Thông tư 23/2010/TT-NHNN - Quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng
Nội dung chi tiết:
Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2010/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2010 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ SỬ DỤNG HỆ THỐNG THANH TOÁN ĐIỆN TỬ LIÊN NGÂN HÀNG
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010;
Căn cứ Luật Kế toán ngày 17 tháng 06 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/08/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng;
Căn cứ Nghị định 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng để thực hiện việc thanh toán và quyết toán giữa các đơn vị tham gia Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng như sau:
MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng để thực hiện việc thanh toán và quyết toán bằng đồng Việt Nam giữa các đơn vị tham gia Hệ thống Thanh toán này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thanh toán điện tử liên ngân hàng (viết tắt là TTLNH) là quá trình xử lý các giao dịch thanh toán liên ngân hàng kể từ khi khởi tạo Lệnh thanh toán cho tới khi hoàn tất thực hiện Lệnh thanh toán, được thực hiện qua mạng máy tính.
2. Thành viên trực tiếp (viết tắt là thành viên) là đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được Ban điều hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho phép kết nối trực tiếp tham gia Hệ thống TTLNH.
3. Đơn vị thành viên trực tiếp (viết tắt là đơn vị thành viên) là tổ chức trực thuộc thành viên và được Ban điều hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho phép kết nối trực tiếp tham gia Hệ thống TTLNH theo đề nghị của thành viên.
4. Thành viên gián tiếp là tổ chức có mở tài khoản tại thành viên trực tiếp, thực hiện thanh toán thông qua thành viên trực tiếp Hệ thống TTLNH.
5. Lệnh thanh toán là một tin điện do đơn vị thành viên lập và sử dụng để thực hiện một giao dịch thanh toán trong Hệ thống TTLNH. Lệnh thanh toán có thể là một Lệnh thanh toán Có hoặc một Lệnh thanh toán Nợ.
6. Lệnh thanh toán Có là Lệnh thanh toán của người phát lệnh nhằm ghi Nợ tài khoản của người phát lệnh tại đơn vị khởi tạo lệnh một khoản tiền xác định và ghi Có cho tài khoản của người nhận lệnh tại đơn vị nhận lệnh khoản tiền đó.
7. Lệnh thanh toán Nợ là Lệnh thanh toán của người phát lệnh nhằm ghi Nợ tài khoản của người nhận lệnh mở tại đơn vị nhận lệnh một khoản tiền xác định và ghi Có cho tài khoản của người phát lệnh mở tại đơn vị khởi tạo lệnh khoản tiền đó.
8. Lệnh thanh toán khẩn là Lệnh thanh toán giá trị thấp nhưng được khách hàng yêu cầu chuyển khẩn.
9. Lệnh thanh toán giá trị cao là Lệnh thanh toán với số tiền bằng hoặc lớn hơn mức quy định về thanh toán giá trị cao hoặc Lệnh thanh toán khẩn.
10. Lệnh thanh toán giá trị thấp là Lệnh thanh toán với số tiền dưới mức quy định về thanh toán giá trị cao.
11. Người phát lệnh là một tổ chức hoặc cá nhân phát Lệnh thanh toán.
12. Người nhận lệnh là một tổ chức hoặc cá nhân nhận Lệnh thanh toán.
13. Đơn vị khởi tạo Lệnh thanh toán (viết tắt là đơn vị khởi tạo lệnh) là thành viên hoặc đơn vị thành viên thay mặt cho người phát lệnh lập và xử lý một Lệnh thanh toán (đi).
14. Đơn vị nhận Lệnh thanh toán (viết tắt là đơn vị nhận lệnh) là thành viên hoặc đơn vị thành viên thay mặt người nhận lệnh nhận và xử lý Lệnh thanh toán (đến).
15. Tin điện là thông tin điện tử thể hiện nội dung của Lệnh thanh toán hay thông báo liên quan đến giao dịch thanh toán cần thực hiện và được truyền qua mạng máy tính giữa các đơn vị tham gia Hệ thống TTLNH.
16. Xác nhận tin điện là thông tin điện tử nhằm xác nhận tình trạng của các Lệnh thanh toán trong Hệ thống TTLNH.
17. Quyết toán là việc xác định và thanh toán giá trị cuối cùng giữa các thành viên liên quan để hoàn tất nghĩa vụ thanh toán.
18. Quyết toán tổng tức thời là việc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán giữa các thành viên hoặc đơn vị thành viên trên cơ sở xử lý quyết toán tức thời từng Lệnh thanh toán.
19. Quyết toán kết quả bù trừ giá trị thấp (gọi tắt là quyết toán bù trừ) là việc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán giữa các bên tham gia thanh toán bù trừ trực tiếp sau khi đã cân đối giữa tổng các khoản phải thu và các khoản phải trả.
20. Hạn mức nợ ròng là mức giá trị tối đa quy định cho các giao dịch thanh toán giá trị thấp được tham gia quyết toán bù trừ.
21. Người sử dụng là người vận hành chương trình phần mềm TTLNH theo nhiệm vụ được phân công.
Điều 3. Các cấu phần và chức năng chính của Hệ thống TTLNH
1. Hệ thống TTLNH là hệ thống tổng thể gồm: Tiểu hệ thống Thanh toán giá trị cao, Tiểu hệ thống Thanh toán giá trị thấp và Tiểu hệ thống Xử lý tài khoản tiền gửi thanh toán.
2. Tiểu hệ thống Thanh toán giá trị cao là một cấu phần của Hệ thống TTLNH, thực hiện quyết toán tổng tức thời cho các Lệnh thanh toán giá trị cao và thanh toán khẩn.
3. Tiểu hệ thống Thanh toán giá trị thấp là một cấu phần của Hệ thống TTLNH, thực hiện thanh toán các khoản thanh toán giá trị thấp.
4. Tiểu hệ thống Xử lý tài khoản tiền gửi thanh toán là một cấu phần của Hệ thống TTLNH, thực hiện kiểm tra, hạch toán Lệnh thanh toán giá trị cao và xử lý kết quả thanh toán giá trị thấp.
5. Trung tâm Xử lý thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (viết tắt là Trung tâm Xử lý Quốc gia - NPSC) là hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông và an ninh bảo mật được đặt tại Cục Công nghệ tin học để thực hiện các chức năng của Tiểu hệ thống Thanh toán giá trị cao, Tiểu hệ thống Thanh toán giá trị thấp, Tiểu hệ thống Xử lý tài khoản tiền gửi thanh toán, và kiểm tra hệ thống.
6. Trung tâm Xử lý thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia dự phòng (viết tắt là Trung tâm Xử lý Quốc gia dự phòng - BNPSC) là hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông và an ninh bảo mật được đặt tại Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) để thực hiện chức năng dự phòng thảm họa cho Trung tâm Xử lý Quốc gia.
7. Trung tâm Xử lý thanh toán điện tử liên ngân hàng khu vực (viết tắt là Trung tâm Xử lý khu vực - RPC) là hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông và an ninh bảo mật được đặt tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (viết tắt là Sở Giao dịch) để thực hiện một số chức năng của Hệ thống TTLNH đối với các thành viên, đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt RPC và các tỉnh, thành phố khác có kết nối vào RPC.
Điều 4. Chứng từ sử dụng trong TTLNH
1. Cơ sở để lập Lệnh thanh toán là các chứng từ sử dụng trong TTLNH theo chế độ hiện hành.
2. Chứng từ sử dụng trong TTLNH là Lệnh thanh toán bằng giấy hoặc dưới dạng chứng từ điện tử.
3. Lệnh thanh toán phải được lập theo đúng mẫu, đáp ứng các chuẩn dữ liệu và đủ số liên (nếu là chứng từ giấy) theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 5. Các tài khoản được sử dụng trong Hệ thống TTLNH
1. Các tài khoản sử dụng trong Hệ thống TTLNH:
a) Tài khoản tiền gửi thanh toán của các thành viên;
b) Tài khoản thanh toán bù trừ;
c) Tài khoản thu hộ, chi hộ;
d) Tài khoản thích hợp khác.
2. Đối với thành viên
a) Tại Hội sở chính sử dụng các tài khoản:
- Tài khoản thu hộ, chi hộ (mở tài khoản chi tiết cho từng đơn vị thành viên của mình có tham gia Hệ thống TTLNH);
- Tài khoản thanh toán bù trừ;
- Các tài khoản thích hợp khác liên quan (Tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng, các tài khoản nội bộ khác);
- Đối với các thành viên không có các chi nhánh thì không phải mở Tài khoản thu hộ, chi hộ.
b) Tại các đơn vị thành viên sử dụng các tài khoản:
- Tài khoản thu hộ, chi hộ (mở tài khoản chi tiết thanh toán với Hội sở chính);
- Tài khoản thanh toán bù trừ;
- Tài khoản tiền gửi thanh toán;
- Các tài khoản thích hợp khác liên quan (tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng, các tài khoản nội bộ khác).
3. Đối với Trung tâm Xử lý Quốc gia sử dụng các tài khoản:
a) Tài khoản tiền gửi thanh toán của các thành viên tham gia Hệ thống TTLNH;
b) Tài khoản thanh toán bù trừ;
c) Tài khoản thích hợp khác.
Điều 6. Thanh toán Nợ trong Hệ thống TTLNH
1. Thanh toán Nợ trong Hệ thống TTLNH xử lý các khoản thanh toán Nợ dưới đây của nội bộ hệ thống Ngân hàng Nhà nước và được mặc nhiên coi là thanh toán Nợ có ủy quyền (không cần hợp đồng ủy quyền trước):
a) Điều chuyển tiền mặt giữa các đơn vị Ngân hàng Nhà nước với nhau;
b) Chuyển số chênh lệch thiếu (số tiền kiểm đếm thực tế nhỏ hơn số tiền ghi trên chứng từ) khi điều chuyển tiền mặt giữa các đơn vị Ngân hàng Nhà nước theo biên bản kết quả kiểm đếm của Hội đồng kiểm đếm;
c) Đòi tiền nhượng giấy tờ in quan trọng giữa các đơn vị Ngân hàng Nhà nước;
d) Thanh toán mua hộ ngoại tệ cho các đơn vị trong Ngân hàng Nhà nước;
đ) Chuyển số chênh lệch thu nhỏ hơn chi của các đơn vị Ngân hàng Nhà nước về Sở Giao dịch sau khi quyết toán được duyệt;
e) Thanh toán các loại giấy tờ có giá khi đến hạn;
g) Thanh toán Nợ trong các trường hợp từ chối chấp nhận Lệnh thanh toán Nợ và chuyển tiêu số liệu quyết toán chuyển tiền;
h) Thanh toán các khoản Nợ về tạm ứng phải có văn bản đề nghị của Thủ trưởng đơn vị Ngân hàng Nhà nước nhận Nợ trong phạm vi chế độ tạm ứng cho phép.
i) Thanh toán kết quả tất toán tài khoản các khoản phải thu/phải trả của chi nhánh Tổ chức tín dụng mở tại Ngân hàng Nhà nước.
2. Thanh toán Nợ giữa các thành viên không phải là đơn vị Ngân hàng Nhà nước phải có hợp đồng ủy quyền trước và được Ban điều hành Hệ thống TTLNH (sau đây gọi tắt là Ban điều hành) chấp thuận.
3. Thanh toán Nợ giữa các thành viên là đơn vị Ngân hàng Nhà nước và các thành viên không phải là đơn vị Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 7. Quy định về thanh toán giá trị cao và thanh toán giá trị thấp
1.Thanh toán giá trị cao có giá trị từ 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng) trở lên.
2. Thanh toán giá trị thấp có giá trị nhỏ hơn 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng).
Điều 8. Chi phí xây dựng, duy trì, phát triển Hệ thống TTLNH và thu phí trong TTLNH
1. Chi phí xây dựng, lắp đặt, duy trì, phát triển và nâng cấp hoạt động của Hệ thống TTLNH phần thuộc Ngân hàng Nhà nước thì do Ngân hàng Nhà nước chi trả. Chi phí xây dựng, lắp đặt, duy trì, phát triển, nâng cấp hoạt động của Hệ thống TTLNH phần thuộc các thành viên thì do các thành viên chi trả.
2. Mức thu phí và các loại phí áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
MỤC II. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG TTLNH
Điều 9. Kiểm tra Hệ thống TTLNH
1. Cục Công nghệ tin học hàng ngày kiểm tra tình trạng kỹ thuật của Hệ thống TTLNH về dữ liệu số dư, dữ liệu hạn mức thanh toán giá trị thấp, dữ liệu thanh toán, hệ thống phần mềm, trang thiết bị và mạng truyền thông tại Trung tâm Xử lý Quốc gia, Trung tâm Xử lý Quốc gia dự phòng và các Trung tâm Xử lý khu vực.
2. Trung tâm Xử lý khu vực thường xuyên theo dõi, giám sát tình trạng hoạt động của Hệ thống TTLNH về trang thiết bị và mạng truyền thông, dữ liệu thanh toán tại Trung tâm của mình và các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thuộc địa bàn; thông báo và phối hợp với Cục Công nghệ tin học và các bên có liên quan để xử lý các sự cố xảy ra.
Điều 10. Kiểm tra tính hợp lệ Lệnh thanh toán
Các Lệnh thanh toán trong Hệ thống TTLNH lập dưới dạng chứng từ điện tử theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong quá trình sử dụng, các thành viên hoặc đơn vị thành viên phải kiểm tra và chịu trách nhiệm pháp lý về tính hợp pháp của chứng từ. Thông tin cần kiểm tra gồm:
1. Loại và khuôn dạng của các dữ liệu;
2. Tính hợp lệ (được ủy quyền) của người khởi tạo dữ liệu;
3. Ngày, tháng, tổng kiểm tra;
4. Tính duy nhất;
5. Các yếu tố bắt buộc đối với Lệnh thanh toán;
6. Mã xác nhận tin điện;
7. Mã đơn vị tham gia, mã thiết bị sử dụng đầu cuối và mã người duyệt.
Điều 11. Thời gian làm việc áp dụng trong Hệ thống TTLNH
1. Các thời điểm áp dụng trong Hệ thống TTLNH được quy định như sau:
a) Thời điểm thực hiện kiểm tra kỹ thuật và khởi tạo dữ liệu đầu ngày của Hệ thống TTLNH là 7 giờ 30 của ngày làm việc;
b) Thời điểm các đơn vị ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị thấp là 15 giờ 00 phút và ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị cao là 16 giờ 00 phút của ngày làm việc;
c) Từ 15 giờ 10 phút trở đi, thực hiện quyết toán bù trừ các khoản giá trị thấp theo quy định tại Điều 28 Thông tư này;
d) Từ 16 giờ 15 phút trở đi, thực hiện các công việc cuối ngày, đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia;
e) Trường hợp đặc biệt do sự cố kỹ thuật, truyền tin hoặc do khối lượng chứng từ phát sinh quá nhiều vào cuối giờ giao dịch, Trung tâm Xử lý khu vực và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể đề nghị Trung tâm Xử lý Quốc gia kéo dài thời gian chuyển tiền đi của Hệ thống TTLNH (bằng điện thoại, hoặc các hình thức khác theo thỏa thuận) để xử lý tiếp chứng từ thanh toán đã nhận trong ngày, nhưng thời gian kéo dài không quá 15 phút.
2. Các thành viên Hệ thống TTLNH phải chấp hành đúng các quy định về thời điểm áp dụng trong Hệ thống TTLNH nêu trên để bảo đảm thanh toán được thực hiện thuận lợi, chính xác, kịp thời và an toàn tài sản.
3. Trung tâm Xử lý Quốc gia, Trung tâm Xử lý khu vực phải thường xuyên bố trí người trực để nhận, xử lý các Lệnh thanh toán, bảo đảm Hệ thống TTLNH hoạt động thông suốt và an toàn.
Điều 12. Ghi nhật ký các giao dịch
Quá trình xử lý các giao dịch được Hệ thống TTLNH tự động ghi dưới dạng các file dữ liệu nhật ký. Hàng ngày, các file nhật ký phải được lưu trữ ra các thiết bị mang tin (băng từ, đĩa mềm, đĩa cứng, CD-ROM, USB) và được bảo quản theo chế độ quy định như đối với việc bảo quản chứng từ điện tử. Trường hợp cần thiết (thanh tra, kiểm soát, giải quyết tranh chấp…), các đơn vị có trách nhiệm phải xuất trình các file dữ liệu nhật ký cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Quy định về ghi nhật ký như sau:
1. Đối với mỗi thành viên, đơn vị thành viên, ghi nhật ký các yêu cầu giao dịch và tin điện kết quả;
2. Đối với Trung tâm Xử lý Quốc gia, Trung tâm Xử lý khu vực, ghi nhật ký các tin điện giao dịch và kết quả xử lý.
Điều 13. Cấp phát, quản lý và sử dụng chữ ký điện tử tham gia Hệ thống TTLNH
1. Chữ ký điện tử được chia làm 4 loại:
a) Chữ ký điện tử của người lập Lệnh thanh toán (gọi tắt là người lập lệnh);
b) Chữ ký điện tử của người kiểm soát Lệnh thanh toán (gọi tắt là người kiểm soát lệnh);
c) Chữ ký điện tử của người ký duyệt Lệnh thanh toán (gọi tắt là người duyệt lệnh);
d) Chữ ký điện tử của người được giao nhiệm vụ truyền, nhận dữ liệu thanh toán (viết tắt là Chữ ký điện tử truyền thông).
2. Chữ ký điện tử được phân cấp quản lý và sử dụng như sau:
a) Chữ ký điện tử của người lập lệnh và người kiểm soát lệnh do thành viên, đơn vị thành viên tự cấp phát và quản lý;
b) Chữ ký điện tử của người duyệt lệnh, chữ ký điện tử truyền thông do Cục Công nghệ tin học cấp phát, quản lý theo quy định tại Quy chế cấp phát, quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số ban hành kèm Quyết định số 04/2008/QĐ-NHNN ngày 21/02/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
c) Việc tổ chức phân quyền người sử dụng tại các đơn vị thành viên do thủ trưởng đơn vị quy định, đảm bảo nguyên tắc người lập lệnh độc lập với người duyệt lệnh.
Điều 14. Vấn tin và đối chiếu
1. Vấn tin
Thành viên, các đơn vị thành viên thực hiện vấn tin và tra cứu thông tin bằng cách gửi tin điện yêu cầu vấn tin hoặc thông qua trang thông tin điện tử cung cấp thông tin. Hệ thống TTLNH sẽ tự động kiểm tra tính hợp lệ của các yêu cầu này và cung cấp các thông tin trả lời.
2. Đối chiếu
Công việc đối chiếu được thực hiện hàng ngày vào thời điểm Hệ thống TTLNH hoàn tất công việc xử lý cuối ngày:
a) Số liệu đã hạch toán trong ngày tại Trung tâm Xử lý Quốc gia và Trung tâm Xử lý khu vực là căn cứ gốc để đối chiếu kết quả thanh toán;
b) Về nguyên tắc, toàn bộ Lệnh thanh toán phát sinh phải được đối chiếu khớp đúng giữa số liệu tại Trung tâm Xử lý Quốc gia, Trung tâm Xử lý khu vực và các đơn vị thành viên ngay trong ngày, trừ trường hợp bất khả kháng như sự cố kỹ thuật, truyền thông;
c) Việc đối chiếu Lệnh thanh toán được thực hiện cho từng ngày riêng biệt. Trong trường hợp có sự cố không thể hoàn thành trong ngày theo quy định, thì việc đối chiếu được phép kéo dài sang ngày làm việc kế tiếp sau khi sự cố được khắc phục. Tuy nhiên, việc đối chiếu dù thực hiện vào ngày kế tiếp nhưng vẫn phải phản ánh theo ngày phát sinh Lệnh thanh toán;
d) Trung tâm Xử lý khu vực nhận dữ liệu Lệnh thanh toán liên tỉnh từ Trung tâm Xử lý Quốc gia và tổng hợp với dữ liệu Lệnh thanh toán trên địa bàn mình quản lý để chuyển cho các đơn vị thành viên đối chiếu;
đ) Các đơn vị thành viên nhận số liệu và đối chiếu với số liệu Lệnh thanh toán thực gửi và nhận trong ngày theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 41 Thông tư này.
Trong trường hợp có sai sót, các đơn vị thành viên phải thông báo, phối hợp với Trung tâm Xử lý khu vực và Trung tâm Xử lý Quốc gia để xử lý.
Điều 15. Gia hạn thêm thời gian vận hành
Trường hợp do yêu cầu công việc, do Hệ thống TTLNH phát sinh lỗi tại Trung tâm Xử lý Quốc gia, Trung tâm Xử lý khu vực, các đơn vị thành viên hoặc do các nguyên nhân khác gây ảnh hưởng quá trình thanh toán, Ban điều hành có thể gia hạn thêm thời gian vận hành tạm thời và thông báo tới tất cả các đơn vị trong Hệ thống TTLNH.
Điều 16. Chuyển file và tin điện
1. Ngoài các Lệnh thanh toán, Hệ thống TTLNH còn xử lý các loại file hoặc tin điện sau đây:
a) Các file hoặc tin điện yêu cầu trả lời xác nhận;
b) Các file hoặc tin điện kết quả bù trừ;
c) Các file hoặc tin điện báo cáo;
d) Các file hoặc tin điện vấn tin;
đ) Các file hoặc tin điện giao dịch (qua cổng giao diện) giữa Hệ thống TTLNH và các hệ thống thanh toán khác.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết