Thông tư 19/2018/TT-BTC - Chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 446,8 KB
Lượt tải: 30
Nhà phát hành: Bộ Tài chính


Thông tin về Thông tư 19/2018/TT-BTC: Từ ngày 29/03/2018, Thông tư 19/2018/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 12/02/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn về chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo.

Nội dung chi tiết:

Thông tư 19/2018/TT-BTC - Chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam

Ngày 12/02/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 19/2018/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Thông tư bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 29/03/2018. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Thông tư tại đây.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2018

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU VỀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 93/2017/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) (sau đây gọi tắt là Luật các tổ chức tín dụng).

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Vốn chủ sở hữu

1. Vốn điều lệ, bao gồm:

a) Vốn góp của các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

b) Vốn góp của các tổ chức khác (nếu có).

c) Vốn hỗ trợ của Nhà nước.

2. Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản theo quyết định của Nhà nước hoặc các trường hợp đánh giá lại tài sản khác theo quy định của pháp luật.

3. Các quỹ bao gồm:

a) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

b) Quỹ đầu tư phát triển.

c) Quỹ dự phòng tài chính.

4. Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối; lỗ lũy kế chưa xử lý.

5. Vốn hợp pháp khác thuộc sở hữu của Ngân hàng.

Điều 4. Quản lý và sử dụng vốn, tài sản

1. Ngân hàng có trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn, tài sản theo quy định tại Chương II Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, quy định pháp luật có liên quan và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này.

2. Đối với các bất động sản nắm giữ do việc xử lý nợ vay theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng:

a) Đối với các bất động sản Ngân hàng nắm giữ tạm thời để bán, chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn trong thời hạn 03 năm, Ngân hàng không hạch toán tăng tài sản cố định, không trích khấu hao.

b) Đối với các bất động sản được Ngân hàng mua lại để phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh, Ngân hàng hạch toán tăng tài sản, trích khấu hao theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo giới hạn đầu tư, mua sắm tài sản cố định theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.

3. Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, Ngân hàng phải đảm bảo duy trì giới hạn đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc: giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán của Ngân hàng.

Điều 5. Doanh thu

Doanh thu của Ngân hàng bao gồm các khoản thu quy định tại Điều 16 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP. Cụ thể:

1. Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự:

a) Thu lãi tiền gửi.

b) Thu lãi cho vay:

- Thu lãi cho vay đối với các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

- Thu lãi cho vay đối với khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

c) Thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ.

d) Thu từ nghiệp vụ bảo lãnh.

đ) Thu lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ.

e) Thu khác từ hoạt động tín dụng.

2. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ:

a) Thu từ dịch vụ thanh toán gồm: Thu từ cung cấp dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử; thu mở tài khoản thanh toán, cung cấp phương tiện thanh toán cho các quỹ tín dụng nhân dân thành viên và các khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

b) Thu từ dịch vụ ngân quỹ.

c) Thu từ nghiệp vụ ủy thác và đại lý.

d) Thu từ hoạt động dịch vụ khác gồm:

- Thu từ cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính, ngân hàng và đầu tư.

- Thu từ cung ứng sản phẩm dịch vụ mới phục vụ cho hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân thành viên và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn.

- Thu từ hoạt động đại lý trong các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm.

- Thu từ các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (trừ cổ phiếu).

4. Thu từ hoạt động khác:

a) Thu từ các khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro (bao gồm cả các khoản nợ đã được xóa nay thu được).

b) Thu từ nghiệp vụ mua bán nợ.

c) Thu từ cho thuê tài sản trừ số tiền thu được từ cho thuê các bất động sản tạm thời nắm giữ được dùng để cấn trừ khoản nợ đã cho vay để xử lý nợ vay theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ.

d) Thu từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản.

d) Thu từ hoàn nhập dự phòng.

e) Thu từ các hoạt động kinh doanh ngân hàng khác được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.

5. Thu nhập khác gồm:

a) Thu các khoản nợ phải trả nay đã mất chủ hoặc không xác định được chủ nợ theo quy định của pháp luật được ghi tăng thu nhập.

b) Thu tiền phạt khách hàng, tiền khách hàng bồi thường do vi phạm hợp đồng được hạch toán vào thu nhập.

c) Thu tiền bảo hiểm được bồi thường được hạch toán vào thu nhập sau khi đã bù đắp khoản tổn thất đã mua bảo hiểm.

d) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu đối với các khoản thu của Ngân hàng quy định tại Điều 16 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP như sau:

1. Việc xác định doanh thu khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

2. Đối với thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự:

a) Thu lãi từ hoạt động cấp tín dụng: Ngân hàng có trách nhiệm đánh giá khả năng thu hồi nợ và thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định của pháp luật ngân hàng để làm căn cứ hạch toán lãi phải thu và thực hiện hạch toán như sau:

- Ngân hàng hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Số lãi phải thu của các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước và số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại thì không phải hạch toán thu nhập, Ngân hàng thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

b) Thu lãi tiền gửi: là số lãi phải thu trong kỳ.

3. Thu từ hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu):

a) Đối với chứng khoán kinh doanh: Ngân hàng hạch toán vào thu nhập theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp đối với chứng khoán kinh doanh.

b) Đối với chứng khoán đầu tư, trừ các loại chứng khoán phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro như một khoản cho vay, Ngân hàng hạch toán dự thu đối với số lãi dự kiến thu được.

4. Đối với các khoản thu về chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ và vàng, Ngân hàng thực hiện ghi nhận theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật có liên quan.

5. Đối với doanh thu từ các hoạt động còn lại: doanh thu là toàn bộ tiền cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong kỳ được khách hàng chấp nhận thanh toán không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.

6. Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì Ngân hàng hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Điều 7. Chi phí

Chi phí của Ngân hàng bao gồm các khoản chi quy định tại Điều 17 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP. Cụ thể:

1. Chi phí lãi và các chi phí tương tự:

a) Chi trả lãi tiền gửi: Chi trả lãi tiền gửi của các quỹ tín dụng nhân dân thành viên; Chi trả lãi tiền gửi của các khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

b) Chi trả lãi tiền vay.

c) Chi trả lãi phát hành giấy tờ có giá.

d) Chi khác cho hoạt động tín dụng.

2. Chi phí hoạt động dịch vụ:

a) Chi về dịch vụ thanh toán.

b) Chi về dịch vụ ngân quỹ.

c) Chi về dịch vụ viễn thông.

d) Chi về nghiệp vụ ủy thác và đại lý.

đ) Chi về dịch vụ tư vấn.

e) Chi hoa hồng cho đại lý, môi giới, ủy thác đối với các hoạt động đại lý, môi giới, ủy thác được pháp luật cho phép. Trong đó đối với chi hoa hồng môi giới thực hiện theo quy định sau:

- Ngân hàng được chi hoa hồng môi giới đối với hoạt động môi giới được pháp luật cho phép.

- Hoa hồng môi giới để chi cho bên thứ ba (làm trung gian), không được áp dụng cho các đối tượng là đại lý của Ngân hàng; các chức danh quản lý, nhân viên của Ngân hàng và người có liên quan của Ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

- Việc chi hoa hồng môi giới phải căn cứ vào hợp đồng hoặc giấy xác nhận giữa Ngân hàng và bên nhận hoa hồng môi giới, trong đó phải có các nội dung cơ bản gồm: tên của bên nhận hoa hồng; nội dung chi; mức chi; phương thức thanh toán; thời gian thực hiện và kết thúc; trách nhiệm của các bên.

- Đối với khoản chi môi giới để cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản xiết nợ, gán nợ): mức chi môi giới để cho thuê mỗi tài sản của Ngân hàng tối đa không quá 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản đó do môi giới mang lại trong năm.

- Đối với khoản chi môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố: mức chi hoa hồng môi giới bán mỗi tài sản thế chấp, cầm cố của Ngân hàng không vượt quá 1 % giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản đó qua môi giới.

- Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc Ngân hàng ban hành quy chế chi hoa hồng môi giới để áp dụng thống nhất và công khai.

3. Chi hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán được phép kinh doanh theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

4. Chi hoạt động khác:

a) Chi về nghiệp vụ mua bán nợ.

b) Chi về hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

5. Chi nộp thuế và các khoản phí, lệ phí.

6. Chi cho cán bộ, nhân viên:

a) Chi tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp.

b) Các khoản chi để đóng góp theo lương: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mua bảo hiểm tai nạn con người, kinh phí công đoàn.

c) Chi trang phục giao dịch.

d) Chi bảo hộ lao động: chỉ được chi cho các đối tượng cần trang bị bảo hộ lao động trong khi làm việc.

đ) Chi trợ cấp.

e) Chi ăn ca: Ngân hàng thực hiện chi ăn ca theo mức chi ăn ca quy định đối với doanh nghiệp nhà nước.

g) Chi y tế bao gồm: Các khoản chi khám bệnh định kỳ cho người lao động, chi mua thuốc dự phòng và các khoản chi y tế khác thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

h) Các khoản chi khác bao gồm: Chi tiền nghỉ phép hàng năm, các khoản chi thêm cho lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

7. Chi cho hoạt động quản lý và công vụ:

a) Chi về vật liệu, giấy tờ in; công tác phí.

b) Chi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ bao gồm: Chi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ của Ngân hàng và chi đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin cho các quỹ tín dụng nhân dân thành viên.

c) Chi nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ gồm:

- Chi trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng quỹ thực hiện theo quy định hiện hành.

