Thông tư 13/2018/TT-BTC - Quy định sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác điều ước quốc tế
Nội dung chi tiết:
Thông tư 13/2018/TT-BTC - Quy định sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác điều ước quốc tế
Từ ngày 02/04/2018, Thông tư 13/2018/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 06/02/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Thông tư tại đây.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2018/TT-BTC | Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2018 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ CÔNG TÁC THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh Ký kết và Thực hiện thỏa thuận quốc tế ngày 06 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 74/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Nghị định số 74/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2016/NĐ-CP).
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Luật điều ước quốc tế năm 2016 và Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí và nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế
Thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định số 74/2016/NĐ-CP.
Điều 3. Nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế
Thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 74/2016/NĐ-CP.
Điều 4. Mức chi
1. Các nội dung chi tổ chức hội nghị trong nước, công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước; công tác phí cho cán bộ đi công tác ở nước ngoài; chi làm đêm, làm thêm giờ: Thực hiện theo các chế độ quy định hiện hành, cụ thể:
a) Chi tổ chức hội nghị trong nước, công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
b) Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác ở nước ngoài: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
c) Chi làm đêm, làm thêm giờ: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
2. Chi rà soát văn bản trong nước và rà soát, thống kê các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong cùng lĩnh vực phục vụ trực tiếp công tác xây dựng điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; chi tổ chức rà soát văn bản điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký trong chuyến thăm của đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài tại Việt Nam hoặc chuyến thăm của đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại nước ngoài: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
3. Chi dịch thuật; chi đón các đoàn nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
4. Chi xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế của Việt Nam đặt tại Bộ Ngoại giao: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
5. Các khoản chi: Cấp bản sao điều ước quốc tế; chi phí sao lục, in ấn tài liệu; chi mua, thu thập tài liệu; chi mua văn phòng phẩm phục vụ trực tiếp cho soạn thảo điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế: Thực hiện theo chứng từ chi thực tế, theo hợp đồng của đơn vị cung ứng; đối với trường hợp thu thập tài liệu phải có bảng kê khai ký nhận tiền của người cung cấp tài liệu. Các nội dung chi tiêu trên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện.
6. Chi tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
7. Đối với các khoản chi đóng góp tài chính theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thì mức đóng góp tài chính được thực hiện như sau:
a) Mức đóng góp tài chính theo điều ước quốc tế (bao gồm đóng góp tài chính, niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo điều ước quốc tế, viện trợ cho chính phủ nước ngoài, hoặc đóng góp tài chính khác theo điều ước quốc tế): Được thực hiện căn cứ vào quy định của điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; trong trường hợp có sự thay đổi mức đóng góp tài chính so với quy định của điều ước quốc tế thì cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định làm căn cứ đóng góp.
b) Mức đóng góp tài chính theo thỏa thuận quốc tế (bao gồm đóng góp tài chính, niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo thỏa thuận quốc tế, hoặc đóng góp tài chính khác theo thỏa thuận quốc tế): Được thực hiện căn cứ vào quy định của thỏa thuận quốc tế có liên quan đang có hiệu lực; trong trường hợp có sự thay đổi mức đóng góp tài chính thì cơ quan chủ trì thực hiện thỏa thuận quốc tế lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan để trình cơ quan đã quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế đó phê duyệt mức đóng góp tài chính theo thỏa thuận quốc tế.
8. Một số chế độ, mức chi có tính chất đặc thù phục vụ công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế:
a) Đối với công tác nghiên cứu, xây dựng phương án đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; báo cáo đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế; báo cáo rà soát, so sánh điều ước quốc tế với pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; báo cáo đánh giá độc lập về sự phù hợp của điều ước quốc tế đề xuất ký, gia nhập với quy định của pháp luật Việt Nam, sự tương thích của điều ước quốc tế đề xuất ký, gia nhập với các điều ước quốc tế liên quan được cơ quan có thẩm quyền giao; báo cáo quốc gia về việc thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên theo quy định của điều ước quốc tế; báo cáo rà soát, đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan: 10.000.000 đồng/báo cáo.
Đối với các điều ước quốc tế liên quan đến nhiều Bộ, lĩnh vực khác nhau thì việc nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đối với mỗi Bộ, lĩnh vực được chi tương ứng với mức chi cho 01 báo cáo nêu trên.
b) Chi soạn thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế:
- Soạn thảo mới dự thảo điều ước quốc tế: 8.000.000 đồng/dự thảo văn bản;
- Soạn thảo dự thảo điều ước quốc tế sửa đổi, bổ sung, gia hạn; dự thảo thỏa thuận quốc tế: 5.000.000 đồng/dự thảo văn bản.
c) Chi cho các cá nhân tham gia cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; hội thảo về kế hoạch đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; chi hội đồng kiểm tra điều ước quốc tế; chi hội đồng thẩm định, tư vấn thẩm định điều ước quốc tế (nếu có):
- Người chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/buổi;
- Các thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi;
- Lấy ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: 500.000 đồng/văn bản.
d) Chi báo cáo tổng hợp ý kiến; báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến góp ý; văn bản ý kiến của Bộ Ngoại giao đối với đề xuất ký kết Thỏa thuận quốc tế: 1.000.000 đồng/báo cáo/văn bản.
đ) Chi báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, ủy viên của Hội đồng kiểm tra, Hội đồng thẩm định trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 và khoản 3 Điều 20 Luật Điều ước quốc tế; của Hội đồng thẩm tra trong trường hợp điều ước quốc tế có nội dung quan trọng, phức tạp; báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng của đơn vị chủ trì soạn thảo:
- Đối với dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mới hoặc thay thế: 1.000.000 đồng/báo cáo;
- Đối với dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế sửa đổi, bổ sung một số điều: 700.000 đồng/báo cáo.
e) Báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế:
- Báo cáo tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Chủ tịch nước: 8.000.000 đồng/báo cáo;
- Báo cáo tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế định kỳ hàng năm của các Bộ, ngành: 5.000.000 đồng/báo cáo;
- Báo cáo tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo chuyên đề hoặc đột xuất: 3.000.000 đồng/báo cáo.
g) Chi cho việc xây dựng báo cáo thẩm định, báo cáo kiểm tra, báo cáo thẩm tra:
- Văn bản góp ý:
+ Đối với dự thảo điều ước quốc tế mới hoặc thay thế: 1.000.000 đồng/văn bản;
+ Đối với dự thảo điều ước quốc tế sửa đổi, bổ sung; thỏa thuận quốc tế: 500.000 đồng/văn bản;
- Báo cáo thẩm định, báo cáo kiểm tra, báo cáo thẩm tra:
+ Đối với dự thảo điều ước quốc tế mới hoặc thay thế: 1.500.000 đồng/báo cáo;
+ Đối với dự thảo điều ước quốc tế sửa đổi, bổ sung; thỏa thuận quốc tế: 1.000.000 đồng/báo cáo;
h) Chi cấp ý kiến pháp lý cho các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay, thỏa thuận bảo lãnh Chính phủ: 4.000.000 đồng/01 ý kiến pháp lý (bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến công tác cấp ý kiến pháp lý như: soạn thảo, họp, dịch tài liệu, ý kiến chuyên gia phản biện và các công việc khác phục vụ việc cấp ý kiến pháp lý).
i) Chi lấy ý kiến chuyên gia độc lập: 1.000.000 đồng/văn bản góp ý (đối với trường hợp đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, kiểm tra điều ước quốc tế, thẩm định điều ước tế, đề nghị, dự kiến chương trình soạn thảo điều ước quốc tế; tờ trình, dự thảo điều ước quốc tế và các loại báo cáo liên quan đến điều ước quốc tế thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập; số lượng chuyên gia do Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả, trong phạm vi nguồn kinh phí được giao).
k) Chi bồi dưỡng cho các thành viên trực tiếp tham gia trong những ngày đàm phán, họp với phía đối tác về điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế được tổ chức ở trong nước: Theo mức chi cho các thành viên và các cán bộ tham gia phục vụ đoàn đàm phán trong những ngày tham gia phiên họp chuẩn bị và các phiên đàm phán chính thức tổ chức ở trong nước quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
l) Các khoản chi phí khác phát sinh phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế: Thanh toán theo hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế hợp pháp theo quy định của Luật Kế toán và nằm trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao của cơ quan chủ trì thực hiện công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế.
m) Đối với các điều ước quốc tế liên quan đến nhiều Bộ, lĩnh vực khác nhau thì việc thực hiện các công việc nêu trên đối với mỗi một Bộ, lĩnh vực được chi theo định mức chi từ Điểm a đến Điểm l Khoản 8 Điều này.
n) Việc chi soạn thảo văn bản, các loại báo cáo quy định tại Điểm a, b, d, e, g Khoản 8 Điều này tính cho sản phẩm cuối cùng (bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý).
Điều 5. Lập và phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế
Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các quy định sau:
1. Lập và phân bổ dự toán:
a) Lập dự toán:
- Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Hàng năm, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các công việc của công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế căn cứ vào nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư này và các văn bản liên quan khác để lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế gửi cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Bộ, cơ quan trung ương, gửi Bộ Tài chính.
- Đối với địa phương: Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ thực hiện công tác thỏa thuận quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp tỉnh, cơ quan được phân công chủ trì thực hiện lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác thỏa thuận quốc tế từ ngân sách địa phương tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan gửi Sở Tài chính tỉnh tổng hợp chung vào dự toán chi của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.
Riêng đối với nhiệm vụ thực hiện công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế được Nhà nước, Chính phủ phân công thực hiện (do ngân sách trung ương bảo đảm), cơ quan được phân công chủ trì thực hiện lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế gửi Sở Tài chính tỉnh tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của địa phương (phần dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương) để gửi Bộ Tài chính.
- Căn cứ đề xuất của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.
b) Phân bổ dự toán, chấp hành dự toán ngân sách:
- Sau khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính thực hiện giao dự toán cho các Bộ, các cơ quan trung ương trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm và thực hiện giao dự toán cho các địa phương theo hình thức bổ sung có mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế theo kế hoạch đã được phê duyệt;
- Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện giao kinh phí cho các cơ quan đơn vị trực thuộc thực hiện công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế thực hiện, đồng gửi cơ quan tài chính cùng cấp để kiểm tra theo quy định.
2. Sử dụng và quyết toán kinh phí:
Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế được sử dụng và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương chủ động quy định mức chi cụ thể cho phù hợp (cao hơn hoặc thấp hơn mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này) để thực hiện trong phạm vi dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao.
2. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp (cao hơn hoặc thấp hơn mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này) để thực hiện ở địa phương.
3. Trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa ban hành văn bản quy định mức chi cụ thể thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này quyết định mức chi cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế nhưng tối đa không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, trong phạm vi dự toán nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao.
4. Đối với kinh phí chi cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế năm 2018, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương chủ động bố trí, sắp xếp trong dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao năm 2018 để thực hiện.
5. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 4 năm 2018 thay thế Thông tư số 129/2013/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.
7. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |