Thông tư 13/2013/TT-BYT - Hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm
Nội dung chi tiết:
Thông tư 13/2013/TT-BYT hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2013/TT-BYT | Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2013 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư Hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm:
1. Đối tượng, hình thức, địa điểm và nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm.
2. Quy trình giám sát bệnh truyền nhiễm.
3. Quy trình điều tra bệnh dịch/ổ dịch và hoạt động phòng, chống dịch.
4. Trách nhiệm trong tổ chức giám sát bệnh truyền nhiễm.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ổ dịch là nơi xuất hiện đồng thời trường hợp bệnh truyền nhiễm xác định, tác nhân gây bệnh và yếu tố trung gian truyền bệnh trong một khoảng thời gian nhất định tại cùng địa điểm.
2. Ổ chứa là nơi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể tồn tại và phát triển.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, ĐỊA ĐIỂM VÀ NỘI DUNG GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 3. Đối tượng và bệnh truyền nhiễm cần giám sát
1. Đối tượng giám sát:
a) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm;
b) Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.
2. Bệnh truyền nhiễm cần giám sát được quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bao gồm một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Phụ lục danh mục một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B phải được cách ly y tế ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Hình thức và loại hình giám sát
Giám sát bệnh truyền nhiễm là hình thức thu thập thông tin liên tục, có hệ thống về tình hình, chiều hướng của bệnh truyền nhiễm nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Hình thức giám sát:
a) Giám sát chủ động: thông qua hoạt động điều tra chủ động tại các điểm giám sát.
b) Giám sát thụ động: thông qua báo cáo của các tuyến trong hệ thống giám sát.
2. Loại hình giám sát:
a) Giám sát thường xuyên: thông qua việc theo dõi và kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại một khu vực hoặc trên phạm vi cả nước.
b) Giám sát trọng điểm: thông qua các đơn vị giám sát đã được lựa chọn trong một khoảng thời gian nhất định.
c) Giám sát dựa vào cộng đồng: thông qua hoạt động giám sát của nhân viên y tế, thú y tuyến xã, thôn, ấp, bản và khai báo của người dân.
d) Giám sát dựa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: thông qua báo cáo của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
đ) Giám sát dựa vào phòng xét nghiệm: thông qua báo cáo của các phòng xét nghiệm.
Điều 5. Địa điểm giám sát
Giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện trên toàn bộ phạm vi quản lý được phân công, đặc biệt ở các địa điểm sau:
1. Khu vực đang có ổ dịch, khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm.
4. Nơi cư trú, học tập, lao động của người được chẩn đoán xác định là mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh truyền nhiễm.
5. Khu vực cửa khẩu.
6. Khu vực đã hoặc đang xảy ra thiên tai, thảm họa.
Điều 6. Nội dung giám sát
1. Giám sát nguồn bệnh truyền nhiễm:
a) Người mắc bệnh hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm;
b) Người mang mầm bệnh truyền nhiễm;
c) Động vật mắc bệnh hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm;
d) Động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm.
2. Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm:
a) Vi khuẩn;
b) Vi rút;
c) Rích-két-si-a;
d) Ký sinh trùng.
3. Giám sát ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ:
a) Côn trùng, động vật, thực vật;
b) Thực phẩm;
c) Môi trường: đất, nước, không khí;
d) Địa lý, khí hậu, thời tiết;
đ) Các yếu tố kinh tế - xã hội: kinh tế, điều kiện sống, hành vi, lối sống, phong tục tập quán, cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc;
e) Bệnh phẩm;
g) Huyết thanh.
Chương III
QUY TRÌNH GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 7. Các bước tiến hành giám sát
1. Thu thập thông tin.
2. Phân tích số liệu và đánh giá kết quả.
3. Nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm.
4. Đề xuất biện pháp can thiệp.
5. Báo cáo.
Điều 8. Thông tin cần thu thập trong giám sát
1. Nguồn bệnh truyền nhiễm
a) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và người tử vong do bệnh truyền nhiễm:
- Tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, nơi lưu trú;
- Địa điểm và thời gian mắc bệnh;
- Diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị;
- Tiền sử và yếu tố dịch tễ liên quan.
b) Các thông tin về côn trùng, động vật, thực vật, vật nghi là nguồn truyền nhiễm: loài gây bệnh, đặc điểm sinh vật học, mật độ, mối liên hệ với con người.
2. Xác định tác nhân gây bệnh truyền nhiễm: chủng, nhóm, týp, phân týp, các đặc tính sinh học về tính kháng thuốc, biến đổi về hình thể và gen.
3. Đường lây truyền: lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, tiếp xúc da, niêm mạc, máu, qua trung gian truyền bệnh.
4. Ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ.
a) Côn trùng, động vật, thực vật, vật mang tác nhân gây bệnh. Đối với côn trùng gây bệnh phải xác định được: số lượng, mật độ, thành phần loài, các chỉ số giám sát, tính nhạy cảm với hóa chất;
b) Thực phẩm: nguyên liệu, phương thức chế biến, bảo quản;
c) Môi trường: đất, nước, không khí;
d) Địa lý, khí hậu, thời tiết: khu vực địa dư, mùa, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm;
đ) Điều kiện kinh tế - xã hội: mức sống, lối sống, điều kiện sống, phong tục tập quán, cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc;
e) Bệnh phẩm;
g) Huyết thanh.
5. Hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm
a) Các biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm;
b) Hiệu quả của các biện pháp đã triển khai;
c) Khó khăn và thuận lợi.
Chương IV
QUY TRÌNH ĐIỀU TRA BỆNH DỊCH/Ổ DỊCH VÀ HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Điều 9. Các bước tiến hành điều tra bệnh dịch/ổ dịch
1. Chuẩn bị điều tra bệnh dịch/ổ dịch.
2. Xác định sự tồn tại của bệnh dịch/ổ dịch.
3. Xác định tiêu chuẩn chẩn đoán người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh đầu tiên.
4. Mô tả quá trình diễn biến của bệnh dịch/ổ dịch theo thời gian, địa điểm, con người.
5. Tìm hiểu đặc điểm dân số học, kinh tế - xã hội để phát hiện nhóm cảm thụ hoặc nhóm nguy cơ đối với bệnh dịch/ổ dịch đã được xác định.
6. Điều tra các yếu tố liên quan đến bệnh dịch/ổ dịch quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 8 của Thông tư này.
7. Tổng hợp, phân tích, đánh giá và đưa ra chẩn đoán xác định bệnh dịch/ổ dịch, xác định nguồn truyền nhiễm, đường truyền nhiễm và nhóm nguy cơ mắc bệnh.
8. Nhận định, tiên lượng tình hình dịch.
9. Đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch.
10. Báo cáo kết quả điều tra bệnh dịch/ổ dịch.
Điều 10. Thu thập, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi, tiêu hủy mẫu bệnh phẩm
1. Việc thu thập, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi, tiêu hủy mẫu bệnh phẩm thực hiện theo Thông tư số 43/2011/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.
2. Trong trường hợp cơ sở y tế không có khả năng thực hiện các xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế tuyến trên để gửi mẫu bệnh phẩm cũng như hướng dẫn thu thập, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết