Thông tư 20/2017/TT-BTC - Quy định mới về khấu trừ thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu
Nội dung chi tiết:
Thông tư 20/2017/TT-BTC - Quy định mới về khấu trừ thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu
Thông tư 20/2017/TT-BTC sửa đổi quy định về khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán hàng ra trong nước tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 195/2015/BTC (đã được sửa đổi bởi Thông tư 130/2016/BTC).
Luật sửa đổi bổ sung của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế 2016
Thông tư 130/2016/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC và Nghị định 209/2013/NĐ-CP
Theo Thông tư 20, người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu, khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước sẽ được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu.
Ví dụ: Trong kỳ, cơ sở A nhập khẩu 100 máy điều hòa công suất 12.000 BTU, đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu là 100 triệu. Cơ sở A xuất bán hết 100 máy điều hòa và phát sinh số thuế tiêu thụ đặc biệt là 120 triệu. Vậy thì số thuế tiêu thụ đặc biệt cơ sở A phải nộp là 20 triệu (120 triệu tiền thuế đã được khấu trừ 100 triệu tiền thuế ở khâu nhập khẩu).
Cũng tại Thông tư số 20/2017/BTC thì số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ sẽ tương đương với số thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu được bán ra. Số thuế tiêu thụ đặc biệt tối đa được khấu trừ cũng chỉ bằng số thuế tiêu thụ đặc biệt tính được ở khâu bán ra trong nước.
Ví dụ: Cở sở B nhập khẩu 100 máy điều hòa, phát sinh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp là 100 triệu. Trong kỳ cơ sở B xuất bán được 100 máy điều hòa và phát sinh 90 triệu tiền thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy cơ sở B sẽ được khấu trừ 90 triệu tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (không được khấu trừ hết 100 triệu tiền thuế ở khâu nhập khẩu).
10 triệu tiền thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu không được khấu trừ sẽ được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thông tư 20 năm 2017 quy định thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu không được khấu trừ thì sẽ được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn quy định hiện hành tại Thông tư 195/2015 (đã sửa đổi theo Thông tư 130/2016/BTC) quy định: Trường hợp đặc biệt đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ hết do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mặt khác, Thông tư 20 của Bộ Tài chính giữ nguyên quy định điều kiện khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:
- Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc nhập khẩu hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì chứng từ làm căn cứ khấu trừ là chứng từ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu.
- Trường hợp mua nguyên liệu trong nước:
+ Hợp đồng mua bán hàng hóa.
+ Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
+ Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt là hóa đơn GTGT khi mua hàng.
Thông tư 20/2017TT-BTC cũng giữ nguyên công thức tính số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh khi mua nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước và công thức xác định thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp sau khi đã khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi nhập khẩu, hoặc đã trả khi mua nguyên liệu đầu vào. Thông tư số 20 có hiệu lực từ ngày 20/4/2017.
Nội dung chi tiết Thông tư 20/2017TT-BTC
BỘ TÀI CHÍNH ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 20/2017/TT-BTC | Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 2017 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KHOẢN 2 ĐIỀU 8 THÔNG TƯ SỐ 195/2015/TT-BTC NGÀY 24/11/2015 CỦA BỘ TÀI CHÍNH (ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO THÔNG TƯ SỐ 130/2016/TT-BTC NGÀY 12/8/2016 CỦA BỘ TÀI CHÍNH)
Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật số 70/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Luật số 106/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
Căn cứ Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn về thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính) như sau:
"2. Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế TTĐB tính được ở khâu bán ra trong nước. Đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều kiện khấu trừ thuế TTĐB được quy định như sau:
- Đối với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB và trường hợp nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB thì chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là chứng từ nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu.
- Đối với trường hợp mua nguyên liệu trực tiếp của nhà sản xuất trong nước:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa, trong hợp đồng phải có nội dung thể hiện hàng hóa do cơ sở bán hàng trực tiếp sản xuất; Bản sao Giấy chứng nhận kinh doanh của cơ sở bán hàng (có chữ ký, đóng dấu của cơ sở bán hàng).
- Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
- Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là hóa đơn GTGT khi mua hàng. Số thuế TTĐB mà đơn vị mua hàng đã trả khi mua nguyên liệu được xác định = giá tính thuế TTĐB nhân (x) thuế suất thuế TTĐB; trong đó:
Giá tính thuế TTĐB | = | Giá mua chưa có thuế GTGT | - | Thuế bảo vệ môi trường |
|
| 1 + Thuế suất thuế TTĐB |
Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện khi kê khai thuế TTĐB, thuế TTĐB phải nộp được xác định theo công thức sau:
Số thuế TTĐB phải nộp = Số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán ra trong kỳ. - Số thuế TTĐB đã nộp đối với hàng hóa, nguyên liệu ở khâu nhập khẩu hoặc số thuế TTĐB đã trả ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng hóa được bán ra trong kỳ.
Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp (hoặc đã trả) cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tính số thuế TTĐB được khấu trừ và sẽ xác định theo số thực tế vào cuối quý, cuối năm. Trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.
Ví dụ 12: Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở A phát sinh các nghiệp vụ sau:
- Nhập khẩu 10.000 lít rượu nước, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 250 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu).
- Xuất kho 8.000 lít để sản xuất 12.000 chai rượu.
- +uất bán 9.000 chai rượu, số thuế TTĐB phát sinh khi xuất bán của 9.000 chai rượu xuất bán là 350 triệu đồng.
- Số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu nước rượu phân bổ cho 9.000 chai rượu đã bán ra là 150 triệu đồng.
- Số thuế TTĐB cơ sở A phải nộp trong kỳ là:
- 350 triệu đồng - 150 triệu đồng = 200 triệu đồng.
Ví dụ 13: Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở B phát sinh các nghiệp vụ sau:
- Nhập khẩu 100 máy điều hòa nhiệt độ A công suất 12.000 BTU, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 100 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu).
- Xuất bán 100 máy điều hòa nhiệt độ, số thuế TTĐB phát sinh khi bán ra trong nước là 120 triệu đồng.
- Số thuế TTĐB cơ sở B phải nộp trong kỳ là:
- 120 triệu đồng - 100 triệu đồng = 20 triệu đồng.
Ví dụ 14: Trong kỳ kê khai thuế, cơ sở B phát sinh các nghiệp vụ sau:
- Nhập khẩu 100 máy điều hòa nhiệt độ X công suất 12.000 BTU, đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu 100 triệu đồng (căn cứ biên lai nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu).
- Xuất bán 100 máy điều hòa nhiệt độ, số thuế TTĐB phát sinh khi xuất bán 100 máy điều hòa nhiệt độ là 90 triệu đồng.
Cơ sở B được khấu trừ số thuế TTĐB là 90 triệu đồng. Đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ (10 triệu đồng), cơ sở B được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp được phép sản xuất xăng E5, E10, việc kê khai nộp thuế, khấu trừ thuế TTĐB được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong kỳ của xăng E5, E10 được bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác.
Người nộp thuế TTĐB thực hiện nộp Tờ khai thuế TTĐB theo Mẫu số 01/TTĐB và Bảng xác định thuế TTĐB được khấu trừ (nếu có) của nguyên liệu mua vào, hàng hóa nhập khẩu (Mẫu số 01-1/TTĐB) được ban hành kèm theo Thông tư này".
Điều 2.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2017.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG |
| Đỗ Hoàng Anh Tuấn |