Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT - Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh đại học

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 432 KB
Lượt tải: 748
Nhà phát hành: Bộ GD-ĐT


Cập nhật bởi Taifull.net Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết Thông tư tại đây.

Nội dung chi tiết:

Ngày 06/09/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 23/10/2017. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT tại đây. 

Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT - Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh đại học. 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2017/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2017

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO VÀ ĐÌNH CHỈ TUYỂN SINH,
THU HỒI QUYẾT ĐỊNH MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và cơ sở giáo dục đại học thành viên;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Điều kiện mở ngành đào tạo

Các cơ sở đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ đại học khi bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Ngành đào tạo:

a) Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo.

b) Tên ngành đăng ký đào tạo có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định (gọi là Danh mục đào tạo).

Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong Danh mục đào tạo (gọi là ngành mới), cơ sở đào tạo phải làm rõ:

- Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này (trong đó có ít nhất 02 (hai) ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 02 (hai) cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo);

- Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 02 (hai) chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng (trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng).

2. Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu (gọi là giảng viên cơ hữu) bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ đại học của các ngành khác đang đào tạo, trong đó có ít nhất 01 (một) tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội; cụ thể:

a) Có ít nhất 10 (mười) giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 01 (một) tiến sĩ và 04 (bốn) thạc sĩ, hoặc 02 (hai) tiến sĩ và 02 (hai) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo; trừ các ngành thuộc qui định tại các điểm b, điểm c, điểm d Khoản này.

b) Đối với những ngành thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài (trừ các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) phải có ít nhất 06 (sáu) giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có 01 (một) tiến sĩ và 03 (ba) thạc sĩ, hoặc 02 (hai) tiến sĩ và 01 (một) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

c) Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe:

- Giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khoẻ theo quy định.

- Mỗi môn học thuộc kiến thức cơ sở ngành hoặc chuyên ngành của chương trình đào tạo phải có ít nhất 01 (một) giảng viên cơ hữu có văn bằng, luận văn, luận án tốt nghiệp phù hợp với môn học chịu trách nhiệm giảng dạy; trong đó, số tiến sĩ tối thiểu phải có như sau:

Ngành Y đa khoa: có tối thiểu 02 (hai) tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 06 (sáu) tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học lâm sàng và 01 (một) tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

Ngành Y học cổ truyền: có tối thiểu 02 (hai) tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 03 (ba) tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học cổ truyền và 01 (một) tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

Ngành Răng - Hàm - Mặt: có tối thiểu 02 (hai) tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 02 (hai) tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học lâm sàng và 03 (ba) tiến sĩ thuộc lĩnh vực Răng - Hàm - Mặt.

Ngành Y học dự phòng: có tối thiểu 02 (hai) tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 01 (một) tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học lâm sàng và 04 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

Ngành Dược học: có tối thiểu 02 (hai) tiến sĩ ở các lĩnh vực thuộc về các môn học cơ sở ngành Dược và 03 (ba) tiến sĩ ở các lĩnh vực thuộc về các môn học chuyên ngành Dược.

d) Đối với ngành đăng ký đào tạo thuộc nhóm ngành Nghệ thuật phải có ít nhất 10 (mười) giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần, trong đó phải có 01 (một) tiến sĩ và 03 (ba) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Nếu ngành đăng ký mở mới mà trong nước chưa có cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể thay thế giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ bằng nghệ sĩ nhân dân có bằng đại học cùng ngành đăng ký đào tạo, thay thế giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ bằng nghệ sĩ ưu tú có bằng đại học cùng ngành đăng ký đào tạo.

đ) Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 70% khối lượng chương trình đào tạo; khối lượng kiến thức còn lại do giảng viên thỉnh giảng (trong và ngoài nước) đã được ký kết hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo thực hiện. Các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đều phải có chuyên môn phù hợp với nội dung các học phần được phân công giảng dạy.

Đối với cơ sở đào tạo ngoài công lập, phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu giảng dạy ngành đăng ký đào tạo trong độ tuổi lao động.

Trường hợp triển khai đào tạo tại phân hiệu ngành đã được cho phép đào tạo ở trụ sở chính, nếu phân hiệu cách xa trụ sở chính hoặc không thuận lợi về phương tiện đi lại (giảng viên không thể thường xuyên đi về trong ngày để thực hiện giảng dạy) thì phân hiệu phải đảm bảo tối thiểu 40% số giảng viên cơ hữu quy định tại khoản này; số giảng viên cơ hữu còn lại là giảng viên cơ hữu tại trụ sở chính.

e) Đối với các ngành mới mà chưa có thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo trong nước, nếu chưa đủ số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cùng ngành theo quy định thì có thể thay thế bằng thạc sĩ, tiến sĩ ngành gần. Các giảng viên này phải có kinh nghiệm giảng dạy trình độ đại học ít nhất 05 (năm) năm và có ít nhất 02 (hai) công trình khoa học thuộc lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo đã công bố trong 05 (năm) năm tính đến ngày cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo.

3. Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập theo yêu cầu của ngành đăng ký đào tạo trình độ đại học; cụ thể:

a) Có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm với các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của ngành đăng ký đào tạo, đảm bảo đủ theo danh mục trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác đào tạo của ngành hoặc nhóm ngành đã được quy định (nếu có); có hợp đồng liên kết giảng dạy thực hành, thực tập trong lĩnh vực ngành mở mới với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo.

Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, điều kiện về cơ sở thực hành ngoài cơ sở đào tạo được thực hiện theo các quy định hiện hành; điều kiện về cơ sở thực hành tại cơ sở đào tạo được quy định như sau:

- Ngành Y đa khoa: ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Dược lý, Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sức khoẻ môi trường và Sức khỏe nghề nghiệp, Điều dưỡng cơ bản. Trung tâm tiền lâm sàng phải có tối thiểu các phòng thực hành cho khối kiến thức chuyên ngành về: hệ nội, hệ ngoại, phụ - sản, nhi, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng.

- Ngành Y học cổ truyền: ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Dược lý, Thực vật dược, Điều dưỡng cơ bản. Trung tâm tiền lâm sàng có tối thiểu các phòng thực hành cho khối kiến thức chuyên ngành về: hệ nội, hệ ngoại, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng, châm cứu, xoa bóp - dưỡng sinh, dược liệu, phương tễ.

- Ngành Răng - Hàm - Mặt: ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Dược lý, Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm, Điều dưỡng cơ bản. Trung tâm tiền lâm sàng có tối thiểu các phòng thực hành cho khối kiến thức chuyên ngành về: Chữa răng và nội nha, phục hình, chỉnh nha, nha chu, phẫu thuật trong miệng và phẫu thuật hàm mặt, Labo răng giả.

- Ngành Y học dự phòng: ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Dược lý, Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sức khoẻ môi trường và Sức khỏe nghề nghiệp, Điều dưỡng cơ bản. Trung tâm tiền lâm sàng có tối thiểu các phòng thực hành cho khối kiến thức chuyên ngành về: hệ nội, hệ ngoại, phụ - sản, nhi, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng.

- Ngành Dược học: ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Vật lý, Hóa đại cương vô cơ, Sinh học, Hóa phân tích, Giải phẫu - sinh lý, Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Thực vật dược, Hóa hữu cơ, Dược lý, Dược liệu, Hóa dược, Dược học cổ truyền, Bào chế, Dược lâm sang, Công nghiệp dược, Kiểm nghiệm thuốc, Chiết suất vi sinh. Có ít nhất một nhà thuốc thực hành.

- Ngành Điều dưỡng: ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Dược lý, Dinh dưỡng tiết chế, Sức khoẻ môi trường, Y học cổ truyền, Điều dưỡng cơ bản. Trung tâm tiền lâm sàng có tối thiểu các phòng thực hành cho khối kiến thức chuyên ngành về: chăm sóc sức khỏe bệnh Nội khoa; chăm sóc sức khỏe Ngoại khoa; chăm sóc sức khỏe phụ nữ - bà mẹ và gia đình; chăm sóc sức khỏe trẻ em; chăm sóc cho người cần được phục hồi chức năng.

b) Có thư viện, thư viện điện tử đảm bảo đủ tài liệu hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên.

c) Trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo phải được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; công khai danh sách đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, sinh viên trúng tuyển, tốt nghiệp và được cấp bằng hàng năm theo các khóa học, ngành học (trừ các ngành phải bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật); tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 1 năm tốt nghiệp các ngành đang đào tạo tại cơ sở đào tạo; công khai mức thu học phí và chi phí đào tạo của cơ sở đào tạo; công khai chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo của tất cả các ngành đang tổ chức đào tạo.

Nếu cơ sở đào tạo triển khai đào tạo trình độ đại học tại phân hiệu đối với ngành đào tạo đã được cho phép mở ngành đào tạo ở trụ sở chính thì cơ sở vật chất tại phân hiệu phải đảm bảo các điều kiện theo điểm a, điểm b, Khoản này.

4. Chương trình đào tạo và điều kiện khác thực hiện chương trình:

a) Chương trình đào tạo của ngành đăng ký phải bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác.

b) Chương trình đào tạo và đề cương chi tiết các học phần của ngành đăng ký đào tạo được xây dựng đảm bảo chuẩn đầu ra, phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện hành.

c) Chương trình đào tạo (theo mẫu tại Phụ lục I) được thủ trưởng cơ sở đào tạo ban hành sau khi đã được hội đồng khoa học và đào tạo thông qua và sẽ thực hiện nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép mở ngành đào tạo.

d) Đã đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục đại học hoặc được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành;

đ) Có đơn vị quản lý chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ quản lý đào tạo; đã ban hành quy định đào tạo trình độ đại học;

e) Không vi phạm các quy định hiện hành về điều kiện mở ngành đào tạo, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo ở các ngành đang đào tạo và các quy định liên quan đến giáo dục đại học trong thời hạn 3 năm, tính đến ngày đề nghị mở ngành.

Điều 3. Thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo

1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép mở ngành đào tạo khi cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Việc cho phép mở ngành đào tạo trong những trường hợp đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc trong những lĩnh vực đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.

2. Giám đốc đại học quốc gia được tự chủ quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với các khoa trực thuộc, phân hiệu và các trường đại học thành viên khi đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này;

Thủ trưởng các cơ sở đào tạo đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc được giao quyền tự chủ mở ngành đào tạo được tự chủ quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học khi đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này.

3. Giám đốc đại học vùng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền quyết định mở ngành đào tạo khi đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này đối với các khoa trực thuộc, phân hiệu và các trường đại học thành viên.

Điều 4. Trình tự, thủ tục đăng ký mở ngành đào tạo

1. Khi có nhu cầu mở ngành đào tạo và tự đánh giá có đủ các điều kiện mở ngành trình độ đại học quy định tại Điều 2 của Thông tư này, cơ sở đào tạo thực hiện các bước sau đây:

a) Thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế mở ngành đào tạo theo mẫu tại Phụ lục II. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về tính xác thực của các điều kiện mở ngành đào tạo đã xác nhận;

b) Thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này;

c) Gửi hồ sơ mở ngành đào tạo theo quy định tại Khoản 2, Điều này đến cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

2. Hồ sơ mở ngành đào tạo, bao gồm:

a) Công văn đề nghị mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo (tóm tắt quá trình xây dựng đề án mở ngành đào tạo, khẳng định đảm bảo điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định);

b) Quyết nghị của Hội đồng đại học (đối với phân hiệu, khoa trực thuộc đại học quốc gia, đại học vùng), Hội đồng trường (đối với các cơ sở đào tạo đại học công lập), Hội đồng quản trị (đối với các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập) về việc mở ngành mới;

c) Đề án mở ngành đào tạo được xây dựng theo quy định tại Phụ lục III, bao gồm các nội dung chính:

- Sự cần thiết mở ngành đào tạo;

- Năng lực của cơ sở đào tạo (đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu ngành đề nghị mở ngành đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện, giáo trình; hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế);

- Tóm tắt chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo (bao gồm cả đối tượng và điều kiện tuyển sinh, dự kiến tuyển sinh trong 03 (ba) năm đầu);

- Biên bản của Hội đồng khoa học đào tạo của cơ sở đào tạo thông qua đề án mở ngành đào tạo;

d) Lý lịch khoa học của giảng viên cơ hữu theo mẫu tại Phụ lục IV và Phiếu tự đánh giá thực hiện các điều kiện mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo theo mẫu tại Phụ lục V;

đ) Minh chứng về nhu cầu xã hội đối với ngành dự kiến mở mới, bao gồm kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong cùng lĩnh vực ở địa phương, khu vực; ý kiến của những cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động, dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

e) Các minh chứng về xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo, bao gồm: Quyết định thành lập tổ soạn thảo chương trình đào tạo; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định); Kết luận của Hội đồng thẩm định;Văn bản giải trình của cơ sở đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng theo kết luận của Hội đồng thẩm định (nếu có).

3. Hồ sơ mở ngành đào tạo được lập thành 02 (hai) bộ gửi tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo (trực tiếp hoặc theo đường bưu điện) và phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trước khi gửi hồ sơ ít nhất 20 (hai mươi) ngày.

Điều 5. Thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo

1. Sau khi xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế, cơ sở đào tạo thành lập Hội đồng thẩm định. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định phải nêu rõ chức danh, trình độ đào tạo, ngành đào tạo, đơn vị công tác của từng thành viên Hội đồng thẩm định.

2. Ngoài tiêu chuẩn và cơ cấu của Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo theo quy định hiện hành, thành viên Hội đồng thẩm định phải là số lẻ; phải mời các thành viên của Hội đồng thẩm định từ ít nhất 02 (hai) cơ sở đào tạo khác, có kinh nghiệm đào tạo cùng ngành hoặc ngành gần (nếu ngành đăng ký đào tạo là ngành mới) với chương trình đào tạo được thẩm định, trong đó có ít nhất 01 (một) giáo sư hoặc phó giáo sư (trừ thành viên đại diện cho đơn vị sử dụng người học sau tốt nghiệp).

3. Căn cứ vào dự thảo chương trình đào tạo và các quy định hiện hành, Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định và kết luận về chương trình đào tạo; đồng thời, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo đã được xác nhận để đánh giá và kết luận cơ sở đào tạo có đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành hay không. Đối với những ngành có yêu cầu về máy móc, thiết bị thí nghiệm, thực hành quy định tại Khoản 3, Điều 2 của Thông tư này, Hội đồng thẩm định kiểm tra điều kiện thực tế trước khi kết luận.

4. Biên bản thẩm định phải có chữ ký, ghi rõ họ tên của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng thẩm định và đóng dấu của cơ sở đào tạo.

Điều 6. Xem xét và ra quyết định mở ngành đào tạo

1. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo, cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo tổ chức xem xét hồ sơ:

a) Nếu hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo đầy đủ và đảm bảo các điều kiện theo quy định, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo ra quyết định cho phép mở ngành đào tạo;

b) Nếu hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo chưa đầy đủ, chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quyết định mở ngành đào tạo thông báo bằng văn bản cho cơ sở đào tạo kết quả thẩm định và những nội dung chưa đảm bảo quy định.

2. Việc xem xét hồ sơ mở ngành đào tạo được thực hiện trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ sở đào tạo.

Điều 7. Đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo

1. Cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này;

b) Tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép tổ chức hoạt động đào tạo;

c) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải đình chỉ tuyển sinh;

d) Không thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, Điều 11 của Thông tư này;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo đối với những cơ sở đào tạo vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều này. Thời hạn đình chỉ tuyển sinh từ 12 tháng đến 24 tháng.

Quyết định đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo phải xác định rõ lý do đình chỉ tuyển sinh, thời hạn đình chỉ tuyển sinh, các biện pháp cụ thể đảm bảo quyền lợi của người học và giảng viên.

3. Sau thời hạn đình chỉ tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh được khắc phục và đảm bảo các điều kiện tại Điều 2 của Thông tư này thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép cơ sở đào tạo được tuyển sinh trở lại.

Điều 8. Thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học

1. Cơ sở đào tạo bị Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học liên quan khi để xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Có hành vi gian lận để được mở ngành đào tạo trình độ đại học;

b) Vi phạm nghiêm trọng quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo;

c) Hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh;

d) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải thu hồi quyết định mở ngành;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định thu hồi quyết định cho phép đào tạo phải xác định rõ lý do thu hồi, các biện pháp cụ thể đảm bảo quyền lợi của sinh viên và giảng viên; công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo, Hội đồng thẩm định và đơn vị có người được mời tham gia Hội đồng thẩm định

1. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm:

a) Đảm bảo tính trung thực, chính xác của hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học;

b) Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, minh chứng khi Hội đồng thẩm định hoặc các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

c) Chịu trách nhiệm về các điều kiện bảo đảm chất lượng cho hoạt động đào tạo trình độ đại học của cơ sở đào tạo;

d) Thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định;

đ) Bố trí kinh phí và chi trả theo quy định hiện hành cho việc thực hiện kiểm tra, xác nhận điều kiện thực tế; thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo;

e) Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm nội bộ theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng có thẩm quyền về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

g) Thủ trưởng các cơ sở đào tạo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 3 của Thông tư này tổ chức xem xét hồ sơ và các điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học, quyết định mở ngành và gửi quyết định mở ngành kèm theo hồ sơ theo quy định tại khoản 2, Điều 4 của Thông tư này về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các kết quả thẩm định; chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

3. Đơn vị có giảng viên hoặc cán bộ khoa học được mời tham gia Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên này hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 10. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Tổ chức xem xét hồ sơ và các điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các cơ sở đào tạo theo quy định.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc mở ngành đào tạo trình đại học theo quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Điều 11. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với những ngành đào tạo đang triển khai thực hiện, trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, cơ sở đào tạo phải rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Sau 05 (năm) năm liên tiếp không tuyển sinh ngành đào tạo đã được cho phép, nếu muốn tuyển sinh và tổ chức đào tạo trở lại, cơ sở đào tạo phải đăng ký mở ngành đào tạo lại theo các quy định của Thông tư này.

3. Các ngành mới, sau 02 (hai) khoá tốt nghiệp, cơ sở đào tạo phải tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo, việc làm của người học sau khi đào tạo, ý kiến của người sử dụng lao động về chương trình đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để làm cơ sở đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tiếp tục đào tạo và bổ sung tên ngành mới vào Danh mục đào tạo.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 10 năm 2017;

2. Thông tư này thay thế các quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học tại Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 2 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng và bãi bỏ các quy định cá biệt liên quan đến việc mở ngành đào tạo trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành trước khi Thông tư này có hiệu lực.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; thủ trưởng các cơ sở đào tạo; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBVHGDTNTN-NĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo;
- Như Điều 13 (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

 

download.com.vn