Thông tư 02/2017/TT-NHNN - Quy định hoạt động bao thanh toán tổ chức tín dụng chi nhánh nước ngoài
Nội dung chi tiết:
Ngày 17/05/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-NHNN quy định về hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 30/09/2017. Theo quy định mới này thì ngoài pháp nhân, cá nhân cũng được xem xét, quyết định bao thanh toán khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Nhu cầu bao thanh toán để sử dụng tiền ứng trước vào mục đích sản xuất, kinh doanh hợp pháp;
- Có khả năng tài chính để trả nợ;
- Có phương án sử dụng vốn khả thi.
Thông tư 02/2017/TT-NHNN - Cá nhân có thể được bao thanh toán từ 30/9/2017
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2017/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG BAO THANH TOÁN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đơn vị bao thanh toán là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động bao thanh toán.
2. Khách hàng bao thanh toán (sau đây gọi tắt là khách hàng) là người cư trú, người không cư trú theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, bao gồm:
a) Bên bán hàng trong bao thanh toán bên bán hàng;
b) Bên mua hàng trong bao thanh toán bên mua hàng.
3. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động bao thanh toán của đơn vị bao thanh toán.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên bán hàng (bao gồm cả bên xuất khẩu) là bên bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và có quyền lợi hợp pháp đối với các khoản phải thu theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
2. Bên mua hàng (bao gồm cả bên nhập khẩu) là bên mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ và có khoản phải trả theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
3. Hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là văn bản thoả thuận giữa bên bán hàng và bên mua hàng về việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.
4. Hợp đồng bao thanh toán là văn bản thỏa thuận giữa đơn vị bao thanh toán và khách hàng nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên về việc bao thanh toán.
5. Bảo lưu quyền truy đòi là việc đơn vị bao thanh toán có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước và lãi, phí bao thanh toán từ khách hàng trong trường hợp bên mua hàng không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải trả. Trường hợp bao thanh toán bên bán hàng, đơn vị bao thanh toán thực hiện truy đòi bên bán hàng. Trường hợp bao thanh toán bên mua hàng, đơn vị bao thanh toán thực hiện truy đòi bên mua hàng.
6. Chứng từ mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là các chứng từ liên quan đến việc giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc yêu cầu thanh toán của bên bán hàng đối với bên mua hàng trên cơ sở hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
7. Khoản phải thu là số tiền mà bên bán hàng có quyền nhận được từ bên mua hàng theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
8. Khoản phải trả là số tiền mà bên mua hàng có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán hàng theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
9. Bao thanh toán bên bán hàng là việc đơn vị bao thanh toán mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu của khách hàng là bên bán hàng thông qua việc ứng trước tiền để được nhận quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến khoản phải thu theo thỏa thuận.
10. Bao thanh toán bên mua hàng là việc đơn vị bao thanh toán mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải trả của khách hàng là bên mua hàng thông qua việc ứng trước tiền thanh toán cho bên bán hàng và được khách hàng hoàn trả tiền ứng trước, lãi và phí theo thỏa thuận.
11. Bao thanh toán trong nước là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trong đó bên bán hàng và bên mua hàng là người cư trú.
12. Bao thanh toán quốc tế là việc bao thanh toán dựa trên hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu, trong đó một bên là người cư trú, một bên là người không cư trú.
13. Nợ bao thanh toán là số tiền đơn vị bao thanh toán đã ứng trước cho khách hàng nhưng chưa được hoàn trả.
14. Thời hạn bao thanh toán là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày đơn vị bao thanh toán ứng trước số tiền đầu tiên cho đến thời điểm nợ và lãi bao thanh toán phải trả hết theo thỏa thuận tại hợp đồng bao thanh toán. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn bao thanh toán là ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc chuyển sang ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Đối với thời hạn bao thanh toán không đủ một ngày thì thời hạn bao thanh toán được xác định theo quy định tại Bộ luật dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn.
15. Kỳ hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn bao thanh toán đã thoả thuận mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó khách hàng phải trả một phần hoặc toàn bộ nợ, lãi cho đơn vị bao thanh toán. Trường hợp ngày cuối cùng của kỳ hạn trả nợ là ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày nghỉ lễ, thì ngày kết thúc kỳ hạn chuyển sang ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
16. Nợ bao thanh toán quá hạn bao gồm:
a) Nợ bao thanh toán bị chuyển nợ quá hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này;
b) Nợ bao thanh toán mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi đơn vị bao thanh toán chấm dứt bao thanh toán, thu hồi nợ trước hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này.
17. Phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin về việc sử dụng số tiền ứng trước của khách hàng, trong đó phải có các thông tin sau đây:
a) Giá trị khoản phải thu, khoản phải trả; số tiền ứng trước; mục đích sử dụng số tiền ứng trước; thời gian sử dụng số tiền ứng trước;
b) Nguồn trả nợ của khách hàng trong trường hợp bao thanh toán bên mua hàng.
18. Khả năng tài chính là khả năng về vốn, tài sản, các nguồn tài chính hợp pháp khác của khách hàng.
Điều 4. Sử dụng ngôn ngữ
1. Hợp đồng bao thanh toán được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
2. Đối với các tài liệu khác trong hoạt động bao thanh toán sử dụng tiếng nước ngoài, đơn vị bao thanh toán phải dịch sang tiếng Việt (có xác nhận của người có thẩm quyền của đơn vị bao thanh toán hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực) trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Quy định nội bộ
1. Căn cứ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, đơn vị bao thanh toán ban hành quy định nội bộ về hoạt động bao thanh toán, quản lý khoản phải thu, khoản phải trả phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của đơn vị bao thanh toán (sau đây gọi là quy định nội bộ về bao thanh toán).
