Tập làm văn lớp 5: Tả người mẹ của em - Tuyển tập 14 bài văn mẫu hay lớp 5
Nội dung chi tiết:
Bài văn mẫu Tả người mẹ của em được Download.com.vn sưu tầm từ những bài văn mẫu lớp 5 hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp các thầy cô giáo có thêm nhiều tài liệu hay, hỗ trợ công tác giảng dạy.
Những bài văn mẫu lớp 5 - Tả người mẹ của em được Download.com.vn tổng hợp và chọn lọc thật kỹ càng với mong muốn mang lại cho các em học sinh tài liệu học tập tốt nhất. Khi tham khảo các bài văn mẫu lớp 5, các em sẽ nắm được cách trình bày một bài văn hoàn chỉnh theo yêu cầu, đồng thời biết cách triển khai vấn đề theo hướng thông minh, sáng tạo nhất. Hi vọng, những bài văn mẫu lớp 5 sẽ giúp các em ôn tập hiệu quả cho các kỳ kiểm tra, thi và các em sẽ ngày càng học tốt Văn hơn. Mời quý thầy cô, các em học sinh tham khảo các bài văn mẫu lớp 5 sau đây.
Bài văn mẫu lớp 5 - Tả một người bạn thân của em
Tổng hợp những bài văn mẫu lớp 5 học kì I
Một số bài văn tả cảnh lớp 5
Tả người mẹ của em – Bài làm số 1
Ngày còn nhỏ, tôi luôn ước mẹ mình là một cô giáo. Tôi muốn một lần được trải cảm giác có mẹ là giáo viên, được hạnh diện với các bạn trong lớp. Nhưng càng lớn, tôi càng yêu mẹ hơn, dù mẹ chỉ là một nông dân bình thường.
Mẹ tôi quanh năm lam lũ, vất vả, lúc nào cũng tất bật. Vì vậy, dù mới hơn ba mươi tuổi nhưng trông mẹ như già hơn tuổi rất nhiều. Nơi khóe mắt mẹ đã hằn những vết chân chim nhưng vẫn không làm mờ đi đôi mắt sáng với ánh nhìn hiền hòa. Mỗi lần anh em tôi mắc lỗi, đôi mắt ấy lại nhìn chúng tôi đầy nghiêm khắc. Và cũng đôi mắt ấy đã thức trắng bao đêm mỗi lần tôi bị ốm. Bao giờ cũng vậy, luôn là tình yêu đong đày dành cho chúng tôi. Đôi mắt ấy cũng là thứ duy nhất tôi được thừa hưởng từ mẹ. Mỗi lần có người khen tôi có đôi mắt giống mẹ, tôi cảm thấy vô cùng tự hào, hãnh diện. tôi là con gái của mẹ mà! Trên da mặt mẹ còn có nhiều vết nám. Đó là dấu ấn của bao ngày dãi nắng dầm mưa. Nghe ngoại kể, này trẻ, da mẹ đẹp lắm, má lúc nào cũng trắng hồng. Tôi cảm thấy đáng tiếc vô cùng vì tôi lại giống bố ở làn da ngăm ngăm. Nhưng cái mà mẹ luôn tự hào nhất, chăm chú nhất về bản thân lại là mái tóc. Dù vất vả từ ngày nhỏ nhưng mái tóc của mẹ dường như không có tuổi. Nó dài, đen, óng mượt mà ngay cả những thiếu nữ cũng phải mơ ước. Tôi rất thích ngắm mẹ hong tóc, nắng tràn lên mái tóc mẹ, nhảy nhót, lung linh. Mùi hương hoa bưởi cứ phảng phất, thơm nồng. Dáng người của mẹ nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát. Lúc nào mẹ bước đi cũng vội vã, thoăn thoắt. Mọi người thường nói mẹ có dáng đi vất vả. Thì cũng phải thôi, bởi bố đi bộ đội xa nhà, một mình mẹ chăm sóc ông bà nội, nuôi nấng anh em chúng tôi. Bao gánh nặng dồn lên đôi vai bé nhỏ của mẹ, bao công việc để chăm sóc gia đình khiến mẹ không thể thông thả, khoan thai. Hai bàn tay của mẹ gầy gầy, xương xương. Nhưng với tôi nó đẹp như bàn tay cô giáo. Đôi bàn tay ấy đã lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, ôm ấp tôi khi tôi còn ẵm ngửa, dắt tôi đi những bước chập chững đầu tiên.
Mẹ tôi ăn mặc cũng rất giản dị. Bao nhiêu năm rồi, vẫn những chiếc áo bà ba đã sơn màu. Mẹ thường đùa rằng mặc như thế vừa thoải mái, vừa đẹp. Chỉ khi nào có dịp đặc biệt, mẹ mới mặc những chiếc áo mới bố mua tặng mỗi dịp về thăm nhà. Ngày nào cũng vậy, mẹ luôn là người dậy sớm nhất nhà. Mẹ chuẩn bị bữa sáng cho an hem tôi, cho lợn gà ăn và dọn nhà cửa. Mẹ chăm sóc cho chúng tôi từng li từng tí. Dù bận rộn đến đâu, mỗi buổi tối, mẹ vẫn dành thời gian để kèm anh em tôi học bài. Mẹ chính là cô giáo đặc biệt của chúng tôi. Mẹ còn dạy chúng tôi cách cư xử trong cuộc sống, dạy chúng tôi những bài đồng dao mà mẹ còn nhớ được.