- Chi cho phần còn thiếu trong trường hợp số dư quỹ phát triển khoa học và công nghệ không đủ để chi cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong năm.

d) Chi thưởng sáng kiến, cải tiến, tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm chi phí theo nguyên tắc phù hợp với hiệu quả thực tế đem lại. Ngân hàng phải xây dựng và công bố công khai các quy chế chi thưởng và thành lập Hội đồng để nghiệm thu sáng kiến.

đ) Chi bưu phí và điện thoại; chi xuất bản tài liệu, tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại; chi mua tài liệu, sách báo; chi về các hoạt động đoàn thể; chi điện, nước, vệ sinh cơ quan; chi hội nghị, lễ tân, khánh tiết, giao dịch, đối ngoại; chi tư vấn, kiểm toán; chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước; chi phòng cháy chữa cháy; chi cho công tác bảo vệ môi trường và các khoản chi khác.

8. Chi về tài sản:

a) Chi khấu hao tài sản cố định sử dụng cho hoạt động kinh doanh thực hiện theo chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định đối với doanh nghiệp.

b) Chi bảo dưỡng, sửa chữa tài sản.

c) Chi mua sắm công cụ, dụng cụ.

d) Chi bảo hiểm tài sản.

d) Chi thuê tài sản cố định: Chi phí thuê tài sản cố định được thực hiện theo hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản.

e) Chi thuê dịch vụ quản lý, vận hành tài sản, tòa nhà thực hiện theo hợp đồng thuê.

9. Chi trích lập dự phòng:

a) Các khoản dự phòng:

- Chi trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động theo quy định tại Điều 131 Luật các tổ chức tín dụng.

- Chi trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành theo quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và khoản 12 Điều 1 Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP; hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Chi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và các khoản dự phòng khác (nếu có) theo quy định chung áp dụng đối với doanh nghiệp.

b) Phần chi phí trích lập dự phòng rủi ro được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

10. Chi bảo toàn và bảo hiểm tiền gửi.

11. Các khoản chi phí khác:

a) Chi đóng phí hiệp hội các ngành nghề mà Ngân hàng có tham gia.

b) Chi cho công tác đảng, đoàn thể tại Ngân hàng (phần chi ngoài kinh phí của tổ chức đảng, đoàn thể được chi từ nguồn quy định).

c) Chi nhượng bán, thanh lý tài sản và giá trị còn lại của tài sản cố định thanh lý, nhượng bán (nếu có).

d) Chi cho việc thu hồi các khoản nợ đã xóa, chi phí thu hồi nợ xấu là các khoản chi cho việc thu hồi nợ bao gồm cả chi trả phí dịch vụ thu hồi nợ cho các tổ chức được phép thực hiện dịch vụ thu hồi nợ theo quy định của pháp luật, chi phí để thực hiện mua bán nợ.

đ) Chi xử lý khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã bù đắp bằng các nguồn theo quy định tại khoản 4 Điều 12 của Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.

e) Chi các khoản đã hạch toán doanh thu nhưng thực tế không thu được.

g) Chi cho công tác xã hội theo quy định của pháp luật về thuế.

h) Chi nộp phạt vi phạm hành chính trừ các khoản tiền phạt mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật.

i) Các chi phí khác gồm:

- Chi các khoản nợ phải trả, đã xác định mất chủ và hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó lại xác định được chủ nợ.

- Chi trả tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế thuộc trách nhiệm của Ngân hàng.

- Chi nộp phạt vi phạm hành chính trừ các khoản tiền phạt mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật.

- Chi án phí, lệ phí thi hành án thuộc trách nhiệm của Ngân hàng.

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Nguyên tắc ghi nhận các khoản chi phí của Ngân hàng

1. Chi phí của Ngân hàng là các khoản chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng; tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí; có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật. Ngân hàng không được hạch toán vào chi phí các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ. Việc xác định và hạch toán chi phí được thực hiện phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc xác định chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

3. Ngân hàng chỉ được hạch toán vào chi phí kinh doanh các khoản chi phí được trừ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Riêng đối với phần chi trích lập dự phòng rủi ro vượt mức quy định được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp do có sự khác biệt giữa quy định về chi trích lập dự phòng rủi ro của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nếu có); chi đóng phí hiệp hội ngành nghề ở nước ngoài mà Ngân hàng tham gia và khoản chi nộp phạt vi phạm hành chính (trừ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật), Ngân hàng được sử dụng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp để bù đắp.

Điều 9. Phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Ngân hàng

1. Việc phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Ngân hàng thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.

2. Ngân hàng thực hiện hạch toán, theo dõi phần lợi nhuận chia cho thành viên là Nhà nước được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ (phần vốn hỗ trợ của Nhà nước) tại một tiểu khoản riêng.

Điều 10. Nội dung báo cáo, mẫu biểu báo cáo, kỳ báo cáo, thời hạn gửi báo cáo

1. Ngân hàng thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Báo cáo kế hoạch tài chính năm của Ngân hàng gồm: Kế hoạch nguồn vốn và sử dụng vốn; Kế hoạch thu nhập, chi phí, kết quả kinh doanh và chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước; Kế hoạch lao động, tiền lương.

3. Báo cáo tài chính, bao gồm:

a) Bảng cân đối kế toán giữa niên độ, năm.

b) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ, năm.

c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ, năm.

d) Thuyết minh báo cáo tài chính giữa niên độ, năm.

đ) Báo cáo khác, gồm:

- Bảng cân đối tài khoản kế toán tháng.

- Báo cáo một số chỉ tiêu an toàn tài chính năm.

- Báo cáo tình hình thu nhập của người quản lý, cán bộ, công nhân viên năm.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ báo cáo tài chính đối với tổ chức tín dụng; riêng Báo cáo một số chỉ tiêu an toàn tài chính và Báo cáo tình hình thu nhập của người quản lý, cán bộ, công nhân viên, Ngân hàng thực hiện theo Phụ lục 1 và Phụ lục 2 đính kèm Thông tư này.

4. Thời hạn gửi báo cáo

a) Thời hạn gửi báo cáo kế hoạch tài chính năm: Thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP.

b) Thời hạn gửi báo cáo tháng: chậm nhất là ngày 10 của tháng kế tiếp.

c) Thời hạn gửi báo cáo tài chính giữa niên độ chậm nhất là ngày 30 tháng đầu của quý kế tiếp.

d) Thời hạn gửi báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

đ) Thời hạn gửi báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán kèm theo kết luận của tổ chức kiểm toán độc lập (báo cáo kiểm toán): ngay sau khi kết thúc kiểm toán.

e) Nếu ngày cuối cùng của thời hạn gửi báo cáo tài chính là ngày lễ, ngày Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần thì ngày nộp báo cáo tài chính chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày đó.

5. Nơi nhận báo cáo

Ngân hàng gửi báo cáo tài chính cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chủ trì giám sát việc thực hiện chế độ tài chính của Ngân hàng; đồng thời gửi Bộ Tài chính.

Điều 11. Phương thức báo cáo

Ngân hàng thực hiện gửi báo cáo cho Bộ Tài chính theo các phương thức sau:

1. Báo cáo bằng văn bản:

Ngân hàng thực hiện báo cáo bằng văn bản báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán đối với các báo cáo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

2. Báo cáo điện tử:

a) Ngân hàng thực hiện báo cáo điện tử đối với các báo cáo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

b) Ngân hàng thực hiện kết nối với Bộ Tài chính thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính để gửi báo cáo tài chính điện tử về Bộ Tài chính theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.

c) Trường hợp hệ thống truyền dữ liệu có sự cố, Ngân hàng phải gửi file báo cáo được lưu trên vật mang tin hoặc gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính) tại trụ sở Bộ Tài chính - Số 28 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản lý

1. Trách nhiệm của Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng thực hiện báo cáo bằng phương thức điện tử.

2. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng có vốn nhà nước để thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập Báo cáo đánh giá hiệu quả hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng, gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 4 của năm tiếp theo và thực hiện công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

b) Định kỳ 06 tháng (trước ngày 31/7) và hàng năm (trước ngày 31/3 năm kế tiếp), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cho Bộ Tài chính tình hình tài chính của Ngân hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, cụ thể theo các chỉ tiêu sau:

- Đánh giá tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng.

- Các chỉ tiêu, nội dung khác có liên quan.

- Các vi phạm về chế độ tài chính của Ngân hàng được phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát (nếu có).

Điều 13. Trách nhiệm của Ngân hàng

Thực hiện chế độ tài chính theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Nghị định số 93/2017/NĐ-CP; các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính khác có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2018.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 93/2013/TT-BTC ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã.

3. Trong thời gian chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc thực hiện báo cáo bằng phương thức báo cáo điện tử, Ngân hàng thực hiện gửi các báo cáo bằng văn bản, trừ Bảng cân đối tài khoản kế toán hàng tháng của Ngân hàng.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Văn phòng Tổng bí thư
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng;
- Viện kiểm soát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- UBND, Sở Tài chính, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Hợp tác xã;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Vụ TCNH

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

download.com.vn