2. Quy định nội bộ về bao thanh toán của đơn vị bao thanh toán được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống và phải có tối thiểu các nội dung cụ thể sau đây:
a) Điều kiện bao thanh toán; trường hợp không được bao thanh toán; phương thức bao thanh toán; lãi suất, phí bao thanh toán và phương pháp tính lãi, phí bao thanh toán; hồ sơ bao thanh toán và các tài liệu của khách hàng gửi đơn vị bao thanh toán; việc thu nợ, truy đòi; chuyển nợ quá hạn;
b) Quy trình thẩm định, phê duyệt, quyết định bao thanh toán, trong đó quy định cụ thể thời hạn tối đa thẩm định, quyết định bao thanh toán; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định bao thanh toán và các công việc khác thuộc quy trình hoạt động bao thanh toán;
c) Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình bao thanh toán, việc trả nợ của khách hàng; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình bao thanh toán và trả nợ của khách hàng;
d) Việc áp dụng biện pháp bảo đảm cho hoạt động bao thanh toán, thẩm định tài sản bảo đảm, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm phù hợp với biện pháp bảo đảm, đặc điểm của tài sản bảo đảm và khách hàng;
đ) Chấm dứt bao thanh toán, xử lý nợ; miễn, giảm lãi, phí;
e) Nhận dạng các loại rủi ro có thể phát sinh trong quá trình bao thanh toán; quy trình theo dõi, đánh giá và kiểm soát rủi ro; phương án xử lý rủi ro;
g) Các biện pháp quản lý rủi ro trong trường hợp bên mua hàng không có văn bản cam kết thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán (đối với bao thanh toán bên bán hàng). Các biện pháp kiểm tra, giám sát, quản lý trong trường hợp không sử dụng bản gốc hợp đồng, chứng từ mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
h) Danh mục hoặc tiêu chuẩn đối với tổ chức bảo lãnh thanh toán, bảo hiểm cho khoản phải trả quy định tại điểm c(ii) khoản 2 Điều 11 Thông tư này.
3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về bao thanh toán, đơn vị bao thanh toán phải gửi quy định nội bộ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Điều 6. Trường hợp không được bao thanh toán
Đơn vị bao thanh toán không được bao thanh toán đối với khoản phải thu, khoản phải trả sau đây:
1. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị pháp luật cấm.
2. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị bao thanh toán.
3. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
4. Phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
5. Đã được bao thanh toán hoặc đã được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ khác.
6. Đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
7. Đang có tranh chấp.
Điều 7. Phương thức bao thanh toán
1. Bao thanh toán từng lần: Mỗi lần bao thanh toán, đơn vị bao thanh toán và khách hàng thực hiện thủ tục bao thanh toán và ký kết hợp đồng bao thanh toán.
2. Bao thanh toán theo hạn mức: Đơn vị bao thanh toán xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức nợ bao thanh toán tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định và việc sử dụng hạn mức này. Mỗi năm ít nhất một lần, đơn vị bao thanh toán xem xét xác định lại hạn mức và thời gian duy trì hạn mức này.
3. Bao thanh toán hợp vốn: Hai hay nhiều đơn vị bao thanh toán cùng thực hiện bao thanh toán đối với một hoặc một số khoản phải thu hoặc khoản phải trả của khách hàng, trong đó một đơn vị bao thanh toán làm đầu mối thực hiện việc tổ chức bao thanh toán hợp vốn.
Điều 8. Đồng tiền bao thanh toán, trả nợ
1. Đồng tiền bao thanh toán là đồng Việt Nam, trừ quy định tại khoản 2 Điều này. Đơn vị bao thanh toán chỉ được bao thanh toán bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là người không cư trú khi khách hàng sử dụng tiền bao thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Đơn vị bao thanh toán được xem xét, quyết định bao thanh toán bằng ngoại tệ đối với khoản phải thu, khoản phải trả bằng ngoại tệ phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và đáp ứng điều kiện sau đây:
a) Khách hàng là người không cư trú; hoặc
b) Khách hàng là người cư trú đáp ứng được yêu cầu sau đây:
(i) Khách hàng là bên bán hàng sử dụng tiền bao thanh toán để thanh toán, chi trả cho các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật; hoặc
(ii) Khách hàng là bên mua hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ bao thanh toán; hoặc
(iii) Khách hàng là doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hằng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu.
3. Đồng tiền trả nợ, trả lãi bao thanh toán là đồng tiền bao thanh toán.
Điều 9. Lãi suất và phí bao thanh toán
1. Lãi suất và phí bao thanh toán do đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Khi đến hạn mà nợ, lãi bao thanh toán không được trả hoặc trả không đầy đủ theo thỏa thuận thì khách hàng phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ bao thanh toán theo lãi suất bao thanh toán đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn bao thanh toán mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp nợ bao thanh toán bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên nợ bao thanh toán quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất bao thanh toán trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
3. Trường hợp áp dụng lãi suất bao thanh toán điều chỉnh, đơn vị bao thanh toán và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất bao thanh toán. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất bao thanh toán khác nhau, thì đơn vị bao thanh toán áp dụng mức lãi suất bao thanh toán thấp nhất.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.