Mẹ cứ lặng lẽ đi bên cuộc đời của tôi và anh tôi. Tôi lớn lên trong tình yêu thương bao la của mẹ. Trong câu hát mẹ ru tôi, có nước mắt của sự yêu thương và hi vọng. Tôi không thể nói hết được tình yêu dành cho mẹ. Chỉ biết rằng mình phải cố gắng thật nhiều để mẹ vui.
Tả người mẹ của em – Bài làm số 2
Có lẽ khi còn nhỏ ai cũng được nghe câu hát ru, hay những vần thơ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Và trong bài văn này, em sẽ kể về người mẹ tuyệt vời của em – người mẹ luôn yêu thương con mình bằng cả cuộc đời.
Mẹ em năm nay đã ngoài ba mươi tuổi, nước da mẹ không còn được trắng trẻo nữa mà đã ngăm ngăm đen vì vất vả chăm sóc chúng em. Mẹ có mái tóc đen dài đến ngang lưng và luôn luôn được búi gọn gàng ở đằng sau. Hàm răng đều, trắng bóng và luôn nở nụ cười mỗi khi có điều gì làm mẹ vui. Mẹ em không cao lắm, hơi gầy, dáng đi rất nhanh nhẹn. Mẹ lúc nào cũng tất bật với công việc nào là đi chợ, việc nhà, đi làm…nhưng mẹ không bao giờ kêu vất vả hay mệt mỏi. Mặc dù bận rộn nhưng mẹ vẫn dành thời gian cho các con. Mẹ dạy em học, dạy làm những công việc nhà, mẹ chỉ bảo tận tình ngay từ những công việc nhỏ nhất, mẹ bảo phải học tính cẩn thận ngay từ những công việc nhỏ trở đi thì về sau những việc lớn hơn mới có thể làm tốt được. Em luôn nhớ lời dặn của mẹ và cố gắng làm thật tốt.
Em nhớ mãi ngày em mới vào lớp Một mẹ đưa em đến trường, trước hôm đó mẹ đã đưa em đi thăm trường, đêm ngủ mẹ động viên khích lệ để không bị bỡ ngỡ những ngày đầu đi học. Rồi khi biết em viết chữ bằng tay trái, mẹ kiên trì từng ngày luyện viết tay phải cho em. Mẹ cầm tay em nắn nót từng chữ, uốn nắn từng nét để bây giờ em có thể đi thi vở sạch chữ đẹp của trường và đạt giải, tất cả là nhờ mẹ.
Em nhớ một lần em vẫn còn nhỏ, hôm đó các lớp học được về sớm. Em đứng đợi mẹ ở cổng trường thì có một bạn gần nhà rủ em đi bộ về vì trường cách nhà cũng không xa lắm. Như thường lệ, đúng giờ tan học mẹ đến đón thì thấy các lớp đã về hết. Mẹ vội vàng hỏi bác bảo vệ có thấy đứa trẻ nào đợi ở cổng trường không nhưng bác bảo vệ bảo không có. Mẹ hốt hoảng đi tìm em, gọi điện cho bố xem bố có đi đón em không nhưng bố vẫn đang làm mà. Khỏi phải nói, mẹ lo lắng đến như thế nào. Mẹ đi tìm khắp các con đường, chỗ mà mẹ hay đưa em đi chơi nhưng đều không thấy. Chỉ đến lúc bố đi làm về thấy em ở nhà rồi gọi điện cho mẹ. Mẹ về nhà trong tình trạng mệt mỏi. Lúc này em vẫn chưa biết mình đã gây ra truyện gì nên vẫn ngồi im. Rồi mẹ đánh em, đây là lần đầu tiên mẹ đánh em, em khóc và mẹ cũng khóc.
Em còn nhỏ quá nên chưa biết gì chỉ trách mẹ sao lại đánh mình. Sau này lớn hơn một chút mới biết mẹ đánh em chỉ vì mẹ quá lo lắng cho em, đánh em vì em đã không nghe lời của mẹ. Đến tận bây giờ em vẫn không thể quên được lần bị mẹ đánh ấy. Mẹ à! Con xin lỗi nhé. Lúc đó con chưa hiểu để nói xin lỗi mẹ.
Cô giáo em nói: “Trong tất cả các kì quan thì trái tim người mẹ là kì quan vĩ đại nhất”. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mẹ luôn cười mẹ nhé. Mẹ à! Con yêu mẹ.
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chọt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là nguời như vậy đó.
Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.
Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Đúng vậy! nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lốn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều.
Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà… thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.
Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua.
Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.
Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
“Mẹ như biển cả mênh mông
Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.
Tả người mẹ của em – Bài làm số 4
Mẹ mình là một người rất bốc đồng.
Đi làm về, được hôm trời mát, mẹ đặt mình lên xe "Lượn thôi con". Hành trình có thể là quanh hồ Tây, hoặc qua cầu Long Biên, đi dọc con lộ, sau 2h về đến Hà Nội qua đường Gia Lâm. Hoặc đơn giản chỉ là chạy qua hàng kem, vù một cái rồi về. Có thể chỉ đánh xe bất định trên một vài con phố nào đó. Rẽ vào cửa hàng đồ chơi, hay cho mình chạy vài vòng trong siêu thị. Thế cũng là đi lượn rồi.
Thỉnh thoảng mẹ và mình cũng đi lượn kiểu khác. Như có một hôm mẹ cho mình ăn cơm tối xong xuôi, mẹ bảo mình :"Nào ta đi hạ hoả". Thế là mình được cậu Cua đến chở đi chơi.
Trời có thể mưa lâm thâm. Mẹ nai nịt gọn gàng cho mình và cho mẹ, lại lên đường. Đi thế này mình có thể nghe tiếng mẹ hát rì rầm, chỉ có trời mưa thế này mẹ mới dám hát, bình thường chắc công an bắt đi mất nên mẹ sợ.
Mẹ thích lôi mình đến quán xá cửa hàng, nơi mà mẹ cho là "family friendly". Ở đó mình có thể một thìa một cốc, tha hồ tự xử. Áo váy có bẩn cũng được, về nhà mẹ sẽ ngâm xà phòng. Quan trọng nhất là mình được ngồi như người lớn giữa mẹ và các cô. Thử nghiệm đầu tiên của mình là Gloria Jeans, ko tồi. Mẹ có thể hứng chí lên chán cơm nhà và đưa mình đi với các cô đến Sushi bar. Mình thích những hôm đó, mình được chơi và ăn uống linh tinh. Mẹ tuyệt thật
Mẹ mình đôi khi rất kỳ cục. Mẹ không thích nếu mình bám lấy cô giúp việc mà ko thèm nhìn đến mẹ, mặc dù mẹ biết mẹ đi làm cả ngày, chẳng có ai chơi với mình ngoài cô ấy. Nhưng mẹ bảo mình phải yêu mẹ. Thế nên mình yêu mẹ vậy.
Mình không thích những buổi tối mẹ phải đi làm. Mình phải ăn với bác giúp việc. Khi đi ngủ không được gối tay mẹ, tay mình thì ôm chặt và sờ khuỷu tay mẹ. Mẹ cũng không bảo mình "Nào lên đây mẹ kể chuyện tại sao cậu Dương lại béo đen, cậu Cua lại gọi là Cua nào...". May mà đêm tỉnh dậy vì tè dầm mình vẫn có mẹ thay cho.
Tả người mẹ của em – Bài làm số 5
Giờ tập làm văn, tôi luôn được cô giáo khen bài viết của mình và thường lên đứng giữa lớp để đọc bài tập làm văn của mình cho cả lớp nghe. Bài viết của tôi bao giờ cũng đạt điểm 7, 8 - điểm cao nhất dành cho môn tập làm văn. Tôi luôn hãnh diện vì điều đó và dường như chưa một bạn nào trong lớp phá được “kỷ lục” của tôi.
Như mọi khi, tôi lại được cô giáo gọi lên đọc bài văn “Em hãy tả về người mẹ của mình”. Tôi ngước cao mặt, đĩnh đạc bước lên giữa lớp trong sự nể phục của các bạn và cất cao giọng đọc: “Mẹ em là người tuyệt vời nhất. Mẹ đẹp như cô tiên trong truỵên cổ tích. Mái tóc mẹ dài óng ả buông xõa ngang lưng. Mẹ gội đầu bằng trái bồ kết nên tóc mẹ vừa mượt vừa suôn. Mẹ bảo ”Lớn lên con gái đừng gội đầu bằng dầu gội mà nấu trái bồ kết gội cho tóc đẹp như của mẹ”. Mẹ có khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Mỗi khi mẹ cười hai hàm răng mẹ trắng ngần trông đẹp lắm! Mẹ vừa dịu dàng lại vừa đảm đang. Đi làm về, mẹ vừa vào bếp nấu cơm cho cả gia đình, tối mẹ lại dạy em học bài, dọn dẹp nhà cửa rồi mới đi ngủ. Những đêm đông trời trở rét, nửa đêm mẹ lại thức giấc đắp lại tấm chăn cho em... Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuỵêt vời nhất trong cuộc đời em...”.
Đó là những lời văn mà tôi đã được chị gái dạy để tả về người mẹ của mình. Những bài văn của tôi luôn được điểm cao vì trước khi viết tôi luôn “tham khảo” ý kiến của chị rồi tưởng tượng thêm để diễn đạt cho hay. Có lẽ với trí tưởng tượng phong phú nên tôi sớm nổi tiếng là học sinh giỏi văn của trường.
Đọc xong bài văn tả mẹ của mình, tôi sướng lâng lâng trong người và đi về chỗ trong tiếng vỗ tay của các bạn. Đợi giây lát, cô tôi bảo: “Bài văn tả mẹ của bạn Duyên rất hay. Câu cú gãy gọn, diễn đạt trôi chảy. Các em nên học cách diễn đạt của bạn để viết văn cho hay và phải đọc thêm nhiều sách. Hôm nay, cô muốn các em nghe thêm một bài văn nữa. Cô mời bạn Hùng".
Tôi thoáng ngạc nhiên vì Hùng mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, nhà Hùng rất nghèo và Hùng chỉ học giỏi môn toán. Tôi thầm cười khi nghĩ “Chắc Hùng viết nhăng viết cuội nên bị cô phê bình đây”. Hùng cúi đầu cầm tập bước lên bảng và đọc: “ Em không còn mẹ. Mẹ mất đã lâu lắm rồi nên em không nhớ rõ khuôn mặt của mẹ. Mỗi lần nhớ mẹ, em chỉ nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ mẹ, nhớ mẹ, thương mẹ rồi chỉ biết khóc mà thôi! Mẹ mất khi em bé của em mới một tuổi. Lúc đó ba cực lắm vì phải vừa đi làm vừa nuôi em và em gái. Em gái cứ bệnh rồi khóc hoài. Sáng, ba dậy thật sớm để nấu cháo để lấy nước pha sữa cho em. Mùa mưa, nhà dột ướt không đủ chỗ ngủ, ba ru em và em gái ngủ xong rồi nằm xuống sàn nhà. Sáng thức dậy em đã thấy ba nấu sẵn nồi cháo và kèm theo tờ giấy dặn:”Con nhớ ăn sáng rồi mới đi học”. Ba em là công nhân vệ sinh nên sáng phải dậy thật sớm làm sạch đường phố trước khi mọi người thức giấc. Em chuẩn bị đi học ba mới trở về lo cho em gái. Buổi chiều, em đi học về trông em cho ba đi làm tiếp. Ba em cực lắm nhưng lúc nào ba cũng dịu dàng như mẹ. Em ước ao mẹ mình còn sống để đỡ đần công việc cho ba. Em thèm được như các bạn có mẹ, được mẹ ôm vào lòng, được mẹ khâu áo khi bị rách, được nghe mẹ hát ru em bé ngủ như cô Tư ở sát nhà. Mỗi lần nghe cô Tư hát ru con, em lại nhớ mẹ và nước mắt trào ra. Ba bảo: “Mẹ bây giờ đã thành cô tiên ở tận trên trời cao, mẹ cũng nhớ và thương con lắm nên con phải học thật giỏi mẹ mới vui”. Em cũng thầm hứa với ba, sẽ học giỏi, học giỏi rồi mẹ sẽ sống lại với cha con mình, phải không ba?
Em càng lớn mái tóc ba càng bạc nhiều hơn. Nhìn ba tảo tần lo cho em và em gái ăn học, em thương ba lắm chỉ mong mình nhanh lớn để đi làm giúp ba, nuôi em gái. Em không còn mẹ nhưng ba chính là người mẹ vĩ đại trong cuộc đời em. Em yêu ba vô cùng...”.
Những dòng cuối cùng, Hùng đã đọc trong nước mắt, cả lớp đều khóc, cả cô giáo cũng khóc và không biết tự lúc nào, nước mắt của tôi cũng lăn dài trên khuôn mặt của mình...
Chiều nay, con gái tôi về nói với mẹ: “Mẹ dạy con bài văn tả về mẹ nha mẹ”. Tôi ôm con gái vào lòng và kể lại câu chuyện bài tập làm văn tả mẹ của Hùng cách đây hơn 20 năm...
Tả người mẹ của em – Bài làm số 6
Mỗi nhà văn đến với nghề viết bằng một con đường riêng và đề tài mà họ chọn cũng vậy. Nhưng trong tiềm thức của mỗi người viết, chắc chắn luôn có hình bóng của một người mẹ.
Người mẹ ấy sẽ đi vào những trang viết, khi trực tiếp lúc gián tiếp, khi là một số phận, lúc là bóng dáng của một nhân vật mà họ yêu thương. Có lẽ đúng như ai đó từng nói, người mẹ như một mạch nguồn văn chương, nơi bắt đầu của những kiệt tác.
Không phải không có những hình tượng người mẹ xấu xa trong văn chương. Bởi cuộc sống luôn rộng lớn hơn mọi trí tưởng tượng và văn học lại luôn cần bắt đầu từ cái nền móng ấy. Nhưng những hình tượng người mẹ như thế không nhiều và nếu có thì phải được miêu tả trong những trạng huống đặc biệt của kiếp người.
Và như một sự trừng phạt mang màu sắc tâm linh, những người mẹ gắn nhiều tội lỗi, thường phải trả những cái giá quá đắt, đôi khi phải bằng cả mạng sống của mình. Có lẽ vì thế mà các nhà văn luôn cẩn trọng với những mẫu nhân vật người mẹ. Bởi họ yêu mẹ mình.
Đi theo nghiệp văn chương là một con đường dài. Người mẹ chính là một chỗ dựa tinh thần trong những lúc vật vã mỏi mệt của một đời văn. Người mẹ ấy có thể nâng giấc cho con, nhưng cũng có thể bằng cả đời mình để dạy con những bài học giản dị
Có những số kiếp khổ đau của người mẹ thành tác phẩm vĩ đại của những đứa con. Nhưng cũng có những triết lý sống được hiển hiện trên những con chữ, như một mạch ngầm chảy truyền từ người mẹ. Cuộc sống, sự bao dung và tình yêu con của người mẹ có lẽ sẽ luôn là sự khởi đầu cho mỗi trang viết của những ai khao khát được viết văn...
* * *
Đi khắp thế gian
Không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời
Không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông
Không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng
Không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm
Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang ca tấm thân gầy
Cha che chở cho con
Ai còn mẹ
Xin đưng làm mẹ khóc
Đừng để buồn
Lên mắt mẹ nghe không
* * *
Cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao... Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen...
Mỗi ngày trôi qua đều có thể là món quà dâng tặng cha mẹ nếu chúng ta biết cách báo đáp chữ hiếu, thể hiện tình cảm của mình.
Cám ơn Bà đã sinh ra cho chúng con một người Mẹ tuyệt vời. Cám ơn Mẹ đã sinh ra, đã nuôi nấng và chăm sóc cho chúng con.
Tả người mẹ của em – Bài làm số 7
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa Thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
Mỗi người đều có một người mẹ. Đó là một chỗ dựa tinh thần rất lớn mà ai cũng phải đáng quý trọng. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ luôn luôn dành tình yêu thương lớn nhất cho chúng tôi để bù đắp nỗi mất mát về người cha.
Tôi sinh ra đã không thấy được mặt cha. Đó là sự tổn thương rất lớn. Tuy vậy, nhưng mỗi khi ở bên mẹ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Năm tôi lên một tuổi, mẹ tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Nào là đóng gạch, cuốc mướn... mẹ làm hết. Nghĩ đến đây mà tôi rưng rưng nước mắt. Số mẹ tôi thật khổ! Mẹ làm vất vả đến như vậy mà vẫn không đủ ăn nên mẹ phải đi làm nghề dạy trẻ. May mắn lắm mẹ mới xin được vào một nơi ổn định.
Bàn tay mẹ tần tảo, đầy những vết chai sần. Đôi mắt thì quầng đen vì làm việc vất vả. Nhưng tôi biết, vào những ngày Tết trong khi mọi người dang vui đùa chạy nhảy thì mẹ lại ra ngoài vườn lặng lẽ ngồi khóc. Những giọt nước mắt chứa đọng tâm hồn trong sáng, chung thủy của mẹ.
Mẹ thật là cao cả! Mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước đi của tôi như một động lực giúp tôi không ngừng học hỏi. Tôi còn nhớ có năm lúa thất (mất) mùa mẹ phải đi khuân vác gạch thuê cho người ta để kiếm tiền. Đôi vai mẹ bị chầy xước rất nhiều. Nhưng nó lại chưa đựng nhiều kỷ niệm đối với tôi. Đến bây giờ, mẹ vẫn không ngừng làm việc.
Có lẽ ông trời không cho mẹ nghỉ. Tuy vậy, mẹ có một tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời. Tôi thật cảm phục trước mẹ. Năm tháng qua đi, mẹ vẫn phải chịu đựng bao nỗi đắng cay, ngọt bùi. Mẹ như là một tia sáng của đời con. Tôi biết mẹ ấp ủ trong mình một nỗi hy vọng: “Không để cuộc đời con lại giống mình phải gây dựng cho con một sự nghiệp”. Tôi biết vì tôi, mẹ có thể hy sinh tất cả, kể cả niềm vui. Vì thế mẹ rất nghiêm khắc khi tôi làm sai việc.
Tôi thật khâm phục mẹ. Tôi phải phấn đấu để trở thành một người con ngoan để mẹ khỏi buồn lòng, để đền đáp công lao sinh dưỡng của mẹ. Mẹ là một người mẹ không giống với người mẹ nào. Trong mắt mẹ, tôi như là một hy vọng rực rỡ. Tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói: “Nếu mẹ là dòng sông, con là nước thì dòng sông không thể chảy được nếu thiếu nước”.
Tả người mẹ của em – Bài làm số 8
Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, tôi lại nghĩ ngay đến mẹ. Hình ảnh mẹ tôi mỗi sáng đội chiếc nón lá đi chợ đã khắc sâu trong tâm trí tôi tự thuở nào. Ngày nay tôi ít thấy có ai đội nón lá ra đường. Các bà các cô thường đội những chiếc nón kiểu đầy hoa văn và màu sắc, nhất là các cô gái trẻ thì càng không muốn đội chiếc nón lá quê mùa này. Ấy vậy mà ngày ngày mẹ tôi đều đội nó ra chợ, thậm chí cho đến cả bây giờ. Hồi nhỏ, tôi hay nghịch nón của mẹ và rất thích cái dây quai nón. Mẹ có tổng cộng 3 cái dây để thay đổi. Quai nón là do mẹ tự may lấy, những sợi dây mảnh có hoa văn rất đẹp.
Tôi không biết phải bắt đầu tả mẹ từ đâu. Có lẽ là khuôn mặt. Mẹ tôi không xấu nhưng cũng chẳng đẹp, nói chung là không có nét gì nổi bật. Bây giờ mẹ tôi đã già nên khuôn mặt có nếp nhăn. Nhìn hình của mẹ lúc còn trẻ, tôi bỗng giật mình. Mẹ thay đổi nhiều quá! Không phải thời gian đã làm thay đổi mẹ tôi đâu. Mà chính sự cực nhọc đã khiến mẹ gầy mòn. Nhìn vào đôi mắt của mẹ, tôi thấy sự mệt mỏi đằng sau đôi mắt ấy, và cảm nhận rằng mẹ có nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui.
