Thông tư 41/2017/TT-BTC - Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Nội dung chi tiết:
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Thông tư bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2017. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
Thông tư 41/2017/TT-BTC - Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kế
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2017/TT-BTC | Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2017 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 20/2017/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 02 NĂM 2017 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ GIAO DỊCH LIÊN KẾT
Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;
Căn cứ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (sau đây viết tắt là Nghị định số 20/2017/NĐ-CP) như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn các đối tượng áp dụng của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thực hiện một số quy định về phân tích so sánh, lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, kê khai thông tin, lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và áp dụng quy định miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Điều 2. Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
1. Bản chất giao dịch liên kết được xác định, đối chiếu giữa hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận giao dịch của các bên liên kết với thực tiễn thực hiện của các bên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được áp dụng như sau:
a) Thu thập thông tin, xác định bản chất các giao dịch liên kết, quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính của người nộp thuế tại các hợp đồng (bao gồm phụ lục hợp đồng, hợp đồng sửa đổi kèm theo) hoặc văn bản, thỏa thuận với bên liên kết để xác định nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên ký kết.
b) Phân tích thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, chức năng của người nộp thuế; so sánh thực tiễn thực hiện của các bên trong quá trình sản xuất kinh doanh với các văn bản, thỏa thuận, hợp đồng đã ký; phân tích văn bản, hợp đồng, thỏa thuận và thực tiễn thực hiện của các bên trên cơ sở áp dụng nguyên tắc ứng xử kinh doanh giữa các bên độc lập. Phân tích các yếu tố so sánh thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp thực tế thực hiện của các bên liên kết khác với các quy định tại hợp đồng, văn bản, thỏa thuận thì các thông tin thu thập được về thực tế thực hiện của các bên là cơ sở để phân tích so sánh, lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế.
Trường hợp thực tiễn thực hiện của các bên liên kết không phù hợp với nguyên tắc ứng xử kinh doanh giữa các bên độc lập thì áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để xác định lại giao dịch liên kết và rủi ro kinh doanh mà các bên phải gánh chịu. Trong trường hợp các giao dịch liên kết và rủi ro phân bổ không phản ánh đúng bản chất quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại giữa các bên độc lập, giao dịch liên kết và rủi ro kinh doanh được xác định và phân bổ lại để thực hiện phân tích so sánh, lựa chọn phương pháp xác định giá của người nộp thuế.
c) Căn cứ đối chiếu các hợp đồng, văn bản, thỏa thuận và quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính trong các giao dịch liên kết của người nộp thuế là dữ liệu, thực tế thực hiện giao dịch giữa các bên liên kết để so sánh với các quyết định kinh doanh có thể được các bên độc lập chấp nhận trong điều kiện tương đồng. Nguyên tắc đối chiếu áp dụng trong phân tích so sánh coi trọng bản chất và thực tiễn kinh doanh, rủi ro gánh chịu của các bên liên kết hơn là các thỏa thuận bằng văn bản.
2. Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và căn cứ thực hiện điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại điểm c và đ khoản 2 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được xác định như sau:
a) Phương pháp xác suất thống kê áp dụng hàm tứ phân vị để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và giá trị được lựa chọn làm cơ sở so sánh, điều chỉnh giá giao dịch liên kết trong trường hợp không có thông tin đánh giá mức độ tin cậy của từng đối tượng so sánh độc lập tìm kiếm được hoặc không có thông tin dữ liệu làm cơ sở để loại trừ hết các khác biệt trọng yếu. Hàm tứ phân vị được sử dụng để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn làm căn cứ thực hiện điều chỉnh tương ứng mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế nhưng không làm giảm nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Hàm tứ phân vị chia tập hợp các giá trị đã sắp xếp từ thấp đến cao của mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập thành bốn phần có số lượng quan sát đều nhau. Công thức tính hàm tứ phân vị, khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và giá trị trung vị được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn xác định theo hàm tứ phân vị là từ giá trị tứ phân vị thứ nhất đến giá trị tứ phân vị thứ ba. Giá trị giữa thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là các giá trị nằm trong khoáng từ giá trị tứ phân vị thứ nhất đến giá trị tứ phân vị thứ ba. Giá trị tứ phân vị thứ hai là giá trị trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn.
b) Căn cứ thực hiện điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế để xác định giá giao dịch liên kết, thu nhập chịu thuế và nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng như sau:
b1) Trường hợp tìm kiếm được các đối tượng so sánh độc lập có mức độ so sánh tin cậy tương đương nhau, không có khác biệt hoặc có khác biệt nhưng có đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ tất cả các khác biệt trọng yếu:
Nếu mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng thì người nộp thuế không phải thực hiện điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận để xác định giá giao dịch liên kết.
Nếu mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng thì người nộp thuế phải xác định giá trị thuộc khoảng giao dịch độc lập phản ánh mức độ tương đồng cao nhất với giao dịch liên kết để điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của giao dịch liên kết nhưng không làm giảm thu nhập chịu thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.
b2) Trường hợp chỉ có thông tin dữ liệu làm cơ sở để loại trừ hầu hết các khác biệt trọng yếu của đối tượng so sánh độc lập, tối thiểu lựa chọn năm đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và áp dụng khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn theo hướng dẫn tại điểm a khoản này.
Nếu mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế là giá trị giữa thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng, người nộp thuế không phải điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận để xác định giá giao dịch liên kết.
Trường hợp mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế không thuộc khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn của các đối tượng so sánh độc lập tương đồng, người nộp thuế phải xác định giá trị giữa thuộc khoảng giao dịch độc lập chuẩn phản ánh mức độ tương đồng cao nhất với giao dịch liên kết để điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của giao dịch liên kết và xác định thu nhập chịu thuế, số thuế phải nộp nhưng không làm giảm thu nhập chịu thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước.
Trường hợp cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh hoặc ấn định mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế, giá trị điều chỉnh hoặc ấn định là giá trị trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn.
3. Yếu tố so sánh để thực hiện phân tích, lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại điểm a và đ khoản 3 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Đặc điểm của tài sản, hàng hóa, dịch vụ (viết tắt là sản phẩm) là các đặc tính có ảnh hưởng đến giá của sản phẩm bao gồm: Đặc tính hàng hóa hữu hình như đặc tính vật lý, chủng loại sản phẩm, chất lượng, nhãn hiệu thương mại của sản phẩm, độ tin cậy, tính sẵn có và sản lượng cung cấp; đặc tính dịch vụ như bản chất, mức độ phức tạp, chuyên môn và phạm vi dịch vụ; đặc tính tài sản vô hình như hình thức chuyển giao, loại hình tài sản, hình thức sở hữu, thời hạn, mức độ bảo vệ, thời gian chuyển giao, các quyền được chuyển giao và các lợi ích có thể thu được từ việc sử dụng tài sản vô hình.
Phân tích tài sản vô hình, đặc điểm và khả năng phân bổ lợi nhuận cho các bên không chỉ căn cứ vào quyền sở hữu pháp lý mà phải xem xét tất cả các hoạt động kiểm soát rủi ro và năng lực tài chính để quản lý rủi ro đối với toàn bộ quá trình phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình giữa các bên liên kết. Một số đặc điểm của tài sản vô hình như tính độc quyền; phạm vi và thời hạn bảo hộ pháp lý; các quyền xác lập theo văn bằng bảo hộ, giấy phép và văn bản chuyển giao quyền của tài sản vô hình; phạm vi địa lý đối với các quyền của tài sản vô hình; vòng đời; giai đoạn phát triển; quyền về tăng cường giá trị, sửa đổi và cập nhật đối với tài sản vô hình; mức lợi nhuận dự kiến của tài sản vô hình.
Phân tích đặc điểm tài sản vô hình bao gồm các nội dung xác định tài sản vô hình sử dụng hoặc chuyển nhượng trong giao dịch và những rủi ro cụ thể, trọng yếu về kinh tế liên quan đến phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình; xác định thỏa thuận tại hợp đồng như quyền sở hữu pháp lý đối với tài sản vô hình, các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận pháp lý, đăng ký, thỏa thuận về giấy phép và các hợp đồng liên quan, các rủi ro kèm theo; xác định bên thực hiện chức năng khai thác, sử dụng tài sản, quản lý rủi ro liên quan đến phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình; xác định các điều khoản thỏa thuận theo hợp đồng và thực tiễn thực hiện của các bên; xác định giao dịch liên kết thực tế liên quan đến phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình khi xem xét quyền sở hữu pháp lý của tài sản vô hình và các mối quan hệ, các quyền theo hợp đồng có liên quan, quá trình thực hiện của các bên; và xác định giá của giao dịch phù hợp với đóng góp, chức năng thực hiện, tài sản sử dụng và rủi ro giả định của các bên.
b) Chức năng hoạt động do mỗi bên của hợp đồng thực hiện và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh trong mối quan hệ với các chi phí cơ hội, điều kiện kinh tế, điều kiện ngành, lĩnh vực hoạt động và vị trí địa lý của người nộp thuế được phân tích để xác định các yếu tố phản ánh khả năng thu lợi nhuận từ các hoạt động và thực tiễn kinh doanh mà người nộp thuế đã thực hiện gắn với chức năng và việc sử dụng các tài sản, vốn và chi phí có liên quan.
Kết quả phân tích phản ánh chức năng chính trong mối quan hệ giữa việc sử dụng các loại tài sản, vốn, chi phí cơ hội cũng như rủi ro gắn với việc đầu tư tài sản, vốn và chi phí đó với khả năng thu lợi nhuận mà người nộp thuế thực hiện có liên quan đến giao dịch kinh doanh, cụ thể:
b1) Một số chức năng chính của doanh nghiệp được phân tích trong toàn bộ chuỗi giá trị của tập đoàn bao gồm nghiên cứu, phát triển như thực hiện dịch vụ nghiên cứu phát triển theo hợp đồng, tự chủ nghiên cứu phát triển, phát triển công nghệ kỹ thuật và thiết kế sản phẩm; sản xuất gồm sản xuất tự chủ, sản xuất cấp phép, sản xuất theo hợp đồng, gia công, lắp ráp, cài đặt thiết bị; mua bán, quản lý nguyên vật liệu và các hoạt động mua bán khác; phân phối gồm phân phối tự chủ, phân phối rủi ro hạn chế, đại lý hoa hồng, phân phối bán buôn, phân phối bán lẻ; cung cấp dịch vụ hỗ trợ như pháp lý, kế toán tài chính, tín dụng thu nợ, đào tạo và quản lý nhân sự; cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu kho; thực hiện phát triển thương hiệu như hoạt động marketing, quảng cáo, quảng bá, nghiên cứu thị trường và chức năng khác trong chuỗi giá trị ngành.
b2) Một số tài sản chính của doanh nghiệp gồm tài sản vô hình như bí quyết kỹ thuật, bản quyền, bí quyết kinh doanh, công thức bí mật, bằng sáng chế, các tài sản vô hình liên quan tới hoạt động thương mại, marketing như thương hiệu, hệ thống xây dựng và nhận diện thương hiệu, danh sách, số liệu và quan hệ với khách hàng; tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc, thiết bị; các tài sản tài chính và các quyền lợi, lợi ích kinh tế từ các tài sản này trong quá trình khai thác, sử dụng và chuyển nhượng tài sản.
b3) Một số rủi ro chính trong kinh doanh gồm rủi ro chiến lược hoặc rủi ro thị trường do thực hiện các chiến lược kinh doanh như thâm nhập, mở rộng hoặc duy trì thị trường; rủi ro về cơ sở hạ tầng hay rủi ro hàng tồn kho; rủi ro tài chính như rủi ro tín dụng và nợ xấu, rủi ro tỷ giá hối đoái; rủi ro giao dịch như các yếu tố giá và điều khoản thanh toán trong giao dịch thương mại; rủi ro sản phẩm từ thiết kế phát triển, sản xuất đến quản lý chất lượng và dịch vụ sau bán hàng; rủi ro kinh doanh từ các khoản đầu tư vốn và số lượng khách hàng và các rủi ro bất khả kháng.
Phân tích rủi ro kinh doanh của người nộp thuế trong toàn bộ chuỗi giá trị của tập đoàn nhằm xác định các rủi ro trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị ngành, khả năng kiểm soát rủi ro như việc đưa ra quyết định quản lý rủi ro và xử lý khi thực tế xảy ra các rủi ro này, bao gồm: xác định các rủi ro chính về kinh tế; đánh giá mức độ phân bổ, dàn xếp rủi ro tại các hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận của người nộp thuế; phân tích chức năng kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trên hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận; kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện và gánh chịu, phân bổ rủi ro của người nộp thuế trên thực tế. Trường hợp có khác biệt về phân bổ rủi ro tại các hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận so với thực tiễn thực hiện, căn cứ kết quả phân tích rủi ro, Cơ quan thuế thực hiện phân bổ lại rủi ro và điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế.
c) Điều khoản hợp đồng khi thực hiện giao dịch bao gồm một số các điều khoản về khối lượng, điều kiện giao dịch hoặc phân phối sản phẩm; thời hạn, điều kiện và phương thức thanh toán; điều kiện bảo hành, thay thế, nâng cấp, chỉnh sửa hoặc hiệu chỉnh sản phẩm; điều kiện về đặc quyền kinh doanh, phân phối sản phẩm; một số điều kiện có ảnh hưởng kinh tế khác như dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kiểm tra chất lượng, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ quảng cáo, khuyến mại.
Trường hợp các điều khoản hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận không phản ánh đầy đủ thực tiễn thực hiện giữa các bên liên kết, phân tích so sánh được thực hiện trên cơ sở rà soát các sự kiện thực tế hoặc các dữ liệu tài chính để xác định đặc điểm, bản chất kinh tế và các rủi ro kinh doanh thực tiễn của các bên.
Trường hợp các bên liên kết không ký kết hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận để không ghi nhận doanh thu hoặc chi phí như hỗ trợ kỹ thuật, hợp lực tập đoàn, chia sẻ bí quyết kinh doanh hoặc sử dụng nhân sự biệt phái, kiêm nhiệm thì phân tích được tiến hành để xác định bản chất giao dịch, giá trị giao dịch, thu nhập tạo ra từ các giao dịch này và đóng góp của từng bên liên kết. Trên cơ sở đó, so sánh với các quyết định kinh doanh có thể được các bên độc lập chấp nhận trong điều kiện tương đồng để xác định lại giao dịch liên kết của người nộp thuế.
d) Điều kiện kinh tế của giao dịch và điều kiện của thị trường tại thời điểm diễn ra giao dịch có ảnh hưởng đến mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của các bên.
Một số điều kiện kinh tế khi diễn ra giao dịch như quy mô, vị trí địa lý của thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cấp độ thị trường như bán buôn, bán lẻ thông thường, phân phối độc quyền; mức độ cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và vị trí cạnh tranh tương ứng của người bán và người mua; khả năng sẵn có của hàng hóa thay thế; mức độ cung cầu trên thị trường nói chung và từng khu vực cụ thể; sức mua người tiêu dùng; các yếu tố kinh tế tác động đến chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh tại nơi diễn ra giao dịch như chính sách ưu đãi thuế; chính sách điều tiết thị trường của các chính phủ; chi phí sản xuất, chi phí đất đai, lao động, vốn; chu kỳ kinh doanh và các yếu tố có tác động tích cực đến mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế như các đặc điểm về vị trí, lợi thế và việc tiết kiệm được chi phí dựa trên các yếu tố địa lý, thị trường của địa phương, lực lượng lao động và việc tập trung các chức năng hợp lực và chuyên môn hóa căn cứ đóng góp của tất cả các bên liên kết tham gia tạo lập giá trị.
Trường hợp người nộp thuế và các đối tượng so sánh không cư trú cùng quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc không cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại cùng thị trường địa lý, phân tích điều kiện kinh tế bao gồm phân tích mức độ tương đồng của các thị trường nơi người nộp thuế và các đối tượng so sánh cư trú đối với các lợi thế so sánh, đặc lợi về vị trí tác động đến các yếu tố cạnh tranh như chi phí lao động, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển, tiền thuê đất, chi phí đào tạo, trợ cấp, ưu đãi về chính sách tài chính, thuế, chi phí cơ sở hạ tầng, mức độ tăng trưởng của thị trường và các đặc điểm lợi thế của thị trường như số lượng dân số, khách hàng với khả năng chi tiêu tăng trưởng tốt và các đặc điểm lợi thế so sánh khác.
đ) Phân tích so sánh loại trừ các khác biệt trọng yếu căn cứ các tiêu chí định lượng và định tính để tìm kiếm, lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập tương đồng nhất với người nộp thuế làm căn cứ xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập.
Một số tiêu chí định lượng bao gồm các chỉ tiêu tài chính đối với quy mô doanh thu, tài sản, vốn lưu động, hàng tồn kho, tỷ trọng xuất khẩu; các chỉ tiêu về tài sản vô hình như giá trị tài sản vô hình, chi phí nghiên cứu phát triển và các khác biệt định lượng cụ thể khác của người nộp thuế được xác định trên cơ sở phân tích các yếu tố so sánh quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và hướng dẫn tại các điểm a, b, c và d khoản này.
Các khác biệt định tính, định lượng được phân tích, chứng minh là có tác động gây ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận khi so sánh người nộp thuế với các đối tượng so sánh độc lập trong giai đoạn, chu kỳ kinh doanh phù hợp bản chất kinh tế, thương mại của ngành và chức năng hoạt động của người nộp thuế. Các khác biệt này được phân tích để tìm kiếm, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tương đồng với người nộp thuế.
Trường hợp người nộp thuế không thực hiện điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận theo các đối tượng so sánh độc lập với lý do các khác biệt định tính và định lượng gây ảnh hưởng trọng yếu thì người nộp thuế phải tìm kiếm, lựa chọn lại các đối tượng so sánh độc lập để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn đảm bảo mức độ tin cậy, tương đồng nhất và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
4. Quy trình phân tích so sánh bao gồm các bước theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Xác định bản chất của giao dịch liên kết thông qua việc thu thập thông tin thực tế thực hiện của người nộp thuế.
b) Phân tích so sánh, tìm kiếm, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tương đồng, cụ thể:
b1) Xác định phạm vi, nội dung và yếu tố so sánh bao gồm thời gian so sánh; thông tin phân tích về người nộp thuế đối với các yếu tố so sánh về chức năng, tài sản, rủi ro; đặc tính sản phẩm; điều kiện hợp đồng; điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch, phân tích ngành, thị trường, hoàn cảnh hoạt động kinh doanh, giao dịch hàng hóa, dịch vụ và tài sản của các bên để lựa chọn bên liên kết cần thực hiện xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư này.
b2) Đánh giá, tìm kiếm đối tượng so sánh gồm ưu tiên rà soát các đối tượng so sánh độc lập nội bộ trên cơ sở xác minh độ tin cậy và tính độc lập của các đối tượng này đảm bảo không phải là các giao dịch dàn xếp không theo nguyên tắc giao dịch độc lập; xây dựng các tiêu chí tìm kiếm và xác định các nguồn cơ sở dữ liệu tin cậy có thể sử dụng theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP để tiến hành tìm kiếm các đối tượng so sánh độc lập tương đồng. Trên cơ sở các thông tin đã phân tích và rà soát tính sẵn có đối với dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập, lựa chọn phương pháp xác định giá phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh, thương mại, tài chính, rủi ro của bên liên kết cần thực hiện xác định giá.
b3) Phân tích mức độ tương đồng và tin cậy của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn trên cơ sở rà soát, sàng lọc các tiêu chí định tính và định lượng; phân tích thông tin kinh tế, ngành và số liệu tài chính của các đối tượng được chọn để xác minh mức độ tương đồng; xác định khác biệt trọng yếu và điều chỉnh khác biệt trọng yếu (nếu có). Trên cơ sở kết quả lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập tương đồng, sử dụng dữ liệu, số liệu tài chính của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn để xác định căn cứ thực hiện điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.
c) Xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế theo kết quả phân tích so sánh để xác định thu nhập chịu thuế không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.
Điều 3. Các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP
1. Các trường hợp áp dụng phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu (phương pháp giá bán lại) áp dụng trong trường hợp người nộp thuế thực hiện bán hàng, phân phối lại các sản phẩm mua từ bên liên kết cho các khách hàng độc lập và không tạo ra tài sản vô hình gắn liền với sản phẩm bán ra; không tham gia vào quá trình phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ tài sản vô hình do bên liên kết sở hữu gắn với sản phẩm bán ra hoặc không thực hiện gia công, chế biến, lắp ráp thay đổi tính chất, đặc điểm sản phẩm, gắn nhãn hiệu thương mại để làm gia tăng giá trị sản phẩm. Phương pháp giá bán lại không áp dụng cho người nộp thuế là nhà phân phối sở hữu các tài sản vô hình có giá trị của tập đoàn đối với thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và các tài sản vô hình liên quan đến marketing khác như danh sách khách hàng, kênh phân phối, biểu tượng, hình ảnh và các yếu tố nhận diện thương hiệu trong hoạt động nghiên cứu thị trường, tiếp thị, xúc tiến thương mại hoặc phát sinh chi phí tạo lập, thiết kế các kênh phân phối, nhận diện thương hiệu hoặc các chi phí sau bán hàng.
b) Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (phương pháp giá vốn cộng lãi) áp dụng trong trường hợp người nộp thuế không sở hữu tài sản vô hình và gánh chịu ít rủi ro kinh doanh thực hiện chức năng sản xuất theo hợp đồng, đơn đặt hàng hoặc gia công, lắp ráp, chế tạo, chế biến sản phẩm, cài đặt thiết bị; thu mua, cung ứng sản phẩm; cung cấp dịch vụ hoặc thực hiện nghiên cứu phát triển theo hợp đồng cho bên liên kết. Phương pháp giá vốn cộng lãi không áp dụng cho người nộp thuế là doanh nghiệp sản xuất tự chủ, thực hiện các chức năng nghiên cứu phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chiến lược thị trường và bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng.
c) Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần áp dụng trong trường hợp người nộp thuế không có thông tin để áp dụng phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; không có dữ liệu và thông tin về phương pháp hạch toán kế toán của các đối tượng so sánh độc lập hoặc không tìm được các đối tượng so sánh có chức năng và sản phẩm tương đồng nên không đủ cơ sở áp dụng các phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp hướng dẫn tại điểm a và b khoản này; người nộp thuế thực hiện các chức năng phân phối hoặc sản xuất không sở hữu tài sản vô hình hoặc không tham gia phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình hoặc không thuộc trường hợp áp dụng phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
2. Một số khác biệt trọng yếu khi lựa chọn phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Trường hợp áp dụng phương pháp giá bán lại: Một số khác biệt có thể gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) như các chi phí phản ánh chức năng của doanh nghiệp là đại lý bán hàng, nhà phân phối độc quyền hoặc nhà phân phối thực hiện marketing; mức độ tăng trưởng phát triển của thị trường tiêu thụ sản phẩm; chức năng của người nộp thuế trong chuỗi cung ứng như bán lẻ, bán buôn và phương pháp hạch toán kế toán của các bên.
b) Trường hợp áp dụng phương pháp giá vốn cộng lãi: Một số khác biệt có thể gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn gồm các chi phí phản ánh chức năng hoạt động của doanh nghiệp như sản xuất theo hợp đồng chỉ định từ công ty mẹ hoặc cung cấp dịch vụ nội bộ tập đoàn; các nghĩa vụ thực hiện hợp đồng như thời hạn chuyển giao sản phẩm, chi phí giám sát chất lượng, lưu kho, điều kiện thanh toán và phương pháp hạch toán kế toán đối với các yếu tố cấu thành trong giá vốn của người nộp thuế và các đối tượng so sánh độc lập.
c) Trường hợp áp dụng phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần: Một số khác biệt có thể gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận thuần như khác biệt về chức năng, tài sản, rủi ro; điều kiện kinh tế; điều kiện hợp đồng và đặc tính sản phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 6, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này.
3. Phương pháp xác định theo quy định tại điểm c khoản 1, 2 và 3 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP áp dụng như sau:
a) Mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế phải điều chỉnh theo mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận tương ứng của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn từ kết quả phân tích so sánh theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư này.
b) Trường hợp áp dụng phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần:
b1) Đối với người nộp thuế thuộc các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ: Các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận thuần được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán, quản lý thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp là tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu (hoặc doanh thu thuần); trên chi phí (hoặc tổng chi phí); trên tài sản (hoặc tổng tài sản cố định) phù hợp bản chất hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.
Lợi nhuận thuần không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính được sử dụng để xác định tỷ suất lợi nhuận thuần trên cơ sở số liệu về doanh thu, chi phí, tài sản không do các bên liên kết kiểm soát hoặc các giao dịch với bên liên kết cấu thành doanh thu, chi phí của người nộp thuế đã được hạch toán theo nguyên tắc giao dịch độc lập.
Trường hợp sử dụng các chỉ tiêu tài chính tại bảng cân đối kế toán để phân tích so sánh, sàng lọc định lượng và xác định tỷ suất lợi nhuận thuần, giá trị sử dụng là giá trị trung bình cộng của số cuối năm và số đầu năm trên bảng cân đối kế toán của các chỉ tiêu sử dụng.
b2) Đối với người nộp thuế thuộc các ngành ngân hàng, tín dụng: Các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận thuần được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán, quản lý thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý hoạt động của tổ chức tín dụng phù hợp với loại hình kinh doanh của người nộp thuế.
b3) Đối với người nộp thuế là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán: Các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận thuần được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán, quản lý thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý hoạt động chứng khoán phù hợp loại hình kinh doanh của người nộp thuế.
c) Kết quả điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế là giá tính thuế, kê khai chi phí, doanh thu xác định thu nhập chịu thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.
Trường hợp người nộp thuế không điều chỉnh giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư này dẫn đến thiếu số thuế phải nộp thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.