nghi nào.

Sáng hôm sau anh dậy rất sớm. Chỉ trong vài phút anh đã gấp gọn chăn màn và giục em cùng chải răng, rửa mặt. Rồi anh mặc quần áo chỉnh tề, dẫn em đi chào bà con. Đến nhà nào anh cũng thăm hỏi tình hình sức khoẻ và công việc làm ăn của từng người, nhất là các cụ già. Một lần đứng trước cửa, chợt thấy một bà cụ đi qua, lưng còng mà xách cái bị nặng, anh liền chạy ra mang đỡ cụ về tận nhà. Đối với bọn trẻ chúng em, anh ân cần hỏi han tình hình học hành và tặng “quà”: những vỏ đạn bằng đồng đỏ mới tinh, những vỏ ốc hến lạ, những thỏi đá màu sắc đẹp anh lượm ở bãi biển gần doanh trại. Thảo nào chiếc ba lô của anh nặng thế!

Chúng em thích nhất là buổi tối, học xong ngồi quây quanh anh để nghe anh nói chuyện về những nơi anh đã đi qua, phong cảnh và đời sống của nhân dân có những nét khác hẳn quê nhà. Những mẫu chuyện anh kể về sinh hoạt trong đơn vị anh rất hấp dẫn. Bộ đội ta sống thật gian khổ mà dũng cảm biết bao! Vốn khéo tay hay làm từ lúc còn ở nhà, nay anh học thêm được nhiều “nghề" mới. Có mấy ngày phép mà anh chẳng mấy lúc chịu ngơi tay, hết chữa cái chạn đựng bát lại đem xe đạp của bố mẹ em ra lau dầu trơn, sạch. Có lần anh còn cặm cụi khâu vá cho em những quần áo bị sứt chỉ, tuột khuy... Thật đúng là “lính Cụ Hồ” như anh thường nói.

Thấm thoắt đã đến ngày anh phải trờ về đơn vị. Tiễn anh đi ra bến xe, em bồi hồi xúc động, cứ muốn níu mãi tay anh. Cô giáo vẫn nói nhờ các anh bộ đội đang nắm chắc tay súng ở tiền tuyến, học sinh mới được yên vui dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Em lấy làm vinh dự vì gia đình em cũng có anh Minh góp phần làm nghĩa vụ vẻ vang ấy.

Tả chú bộ đội mà em biết - Mẫu 3

Tả chú bộ đội mà em yêu quý

Sau khi ăn cơm tối xong, em thong thả đi ra ngoài ngõ dạo chơi, hóng gió cho mát mẻ. Bỗng có anh bộ đội từ xa tiến dần về phía em.

Trong bóng hoàng hôn nhập nhoạng, em không nhìn rõ ai. Đột nhiên anh bộ đội kêu to: “Loan! Em đấy hả?”. Em giật mình quay lại: “Trời ơi! Anh Phong!” và ôm chầm lấy anh.

Anh Phong là anh Hai của em, đi bộ đội đã được một năm nay. Lúc anh nhập ngũ được một tháng thì có giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Bách khoa gửi về, hiện bố vẫn đang cất giữ. Bố nói “Chừng nào thằng Phong hoàn thành nhiệm vụ quân sự trở về sẽ đi học đại học”. Giờ đây, anh hiện ra trước mắt em trong bộ quân phục màu xanh cỏ úa. Hai cầu vai có đeo quân hàm và phù hiệu nền đỏ in hình hai ngôi sao, chiếc ngôi sao vàng năm cánh. Nom anh bây giờ khác xưa nhiều lắm. Anh chững chạc và rắn rỏi như một ngư dân vùng biển. Làn da trắng thuở học trò được thay bằng một màu đồng hun. Mái tóc cắt ngắn tạo cho khuôn mặt anh vốn tròn tròn nay như đậm lại, tròn trĩnh hơn, khỏe khoắn. Có lẽ những khó khăn vất vả của đời lính đã tôi luyện cho anh trưởng thành.

Đợt phép này anh nghỉ được nửa tháng ở nhà nhưng không thấy anh rỗi rãi được chút nào. Anh nói với mẹ: “Xa nhà, con mới thấy thương bố mẹ nhiều. Bố mẹ vất vả nuôi chúng con ăn học, chúng con chưa đáp đền gì cho bố mẹ. Sức khỏe bố mẹ ngày càng yếu đi, em gái con thì lại đang còn nhỏ. Con được nghỉ mấy ngày, giúp bố mẹ được chừng nào hay chừng đó”.

Thế là anh lao vào công việc. Hết dọn dẹp lại nhà cửa, anh lại ra vườn làm cỏ, vun gốc, bón cây…Công việc nào anh cũng làm nhanh gọn. Tối tối anh lại hướng dẫn cho em học bài, làm văn, làm toán, vẽ tranh… Những lúc rảnh rỗi, anh đưa em đi thăm bà con lối xóm. Anh hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn của mọi người rồi xin phép đến thăm nhà khác. Mọi người đều khen anh là chững chạc trưởng thành, nhanh nhẹn, đẹp trai hơn trước.

Nửa tháng nghỉ phép của anh đã trôi qua. Hôm tiễn anh lên bến xe trở lại đơn vị, anh xoa đầu em, rồi cúi xuống nói nhỏ: “Loan ở nhà nhớ học giỏi, biết nghe lời bố mẹ, thầy cô. Lần sau về, anh sẽ mua nhiều quà cho em, nhớ viết thư cho anh nhé!”

