Thông báo 116/TB-VPCP - Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Việt - Đức
Nội dung chi tiết:
Thông báo 116/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Việt - Đức do Văn phòng Chính phủ ban hành.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CHUYẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT - ĐỨC
Ngày 05 tháng 3 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thăm và làm việc với Trường Đại học Việt - Đức tại Trụ sở của Trường, thành phố mới Bình Dương, tỉnh Bình Dương. Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án xây dựng Trường Đại học Việt Đức của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường; Lãnh đạo Trường Đại học Việt Đức và các giáo sư, giảng viên người Đức, Việt Nam đang giảng dạy tại Trường. Sau khi thăm các giờ học của sinh viên, gặp gỡ các giảng viên Đức và Việt Nam, nghe báo cáo của lãnh đạo Trường Đại học Việt Đức, phát biểu của các đại biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
Việc xây dựng Trường Đại học Việt Đức sớm trở thành một trường đại học tiên tiến, xuất sắc theo mô hình mới với sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Đức là một nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ quan tâm chỉ đạo sâu sát. Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường; sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan liên quan và sự tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu tích cực của các giáo sư, chuyên gia Đức, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Trường Đại học Việt Đức sớm ổn định, hoạt động và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đúng định hướng, làm tiền đề quan trọng cho những bước phát triển tiếp theo. Sau 05 năm kể từ ngày thành lập, Trường đã tuyển sinh và đào tạo ở các trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ với 8 chương trình đào tạo; nhiều kỹ sư, thạc sĩ được đào tạo có chất lượng tốt nghiệp ra trường. Dự án đầu xây dựng Trường đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng Trường cũng đang còn nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết, nhiều khó khăn cần sớm được khắc phục.
Trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết tốt một số công việc sau đây :
1. Trường Đại học Việt Đức:
- Về tuyển sinh đào tạo: Trường cần chủ động, kết hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thành lập một tổ công tác để tiến hành khảo sát, nghiên cứu về nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao của các cơ quan, đơn vị trong nước, nhất là của các Doanh nghiệp và lập một đề án cụ thể xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác tuyển sinh đào tạo của Trường;
- Cần đẩy mạnh tiếp cận các cơ sở sử dụng nhân lực để đào tạo theo nhu cầu xã hội; tích cực vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp và các các cơ sở đào tạo trong nước, nước ngoài, bảo đảm cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh do trường đào tạo có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp. Để giúp cho việc triển khai thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này, Trường cần nghiên cứu, sớm thành lập một phòng chức năng chuyên trách về quan hệ công chúng và hỗ trợ sinh viên;
- Làm việc trực tiếp với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên của tỉnh Bình Dương (Tổng Công ty Becamex Bình Dương) để hoàn thành việc hợp đồng thuê chỗ ở cho các giáo sư người Đức đang giảng dạy tại Trường trong khu vực thành phố Bình Dương mới trước ngày 30 tháng 3 năm 2013. Ngoài ra, Trường cũng cần chủ động làm việc, trao đổi với tỉnh Bình Dương về kế hoạch chuẩn bị chỗ ở cho cán bộ, giảng viên của Trường trong giai đoạn trước mắt và lâu dài;
- Làm việc với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất việc cung cấp dịch vụ Thư viện điện tử cho cán bộ, sinh viên của Trường trước ngày 30 tháng 4 năm 2013;
- Trước 30 tháng 5 năm 2013 hoàn thành việc lập kế hoạch đào tạo nghiên cứu sinh cho từng ngành của Trường để gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc cử cán bộ của Trường đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo Đề án 911;
- Về công tác tổ chức: Trường cần làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ để sớm lựa chọn và trước ngày 30 tháng 5 năm 2013 có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm thêm một Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học. Trước mắt, khi chưa có Phó Hiệu trưởng phụ trách về công tác nghiên cứu khoa học, Ban giám hiệu hiện tại của trường cần phải có sự phân công, giao trách nhiệm rõ ràng cho một người phụ trách công việc này. Ngoài ra, Trường cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan để lựa chọn các nhân sự làm lãnh đạo các phòng chức năng, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra;
- Tổ chức sơ kết, đánh giá về công tác phối hợp, liên kết, hợp tác giữa Trường với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Chủ động bố trí làm việc và sớm ký với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh kế hoạch cụ thể về việc hợp tác chiến lược, toàn diện giữa Trường và Đại học Quốc gia; cũng như văn bản cam kết, thống nhất về những nội dung hợp tác, phối hợp giữa Trường với Tổng Công ty Becamex Bình Dương, thành phố và tỉnh Bình Dương trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015;
- Chuẩn bị kỹ phương án lựa chọn về cơ cấu, lộ trình mở các ngành nghề đào tạo một cách hợp lý, phù hợp, chất lượng, gắn với nhu cầu đầu ra và khả năng đáp ứng về đội ngũ, điều kiện giảng dạy, học tập để báo cáo Hội đồng trường trong kỳ họp của Hội đồng dự kiến tổ chức vào tháng 5 năm 2013;
- Tăng cường hơn nữa sự phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn của Bộ Xây dựng trong quá trình triển khai Dự án xây dựng Trường nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện Dự án;
- Cụ thể hoá chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức hoạt động của Trường, nhất là đối với việc giải quyết những khó khăn, tồn đọng làm căn cứ chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, phấn đấu đến hết năm 2013 cơ bản khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc về cơ chế phối hợp giữa Trường với các cơ quan, địa phương liên quan.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Trường và các Ban Quản lý Dự án xây dựng Trường các cấp triển khai tốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án xây dựng Trường Đại học Việt Đức;
- Nghiên cứu sự cần thiết thành lập Tổ chuyên trách liên ngành nhằm giúp cho Bộ và Trường trong việc phối hợp triển khai thực hiện Dự án xây dựng Trường và cung cấp thông tin như đề nghị của Trường, lưu ý cân nhắc phương án thành lập Tổ độc lập như trên hoặc thông qua việc giao nhiệm vụ, làm rõ về các cơ chế phối hợp; quy chế hoạt động, quản lý của các Ban quản lý Dự án cấp Bộ, Trường nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra;
- Xem xét việc khen thưởng cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giúp đỡ, hợp tác với trường Đại học Việt Đức thời gian 5 năm qua theo quy định.
3. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các cơ quan, địa phương liên quan theo chức trách được giao, điều kiện, khả năng thực tế, tích cực ủng hộ, giúp đỡ Trường Đại học Việt Đức khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho Trường phát triển nhanh, mạnh về mọi mặt trong giai đoạn tới.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |