Thông tư 03/2017/TT-BVHTTDL - Quy định an toàn vệ sinh lao động cho người lao động thể dục thể thao
Nội dung chi tiết:
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hànhThông tư 03/2017/TT-BVHTTDL quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao. Thông tư bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2017. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2017/TT-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRONG LĨNH VỰC
NGHỆ THUẬT, THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao (sau đây gọi là người sử dụng lao động).
2. Người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật là diễn viên, đạo diễn và người lao động khác tham gia sáng tạo nghệ thuật.
2. Người lao động làm việc trong lĩnh vực thể dục thể thao là huấn luyện viên, vận động viên, hướng dẫn viên thể thao.
Điều 4. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
1. Các nguyên tắc chung theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Kết hợp hài hòa giữa việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, thể dục thể thao.
Điều 5. Xây dựng nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
1. Người sử dụng lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (sau đây gọi là nội quy, quy trình; theo quy định của pháp luật với các nội dung cơ bản quy định tại Khoản 3 Điều này.
2. Người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao có trách nhiệm chấp hành nội quy, quy trình; kiến nghị người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung nội quy, quy trình cho phù hợp.
3. Nội dung cơ bản của nội quy, quy trình bao gồm:
a) Yêu cầu về thời gian, thời giờ, địa điểm tập luyện, thi đấu, biểu diễn, sáng tạo;
b) Nguyên tắc an toàn trong tập luyện, thi đấu, biểu diễn, sáng tạo;
c) Nguyên tắc an toàn trong sử dụng đạo cụ, thiết bị tập luyện, thi đấu, biểu diễn, sáng tạo;
d) Nguyên tắc kiểm soát yếu tố nguy hại, nguy hiểm; xử lý sự cố và ứng cứu khẩn cấp;
đ) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 6. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc
1. Người sử dụng lao động, người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức trại sáng tác, tổ chức giải thi đấu thể thao có trách nhiệm:
a) Xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong thể lệ, điều lệ cuộc thi, giải thi đấu;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cá nhân tham gia bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình tập luyện, thi đấu, biểu diễn, sáng tạo.
Điều 7. Bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động
1. Người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao được hưởng chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và các quy định chuyên môn đối với từng loại hoạt động khi tham gia tập luyện, thi đấu, biểu diễn, sáng tạo.
2. Người sử dụng lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao có trách nhiệm:
a) Thành lập bộ phận y tế hoặc bố trí người làm công tác y tế có chuyên môn phù hợp; trường hợp không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế thì phải ký hợp đồng với cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực để tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người lao động;
b) Tổ chức khám sức khỏe cho người lao động theo quy định hoặc khám đột xuất theo chỉ định của người làm công tác y tế;
c) Tổ chức thực hiện quy định về trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động đối với từng loại hoạt động nghệ thuật, môn thể thao áp dụng tại đơn vị mình theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người lao động đi tập huấn, thi đấu, biểu diễn ngoài nơi làm việc thường xuyên, người sử dụng lao động quyết định việc tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc, xem xét cử nhân viên y tế chuyên trách đi cùng hoặc mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động.
Điều 8. Sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc
1. Người sử dụng lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao chỉ được sử dụng người dưới 13 tuổi làm những công việc thuộc Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
2. Điều kiện sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao gồm:
a) Các điều kiện chung theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Có người thành niên đủ năng lực chuyên môn hướng dẫn, theo dõi liên tục quá trình làm việc của người lao động dưới 13 tuổi. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng công việc, người sử dụng lao động quyết định số lượng người hướng dẫn, theo dõi người dưới 13 tuổi làm việc cho phù hợp.
Điều 9. Sử dụng lao động là người cao tuổi
1. Các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao được sử dụng người cao tuổi làm việc là những nghề, công việc không thuộc Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở điều kiện lao động loại VI theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Việc sử dụng lao động là người cao tuổi phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và quy định tại Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Đề xuất các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động dự kiến đưa vào Danh mục để đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng lĩnh vực;
c) Đề xuất các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm dự kiến đưa vào Danh mục đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
d) Đề xuất chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động đối với người lao động để đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
đ) Nghiên cứu, thống kê, đánh giá về bệnh nghề nghiệp và đề xuất đưa vào Danh mục bệnh nghề nghiệp để đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
e) Đề xuất các công việc nhẹ được sử dụng lao động là người dưới 15 tuổi làm việc để đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
g) Thực hiện các công việc khác được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
2. Vụ Tổ chức cán bộ:
a) Theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan đến chế độ chính sách về an toàn, vệ sinh lao động của công chức, viên chức, người lao động để đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện các công việc khác được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
3. Vụ Pháp chế:
a) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, tham gia ý kiến đối với văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao theo thẩm quyền.
4. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
Thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao; trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao:
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Thông tư này.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2017.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Pháp chế) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
| BỘ TRƯỞNG |