Tả chú bộ đội mà em biết - Mẫu 4

Chủ nhật vừa qua, em theo mẹ về quê thăm ngoại. Trên chuyến xe ca chở hai mẹ con đi, em gặp một chú bộ đội.

Chú bộ đội khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Vóc người chú tầm thước, không cao lắm. Khuôn mặt chú có vẻ cương nghị với sống mũi thẳng, vầng trán rộng và đôi mắt điềm đạm, bình thản. Mắt chú sáng lên tia sáng ấm áp và tự tin. Nhìn chú, em có cảm giác tin cậy và bình yên. Sự điềm tĩnh của chú truyền cả sang người đối diện khiến em có cảm tình với chú. Mái tóc chú cắt ngắn, ẩn trong vành mũ cối màu xanh rêu. Phía trước mũ có gắn ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ. Làn da ngăm ngăm đen làm cho chú thêm rắn rỏi. Chú bộ đội mặc quân phục màu xanh rêu, cổ áo và cầu vai có đeo phù hiện cấp bậc: bốn ngôi sao mạ kim trắng bạc và một gạch vàng. Chú đi một đôi giày da đen bóng, loại giày dành cho sĩ quan trong quân đội. Chú nai nịt gọn gàng, trang nghiêm. Nhìn bộ quân phục của chú, em đoán chú bộ đội thuộc binh chủng bộ binh.

Xe mỗi lúc một đông khách. Chú bộ đội lễ phép nhường chỗ ngồi ghế trước cho một cụ già. Chú khoác ba lô đi xuống dãy ghế cuối cùng của xe. Một chị phụ nữ bế con đang lên xe, chú ân cần bế em bé và giúp chị phụ nữ xách hành lí vào xe. Chú dõi mắt tìm kiếm và gọi anh phụ xe. Chú nói nhỏ nhẹ:

- Chị này có em bé ngồi phía sau tội nghiệp cháu nhỏ. Em xem xếp chỗ nào đó đỡ cho chị ấy.

Anh phụ xe vui vẻ cất hành lí của chị phụ nữ vào gầm ghế phía trước rồi bảo chị ngồi cạnh ông cụ ban nãy chú bộ đội đã nhường chỗ.

Xe lăn bánh, gió thổi mát dịu, dễ chịu hơn. Nghĩa cử của chú bộ đội là một tấm gương để em học tập.

Chú bộ đội em gặp tình cờ trên xe đã để lại trong tâm trí em những ấn tượng sâu sắc. Tình quân dân như cá với nước vẫn nở hoa thơm ngát trong thời kì hòa bình hiện nay. Chú bộ đội kính nhường bô lão, ân cần giúp đỡ phụ nữ và trẻ em. Chú bộ đội ấy là người tốt và đáng mến.

Tả chú bộ đội mà em biết - Mẫu 5

Tả chú bộ đội mà em biết

Qua đò Găng thì trời mưa to. Đường đến nhà bà ngoại còn khá xa. Trời sắp tối. Năm đó, em mới lên 9 tuổi, em rất lo. Em đến báo cho bà và cậu Long biết là mẹ đang cấp cứu ở bệnh viện.

Em phải trú mưa nơi quán nước trên bến đò. Em như lửa đốt trong lòng. Bỗng có một chú bộ đội đi qua, quay lại. Chú cũng đứng trú mưa. Chú nhìn em rồi hỏi:

- Em vừa ở dưới đò lên ? Em ướt hết rồi ? Trời sắp tối rồi, em đi về đâu ?

- Độ hai cây số nữa. Chú cháu ta cùng đi.Thưa chú, em đi về làng Bổng thăm bà ngoại em. Còn xa không chú?

Chú xin bà chủ quán cho em cái nón, rồi giục em: "Ta đi thôi...". Chú đi trước, em đi sau.

Chú đeo quân hàm Thiếu úy. Chú về phép. Chú trạc bằng tuổi thầy giáo Ngọc dạy em, độ 25 tuổi. Chú cao to, nước da đen. Chú đi đôi giày da đen quân dụng mặc bộ quân phục màu xanh lá cây. Cặp mắt ánh lên trong sáng, vừa thông minh, vừa hiền hậu. Chú khoác cái ba lô rất nặng. Chắc là chú về phép.

Đi được độ cây số thì mưa tạnh. Em đã hơi quen và tin cậy. Em hỏi:

- Chú về phép hay đi công tác ?

- Chú ở Lai Châu, về phép. Chú còn đi xa, xa hơn làng Bồng độ dăm cây số nữa.

Chú hỏi tên, tuổi và việc học hành của em. Sau khi biết chuyện về chuyến đi của em, chú nắm lấy hai vai của em rồi hỏi và nói: "Thế à ? Chú cháu mình phải đi gấp ”.

Độ 8 giờ tối, chú hỏi đường, và dẫn em đến tận nhà bà. Nghe tiếng gọi, cậu Long ra mở cửa. Chú cười nói:

- Nhà có khách đây... Tôi vội phải đi ngay !

Chú vuốt mái tóc em và nói: "Cháu ngoan lắm ! Chỉ vài hôm nữa là mẹ sẽ khỏi bệnh, mẹ sẽ về nhà... Chú đi đây...".

Em ngoái cổ nhìn chú đi cho đến lúc bóng chú mờ dần trên con đường làng về phía núi.

download.com.vn