Thông tư 08/2017/TT-NHNN - Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng
Nội dung chi tiết:
Nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các rủi ro gây mất an toàn hệ thống, ngày 01/08/2017 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-NHNN về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng. Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/12/2017. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết và tải Thông tư 08/2017/TT-NHNN tại đây.
Thông tư 08/2017/TT-NHNN - Quy định trình tự thủ tục giám sát ngân hàng
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2017/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIÁM SÁT NGÂN HÀNG
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;
Căn cứ Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra;
Căn cứ Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.
2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh).
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giám sát ngân hàng là hoạt động của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng thông qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát an toàn vi mô, giám sát an toàn vĩ mô bao gồm: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (sau đây gọi tắt là Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng).
3. Đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra là các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.
4. Báo cáo giám sát ngân hàng là các báo cáo giám sát an toàn vi mô, báo cáo giám sát an toàn vĩ mô và các báo cáo khác được lập bởi đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng theo quy định tại Thông tư này.
5. Khủng hoảng ngân hàng là tình huống xảy ra khi sự rút tiền đột ngột của người gửi tiền lan rộng ra toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có thể dẫn đến sự phá sản của các tổ chức này.
6. Giám sát tuân thủ là phương pháp giám sát ngân hàng mà theo đó đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng thực hiện giám sát hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng thông qua việc theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, các quy định khác của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; các chỉ đạo, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng.
7. Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất làm giảm vốn tự có, thu nhập dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
8. Rủi ro hệ thống là khả năng xảy ra tổn thất lan truyền từ sự đổ vỡ của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài riêng lẻ tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, làm gián đoạn hoạt động của toàn bộ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ nền kinh tế.
9. Giám sát rủi ro là phương pháp giám sát ngân hàng mà theo đó đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng thực hiện giám sát hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng thông qua việc đánh giá các loại rủi ro của từng đối tượng giám sát ngân hàng đang và sẽ gặp phải, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và các loại rủi ro khác; đánh giá rủi ro hệ thống của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phân bổ nguồn lực giám sát và đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp.
10. Giám sát sau thanh tra là việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.
11. Tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng là việc Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng làm việc với đối tượng giám sát ngân hàng để kiểm tra, xác minh tính trung thực, chính xác, đầy đủ của tài liệu, thông tin, báo cáo và làm rõ những vấn đề có liên quan đến rủi ro và việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng.
12. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng gây tác động tiêu cực lên toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và/hoặc rủi ro hệ thống làm gián đoạn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ nền kinh tế trong trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc khả năng chi trả.
13. Quản lý cơ sở dữ liệu là việc xây dựng, cập nhật, duy trì đáp ứng các yêu cầu truy cập, sử dụng tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng.
14. Sổ tay giám sát ngân hàng là tài liệu hướng dẫn Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng về việc sử dụng các phương pháp, công cụ, chỉ số giám sát phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng, sổ tay giám sát ngân hàng bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Nội dung, hình thức, phương pháp (giám sát tuân thủ và giám sát rủi ro) và nguyên tắc giám sát ngân hàng;
b) Công cụ, chỉ số phục vụ giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô (bao gồm cả tiêu chí xác định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống);
c) Thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin, dữ liệu, tài liệu;
d) Phân tích, đánh giá các nội dung về giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô;
đ) Báo cáo giám sát ngân hàng và đề xuất các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng;
e) Hồ sơ giám sát ngân hàng.
Điều 4. Nguyên tắc giám sát ngân hàng
1. Giám sát ngân hàng phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng giám sát ngân hàng.
2. Kết hợp giám sát tuân thủ với giám sát rủi ro.
3. Kết hợp giám sát an toàn vi mô với giám sát an toàn vĩ mô.
4. Giám sát ngân hàng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với toàn bộ hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng.
5. Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát ngân hàng và hoạt động thanh tra ngân hàng; giữa hoạt động giám sát ngân hàng và hoạt động cấp, bổ sung, thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng.
6. Bảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ trung ương đến địa phương.
Điều 5. Nội dung, trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng
1. Nội dung giám sát ngân hàng:
a) Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu giám sát;
b) Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng của đối tượng giám sát ngân hàng;
c) Phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
d) Phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động, các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hệ thống các tổ chức tín dụng;
đ) Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.
2. Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng thực hiện như sau:
a) Bước 1: Thu thập, tổng hợp, xử lý và lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu theo các quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư này;
b) Bước 2: Phân tích, đánh giá về đối tượng giám sát ngân hàng theo 2 hình thức bao gồm giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô theo các quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương II Thông tư này;
c) Bước 3: Đề xuất các hành động can thiệp, chỉnh sửa bao gồm các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng theo các quy định tại Mục 6 Chương II Thông tư này;
d) Bước 4: Giám sát sau thanh tra khi nhận được kết luận thanh tra về đối tượng giám sát ngân hàng từ đơn vị thực hiện thanh tra ngân hàng.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIÁM SÁT NGÂN HÀNG
Mục 1. THU THẬP, TỔNG HỢP, XỬ LÝ VÀ LƯU TRỮ TÀI LIỆU, THÔNG TIN, DỮ LIỆU
Điều 6. Thu thập tài liệu, thông tin, dữ liệu
Đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng tiến hành thu thập tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng từ các nguồn dưới đây:
1. Báo cáo theo quy định pháp luật hiện hành về chế độ báo cáo thống kê và về yêu cầu cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
2. Tài liệu, thông tin, dữ liệu trong hoạt động tiếp xúc với đối tượng giám sát ngân hàng, bao gồm:
a) Biên bản các buổi làm việc trực tiếp với đối tượng giám sát ngân hàng;
b) Văn bản giải trình và hồ sơ tài liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trong quá trình tiếp xúc với đối tượng giám sát ngân hàng.
3. Căn cứ vào yêu cầu giám sát ngân hàng, trong trường hợp cần thiết, Chánh Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng nghiên cứu, xây dựng và trình Thống đốc phê duyệt nội dung yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp tài liệu, thông tin, dữ liệu ngoài các tài liệu, thông tin, dữ liệu quy định tại Khoản 1 Điều này để phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng.
4. Tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước từ các đơn vị thuộc Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng, các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước và các nguồn khác.
Điều 7. Tổng hợp, xử lý và lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu
1. Tổng hợp, xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu theo các nội dung sau:
a) Tài liệu, thông tin, dữ liệu về đối tượng giám sát ngân hàng, sau khi được thu thập từ các nguồn khác nhau, được kiểm tra, so sánh, đối chiếu và tổng hợp để sử dụng trong việc đánh giá, phân tích về đối tượng giám sát ngân hàng;
b) Kiểm tra tính chính xác của thông tin trên bảng cân đối tài khoản kế toán, báo cáo tài chính căn cứ theo nguyên tắc hạch toán, kế toán;
c) So sánh, đối chiếu các tài liệu, thông tin, dữ liệu thu thập được với các dữ liệu lịch sử để phát hiện các trường hợp có biến động bất thường;
d) So sánh, đối chiếu tài liệu, thông tin, dữ liệu từ các nguồn khác nhau quy định tại Điều 6 Thông tư này nhằm đảm bảo tính nhất quán;
đ) Căn cứ vào tình hình thực tế để có nhận định, đánh giá về tính hợp lý của tài liệu, thông tin, dữ liệu;
e) Nếu phát hiện tài liệu, thông tin, dữ liệu bị thiếu, lỗi, sai hoặc không phù hợp, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng có báo cáo giải trình kịp thời và gửi lại thông tin chính xác theo các hình thức tiếp xúc đối tượng giám sát ngân hàng được quy định tại Mục 4 Chương II Thông tư này.
2. Tổ chức lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu:
Tài liệu, thông tin, dữ liệu sau khi được tổng hợp, xử lý phải được lưu trữ, quản lý để phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát ngân hàng theo các nguyên tắc sau:
a) Tài liệu, thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ một cách khoa học, đầy đủ theo từng hồ sơ của từng đối tượng giám sát ngân hàng và toàn hệ thống;
b) Tài liệu, thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ thành cơ sở dữ liệu chung, theo chuỗi dữ liệu lịch sử và thuận tiện cho việc tra cứu và sử dụng;
c) Tài liệu, thông tin, dữ liệu thu thập phải được lưu trữ theo quy định pháp luật hiện hành về lưu trữ và được sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.