Tôi còn nhớ hồi lớp 5 có thi tập đọc. Có 4 đề và tôi bốc trúng đề "Đôi bàn tay của mẹ". Tôi không nhớ mình được bao nhiêu điểm, chỉ nhớ rằng tôi đã đọc bằng cả tấm lòng. "Em yêu nhất là đôi bàn tay mẹ, những ngón tay gầy gầy xương xương". Khi tôi cầm tay mẹ, có cảm giác như cầm một khúc gỗ. Tay mẹ thô quá, cứng quá, dường như chỉ có da bọc xương. Và tay mẹ cũng không hề ấm áp chút nào, lúc nào cũng mát rười rượi. Bởi vậy mà tôi rất thích khi mẹ đặt tay lên trán lúc tôi bị nóng sốt. Bàn tay của mẹ lúc nào cũng mạnh mẽ. Bất cứ thứ gì tôi không mở được chỉ cần đưa mẹ là mở được ngay. Những lúc đó mẹ hay cười, chọc tôi sao yếu quá.
Tôi cao 1m60, một chiều cao trung bình nhưng khi đứng với mẹ, tôi vẫn cao hơn mẹ một chút. Thế mà chưa bao giờ tôi thấy mẹ thấp cả. Trong mắt tôi, mẹ lúc nào cũng là người hoàn hảo nhất.
Có một hôm đi học về, thấy mẹ đang nằm ngủ. Tôi lặng lẽ tới gần và ngồi xuống. Tôi cứ nhìn mẹ chăm chú suốt 15 phút cho đến khi mẹ thức dậy và nhìn tôi mỉm cười. Cô giáo tôi từng bảo "Các em thử nhìn gương mặt cha mẹ mình lúc ngủ, sẽ thấy được nỗi nhọc nhằn trên khuôn mặt họ". Tôi nhìn mẹ nhưng chỉ có một cảm giác duy nhất: đó là sự yên bình.
Khi nhìn đôi chân của mẹ, tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Có quá nhiều vết nứt, và vết nứt nào cũng sâu, sâu lắm. Tôi chưa từng thấy ai bị nứt chân sâu như vậy, dù là quảng cáo trên tivi. Bước chân của mẹ cũng thật là nặng nhọc. Vì thế mà đôi dép của mẹ rất mau mòn. Phần gót của đôi dép cao su mòn gần sát đất và dép trái mòn hơn dép phải chứng tỏ khi đi mẹ đặt trọng tâm về phía sau và nghiêng về bên trái. Hễ có người gọi thì lúc nào mẹ cũng hối hả chạy ra, có lúc còn xém bị vấp ngã. Người ta nói những người đi nhanh và bước chân nặng nhọc thì sống không được sung sướng. Có lẽ là vậy nhỉ.
Ngay chỗ xương vai của mẹ có 2 cái hốc thật sâu. Và da của mẹ thì bủng beo, không săn chắc như người khác. Thương mẹ quá.
Mẹ tôi bị viêm xoan. Đó là do ngày xưa mẹ hít bụi than quá nhiều. Bây giờ, căn bệnh này cứ hành mẹ tôi mãi. Mẹ hay bị nhức đầu, còn sổ mũi là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng không ngày nào mẹ tôi nghỉ ngơi. Trong khi tôi hễ bệnh một chút là chẳng làm gì cả, chỉ nằm đó để mẹ chăm sóc.
Tôi nhớ có một kỷ niệm rất trẻ con: anh tôi khóc. Trong suốt 23 năm sinh sống, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất anh tôi khóc. Tôi không nhớ chuyện bắt đầu như thế nào, chỉ nhớ rằng anh tôi vừa khóc vừa nói "Sao mẹ lúc nào cũng bênh nó, cưng chiều nó? Thậm chí nó lớp 5 rồi mà rót nước mẹ cũng rót cho nó". Lí do là vậy đó. Anh tôi ghen tị vì mẹ thương tôi hơn. Trẻ con ai cũng muốn dành tình thương của mẹ nhỉ. Lúc nhỏ mẹ thương tôi nhất nhưng lớn lên mẹ lại thương chị cả nhất. Tôi hiểu mẹ không hề thiên vị mà rất công bằng. Mẹ dành tình thương cho ai cần nó nhất. Lúc nhỏ, tôi bé nhất nên mẹ quan tâm chăm sóc tôi nhiều nhất. Nhưng giờ lớn rồi, anh chị tôi đều đã đi làm thì mẹ thương chị nhất. Đơn giản vì chị tôi làm việc rất cực khổ nhưng lương lại thấp và mẹ nghĩ rằng cần bù đắp cho chị bằng tình thương của mẹ. Có những việc không cần phải nói ra nhưng ta cũng hiểu, phải không nào?
Những chuyện về mẹ có kể hoài cũng không hết. Nếu được quay ngược thời gian thì bài tập làm văn "Hãy tả mẹ của em" chắc chắn tôi sẽ viết khác.
Tả người mẹ của em – Bài làm số 9
Từ khi chào đời, cất tiếng khóc đầu tiên, mỗi chúng ta đều được vòng tay âu yếm của cha mẹ che chở cho đến khi trưởng thành. Đối với tôi, gia đình là trên hết. Cha mẹ luôn quan tâm chăm sóc và bảo vệ tôi. Nhưng có lẽ người luôn luôn giành tình cảm cho tôi nhiều nhất mãi chỉ có một. Đó chính là người mẹ kính yêu của tôi. Mẹ tôi năm nay đã ngoài ba mươi rồi. Nhưng đối với tôi mẹ vẫn còn trẻ như phụ nữ mười tám đôi mươi. Mẹ có dáng người thấp đậm. Mái tóc mẹ đen nhánh, dài và chấm ngang lưng ôm lấy khuôn mặt trái xoan của mẹ. Nước da mẹ không được trắng như bao người phụ nữ vì ngày xưa mẹ phải lao động vất vả kiếm tiền mua gạo nuôi cả gia đình. Đôi mắt mẹ đen láy ẩn sau hàng mi dài và cong. Chiếc mũi của mẹ tuy không cao nhưng rất hài hòa với khuôn mặt của mẹ. Làn môi đỏ hồng lúc nào cũng nở nụ cười tươi để lộ hai hàm răng trắng muốt, rất dễ mến dễ gần. “Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn.” Đôi bàn tay của mẹ phải làm lụng vất vả để nuôi tôi. Mỗi khi cầm đôi bàn tay trai sần của mẹ tôi
thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ là người rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái nên người. Tính mẹ hơi nóng nhưng cũng có lúc mẹ rất hiền từ. Mỗi lần mẹ nói, tôi thấy mẹ như một cô giáo dạy văn đang đứng trên bục giảng bài. Mỗi khi tôi mắc lỗi, bằng giọng nói dịu dàng, truyền cảm, lời an ủi và động viên, mẹ đã khiến tôi nhận ra lỗi lầm của mình. Tôi nhớ có lần được điểm mười. Vừa đi học về, tôi chạy ngay đến bên mẹ và xà lòng mẹ khoe: “Mẹ ơi hôm nay con được điểm mười đấy, mẹ thưởng cho con một món quà nhé!” Mẹ cười tươi ôm chầm lấy tôi và nói: “Con gái của mẹ giỏi quá, mẹ thưởng cho con này!” Mẹ vừa nói vừa hôn lên má tôi một cái. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng. Vòng tay mẹ ấm áp như ngọn lửa hồng sưởi ấm trái tim tôi. Cũng có lần tôi bị điểm kém, trên khuôn mặt của mẹ không còn nụ cười của mọi ngày nữa. Mà giờ đây gương mặt mẹ trùng xuống, buồn rầu. Nhưng mẹ không quát mắng em mà chỉ nhắc nhở nhẹ và cố gắng cười để an ủi tôi và động viên tôi cố gắng lần sau. Trong lúc đó, tôi cảm thấy mình đã phụ lòng mẹ, phụ công mẹ nuôi dạy chúng tôi. Vì vậy tôi đã tự hứa với mình rằng sẽ không bao giờ làm như vậy nữa. Những đêm tôi chưa học bài xong, vì lo lắng cho tôi nên mẹ đã lên phòng và ngồi cạnh tôi. Thấy tôi chán nản và buồn ngủ, mẹ đã động viên tôi giúp tôi không buồn ngủ và chán nản. Những lời nói của mẹ như một nguồn sức mạnh giúp tôi cảm thấy tỉnh táo và học tiếp bài. Ở nhà mẹ là một người phụ nữ đảm đang. Mặc dù buổi sáng mẹ phải thức dậy sớm để đi làm nhưng mẹ vẫn rất quan tâm tới tôi. Sáng nào mẹ cũng hẹn đồng hồ báo thức cho tôi dậy đi học. Mẹ chuẩn bị quần áo đồng phục cho tôi mặc. Nhưng cũng có ngày mẹ đi làm muộn. Những ngày đó, trước khi đi học mẹ bẻ áo cho tôi, chỉnh khăn quàng đỏ cho tôi. Có lần góc học tập và phòng ngủ của tôi rất bề bộn. Nhưng buổi tối, sau khi đi học thêm về, mọi thứ đã khác. Tất cả đều rất gọn gàng và ngăn nắp. Quần áo được gấp gọn gàngvà để ngay ngắn trong tủ. Buổi trưa có những hôm đi làm về muộn nhưng mẹ vẫn chuẩn bị một bữa trưa đơn giản nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng cho cha con tôi. Không chỉ ở nhà mà ở ngoài xã hội mẹ cũng tham gia rất nhiệt tình. Trong tổ, hàng xóm có việc gì mà nhờ đến mẹ, mẹ đều giúp đỡ . Ra ngoài, mẹ luôn chào mọi người bằng một nụ cười tươi. Mọi người ai cũng yêu quí mẹ như cha con tôi vậy. Bao lần xem trên ti vi, thấy các bạn nhỏ mồ côi không cha, không mẹ, không có họ hàng thân thiết, nơi ăn chốn ở và không có nơi nương tựa. Các bạn ấy phải đi bán những thanh kẹo cao su, những tấm vé số... để kiếm ăn sống qua ngày. Tội nghiệp các bạn nhỏ ấy làm sao! Bây giờ tôi mới biết mình thật may mắn. Tôi có cha mẹ và có cả một gia đình êm ấm, hạnh phúc trong vòng tay che chở của cha mẹ. Tôi muốn nói thật nhiều với mẹ: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!” Đúng là: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ” .
Tả người mẹ của em – Bài làm số 10
Trong gia đình, vì em là con út nên ai cũng thương yêu em hết mực, nhưng mẹ là người gần gủi, chăm sóc em nhiều nhất.
Năm nay, mẹ em gần bốn mươi mốt tuổi. Với thân hình mảnh mai, thon thả đã tô đậm cho mẹ với vẻ đẹp của người mẹ hiền từ, mái tóc đen óng mượt mà dài ngang lưng được mẹ thắt lên gọn gàng khi ra đường. Đôi mắt mẹ đen láy luôn nhìn em với ánh mắt trìu mến gần gũi. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan với làn da trắng. Đôi môi mỏng đỏ hồng nằm dưới chiếc mũi cao thanh tú làm cho càng nhìn càng thấy đẹp. Khi cười nhìn mẹ tươi như hoa, đóa hoa hồng vừa nở sớm mai. Đôi bàn tay mẹ tròn trịa, trắng trẻo đã nuôi nấng, dìu dắt em từ thưở em vừa lọt lòng. Giọng nói của mẹ đầy truyền cảm, lúc mượt mà như tiếng ru, lúc ngân nga như tiếng chim họa mi buổi sớm. Mẹ em may và thêu rất đẹp, đặc biệt là may áo dài, thường ngày mẹ hay mặc bộ đồ bộ gọn gàng, khi đi dạy học mẹ mặc những bộ áo dài cũng do mẹ tự may trông thật duyên dáng, sang trọng.
Ở nhà, mẹ là người đảm nhiệm công việc nội trợ. Mẹ giao cho em các công việc nhẹ nhàng như: quét nhà, gấp quần áo… Còn ba thì phụ mẹ giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thỉnh thoảng mẹ mua hoa về chưng ở phòng khách cho đẹp nhà. Mỗi khi khách đến mẹ luôn đón tiếp nồng hậu, mời khách đĩa trái cây và nước mát. Sáng mẹ là người thức dậy sớm để chuẩn bị thức ăn sáng cho cả nhà, để hai anh em cùng cắp sách đến trường kịp giờ học. Khi em ốm đau mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Buổi tối, mẹ thường dành khoảng ba mươi phút để giảng bài cho em, sau đó mẹ ngồi chấm bài, soạn giáo án chuẩn bị cho tiết lên lớp ngày mai ở trường… Mẹ rất nhân hậu, hiền từ, khi lên lớp mẹ xem học trò như các con của mình, cũng dìu dắt thương yêu hết mực nên mẹ được rất nhiều học sinh yêu mến. Khi em phạm lỗi, mẹ chỉ nhắc nhỡ chứ không mắng và cũng chưa đánh em bao giờ.
Mẹ em thật đáng quí, em luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ. Mỗi khi được mẹ ôm ấp, nằm trong lòng mẹ em cảm thấy thật ấm áp. Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuỵêt vời nhất trong cuộc đời em… Em mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn. Em hứa sẽ chăm học và cố gắng học thật giỏi để trả ơn cho mẹ và thầy cô đã dạy dỗ, nuôi nấng em nên người. Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!
Năm nay mẹ em đã 35 tuổi rồi nhưng dáng mẹ cân đối, đi lại nhẹ nhàng duyên dáng, khuôn mặt mẹ hình trái xoan.
Trước đây da mẹ em trắng hồng tự nhiên nhưng gần đây mẹ đi làm vất vả nên làn da mẹ dã rám nắng, đôi môi sạm đi rất nhiều.
Mái tóc mẹ dài đen nháy, đôi mắt mẹ đẹp to tròn, đen láy. Mẹ em lúc nào cũng vui vẻ tươi cười với mọi người. Mẹ em ăn mặc giản dị, gọn gàng nhưng nhìn vẫn rất đẹp.
Mẹ em tính tình dịu hiền sống tran hòa với mọi người nhưng trong việc dạy dỗ các con thì mẹ em lại rất nghiêm khắc.
Sáng sớm mẹ em đã dậy nấu cơm cho ba bố con em. Mẹ bận rộn nhiều việc nhưng vần giành thời gian cho gia đình, giúp em giải các bài toán khó.
Mỗi lần em mắc sai lầm hay bị điểm kém thì mẹ nhẹ nhàng nhắc nhỏ và dạy bảo em lần sau không nên mắc sai và luôn chăm ngoan học thật giỏi để khỏi phụ lòng cha mẹ thầy cô đã nuôi dậy.
Em rất yêu mẹ. Em tự hào và hạnh phúc khi em là con của mẹ em.
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp