Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT - Hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch
Nội dung chi tiết:
Từ ngày 01/07/2019, Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 17/05/2019 chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch
Theo đó, định mức cho hoạt động quy hoạch được quy định theo 02 giai đoạn, gồm: Định mức cho hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; Định mức cho hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch. Mỗi giai đoạn gồm định mức cho hoạt động trực tiếp; hoạt động gián tiếp.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2019/TT-BKHĐT | Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2019 |
THÔNG TƯ 08/2019/TT-BKHĐT
HƯỚNG DẪN VỀ ĐỊNH MỨC CHO HOẠT ĐỘNG QUY HOẠCH
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chi tiết về định mức cho hoạt động quy hoạch được sử dụng vốn đầu tư công theo điểm đ Khoản 3 Điều 55 của Luật Quy hoạch.
2. Định mức cho hoạt động quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Định mức cho hoạt động quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
4. Định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
5. Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy hoạch không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này được chọn áp dụng quy định của Thông tư này. Trường hợp chọn áp dụng thì tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định có liên quan của Thông tư này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích thuật ngữ và quy định từ viết tắt
1. Ngành chuẩn là ngành được chọn làm chuẩn để tham chiếu xây dựng định mức cho hoạt động của quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng quốc phòng, an ninh.
2. Vùng chuẩn là lãnh thổ cấp vùng được chọn làm chuẩn để tham chiếu xây dựng định mức cho hoạt động quy hoạch vùng. Các tham số của vùng chuẩn được quy định tại điểm 2 Phụ lục I.
3. Tỉnh chuẩn là lãnh thổ cấp tỉnh được chọn làm chuẩn để tham chiếu xây dựng định mức cho hoạt động quy hoạch tỉnh. Các tham số của tỉnh chuẩn được quy định tại điểm 3 Phụ lục I.
4. Hợp phần quy hoạch chuẩn là hợp phần được chọn làm chuẩn để tham chiếu xây dựng định mức cho các hợp phần tích hợp vào quy hoạch, bao gồm hợp phần quy hoạch ngành và hợp phần quy hoạch lãnh thổ.
5. Nội dung đề xuất là nội dung được xác định trong nhiệm vụ lập quy hoạch để phân công các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng và đưa vào quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
6. Nội dung đề xuất chuẩn là nội dung được chọn làm chuẩn để tham chiếu xây dựng định mức cho các hoạt động xây dựng nội dung đề xuất.
7. Ngày công quy đổi là số ngày công tối đa của một chuyên gia (CG) xếp mức cao nhất trong nhóm chuyên gia tư vấn phải bỏ ra để hoàn thành một nhiệm vụ.
8. Mức chuyên gia tư vấn được chia theo 4 mức quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được ký hiệu: chuyên gia tư vấn mức 1 (CG1), chuyên gia tư vấn mức 2 (CG2), chuyên gia tư vấn mức 3 (CG3), chuyên gia tư vấn mức 4 (CG4).
Điều 4. Nguyên tắc áp dụng định mức
1. Định mức quy định tại Thông tư này là định mức tối đa để thực hiện các nội dung công việc trong hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch.
2. Định mức cho quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng quốc phòng, an ninh, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được xác định trên cơ sở ngành chuẩn, vùng chuẩn, tỉnh chuẩn và được điều chỉnh theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Thông tư này.
3. Căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ lập quy hoạch, trường hợp cần thiết phải thực hiện các công việc điều tra cơ bản thì áp dụng định mức theo quy định của pháp luật hiện hành, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 5. Định mức cho hoạt động quy hoạch
Định mức cho hoạt động quy hoạch được quy định theo hai (02) giai đoạn:
1. Định mức cho hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm:
a) Định mức cho hoạt động trực tiếp;
b) Định mức cho hoạt động gián tiếp.
2. Định mức cho hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch bao gồm:
a) Định mức cho hoạt động trực tiếp;
b) Định mức cho hoạt động gián tiếp;
c) Định mức cho hoạt động lập hợp phần quy hoạch, nội dung đề xuất;
d) Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược.
Chương II
ĐỊNH MỨC CHO HOẠT ĐỘNG QUY HOẠCH
Điều 6. Định mức cho hoạt động trực tiếp
1. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch tổng thể quốc gia được quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
2. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch không gian biển quốc gia được quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
3. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Phụ lục V của Thông tư này.
4. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.
5. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch vùng chuẩn được quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này.
6. Định mức cho hoạt động trực tiếp lập quy hoạch tỉnh chuẩn được quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này.
Điều 7. Định mức cho hoạt động gián tiếp
1. Định mức cho các hoạt động gián tiếp trong lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố quy hoạch và lập hợp phần quy hoạch được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm:
a) Lựa chọn tổ chức tư vấn;
b) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn, lấy ý kiến;
c) Tổ chức thẩm định;
d) Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch;
đ) Công bố quy hoạch;
e) Khảo sát thực tế;
g) Quản lý chung.
2. Định mức cho hoạt động thẩm định các nội dung tại Điều 32 Luật Quy hoạch được quy định tại Phụ lục XI.
3. Định mức chi tiết cho từng hoạt động gián tiếp được xác định theo khối lượng cần thiết trong nhiệm vụ lập quy hoạch.
Điều 8. Định mức cho lập hợp phần quy hoạch, xây dựng nội dung đề xuất đưa vào quy hoạch
1. Định mức cho lập hợp phần quy hoạch chuẩn trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng được quy định tại Phụ lục IX của Thông tư này.
2. Định mức cho xây dựng nội dung đề xuất chuẩn đưa vào quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh được quy định tại Phụ lục X của Thông tư này.
3. Hướng dẫn áp dụng định mức cho lập hợp phần quy hoạch tại Phụ lục II; xây dựng nội dung đề xuất đưa vào quy hoạch tại Phụ lục I.
Điều 9. Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược
Định mức cho hoạt động đánh giá môi trường chiến lược đối với các quy hoạch phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 10. Định mức cho hoạt động điều chỉnh quy hoạch
Định mức cho từng hoạt động điều chỉnh đối với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định áp dụng như định mức cho từng hoạt động lập mới quy hoạch.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
2. Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc văn bản thay thế.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |