Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP - Biện pháp đặt tiền để bảo đảm trong tố tụng hình sự

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 394,7 KB
Lượt tải: 214


[Share] Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nội dung chi tiết:

Từ ngày 10/12/2018, Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 

Theo đó, trường hợp CQĐT quyết định cho bị can hoặc người thân thích của bị can được đặt tiền để bảo đảm, thì việc đặt tiền bảo đảm được thực hiện như sau:

  • CQĐT có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi VKS cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn;
  • Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của CQĐT, VKS cùng cấp phải ra một trong các loại văn bản sau: Quyết định phê chuẩn; Quyết định không phê chuẩn; Văn bản yêu cầu CQĐT bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2018

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP

QUY ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP GIỮA CƠ QUAN ĐIỀU TRA VÀ VIỆN KIỂM SÁT TRONG VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố, điều tra và truy tố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan điều tra các cấp của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra).

2. Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp (sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát).

3. Người tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

2. Được thực hiện thường xuyên, bảo đảm giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

3. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi ngành.

Điều 4. Thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

1. Nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu tiến hành tố tụng đối với vụ án thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi quy định tại Điều 49 và Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp để tiến hành điều tra.

Trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trung ương tiến hành tố tụng đối với vụ án thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Bộ trưởng Bộ Công an (nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng), Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quyết định giao một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tiến hành tố tụng đối với vụ án.

2. Trường hợp Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết phân công Phó Thủ trưởng khác hoặc Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Khi Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Kiểm sát viên trao đổi ngay để Điều tra viên, Cán bộ điều tra từ chối tiến hành tố tụng; trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí thì Kiểm sát viên có văn bản yêu cầu Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra hoặc báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, của Kiểm sát viên, thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải ra quyết định thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; nếu không nhất trí thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trả lời Viện kiểm sát bằng văn bản, nêu rõ lý do.

4. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi quy định tại Điều 49 và Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Viện kiểm sát phải báo cáo ngay với Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để ra quyết định phân công một Phó Viện trưởng của Viện kiểm sát đó thay thế và gửi quyết định phân công cho Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát đó không có Phó Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát báo cáo Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp rút vụ án để điều tra.

5. Trường hợp Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công Phó Viện trưởng khác hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án.

6. Trường hợp nhận thấy Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị nêu rõ lý do để Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan điều tra, nếu thấy có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; nếu thấy không có căn cứ thì trả lời Cơ quan điều tra bằng văn bản, nêu rõ lý do.

7. Trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải có văn bản thông báo gửi cho Viện kiểm sát và Viện trưởng Viện kiểm sát phải có văn bản thông báo gửi cho Cơ quan điều tra.

8. Các văn bản về việc phân công, thay đổi Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra quy định tại khoản 1, 2, 3, 7 Điều này phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và đưa vào hồ sơ vụ án.

Các văn bản về việc phân công, thay đổi Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 Điều này phải được gửi cho Cơ quan điều tra và đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 5. Thay đổi, hủy bỏ lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

1. Đối với lệnh, quyết định của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã gửi đến Viện kiểm sát mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị rút lệnh, quyết định đó để ra quyết định thay đổi hoặc đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ; trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thì yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi hoặc có văn bản đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ; trường hợp Cơ quan điều tra không đồng ý thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Đối với lệnh, quyết định của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã gửi đến Viện kiểm sát mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị rút lệnh, quyết định đó và ra quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ; trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thì yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ; trường hợp Cơ quan điều tra không đồng ý thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Đối với lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ, thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát phối hợp xử lý như sau:

a) Trường hợp Cơ quan điều tra phát hiện thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ; nếu Viện kiểm sát không nhất trí thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do;

b) Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thì Viện trưởng Viện kiểm sát trao đổi với Thủ trưởng Cơ quan điều tra trước khi xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ;

c) Sau khi hủy bỏ, nếu thấy cần ra lệnh, quyết định khác thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh, quyết định để Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Điều 6. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát

1. Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 162, Điều 167, Điều 236 và Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Đối với quyết định quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 159, điểm b khoản 1 Điều 161, khoản 4 và khoản 5 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; nếu là Cơ quan điều tra ở cấp trung ương thì kiến nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết. Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên hủy bỏ quyết định của Viện kiểm sát cấp dưới; nếu không nhất trí thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho Cơ quan điều tra đã kiến nghị và Viện kiểm sát cấp dưới.

Điều 7. Khởi tố vụ án; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự

1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:

a) Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp thì ra quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án và gửi cho Cơ quan điều tra;

b) Nếu thấy chưa rõ căn cứ để khởi tố vụ án thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;

c) Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí hoặc là quyết định khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 159 và khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:

a) Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự có căn cứ thì thông báo bằng văn bản cho Cơ quan điều tra;

b) Nếu thấy chưa đủ căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;

c) Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 153, khoản 6 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

3. Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì chậm nhất 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát quyết định việc khởi tố theo quy định tại khoản 3 Điều 153 và điểm d khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

4. Sau khi khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của Hội đồng xét xử hoặc nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử và các tài liệu có liên quan thì Viện kiểm sát chuyển ngay quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.

5. Trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, thì yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của bị hại phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố để họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án.

Sau khi khởi tố vụ án hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố, nếu đang điều tra hoặc đã có bản kết luận điều tra nhưng hồ sơ chưa chuyển cho Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra xem xét, quyết định việc đình chỉ điều tra; nếu đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc đình chỉ vụ án.

Điều 8. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự

1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:

a) Nếu thấy chưa rõ căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;

b) Nếu thấy quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Khi có căn cứ thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu; chậm nhất 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

3. Không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố.

Ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự; quá trình điều tra xác định được hành vi trộm cắp của Nguyễn Văn A phạm vào khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự hoặc phạm vào khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự, thì không phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Điều 9. Khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can

1. Việc khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can được thực hiện theo quy định tại các điều 179, 180 và 433 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sau khi khởi tố bị can, việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 183, Điều 442 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn, nêu rõ lý lịch bị can, căn cứ khởi tố, tổng số tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can, việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can để Viện kiểm sát xét phê chuẩn.

3. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thay đổi quyết định khởi tố bị can theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, nếu quyết định khởi tố vụ án hình sự chưa khởi tố về tội đó thì trước khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can phải ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Ví dụ 1: Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra xác định hành vi của A cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với A từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan điều tra phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ 2: Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn B về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra xác định B còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với B về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan điều tra phải ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4. Không thay đổi quyết định khởi tố bị can khi quá trình điều tra làm rõ hành vi của bị can phạm vào khoản khác trong cùng tội danh, điều luật đã khởi tố đối với bị can.

5. Viện kiểm sát quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can khi đã yêu cầu bằng văn bản nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện. Trường hợp Viện kiểm sát khởi tố bị can thì việc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can do Viện kiểm sát quyết định.

6. Việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, bổ sung quyết định khởi tố bị can trong trường hợp bị can có nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng tội danh và trường hợp bị can phạm nhiều tội, được thực hiện như sau:

a) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng một tội danh và bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các lần phạm tội đó. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố phát hiện bị can còn thực hiện hành vi phạm tội có cùng tội danh mà chưa bị khởi tố thì ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi phạm tội đó;

b) Nếu tại một thời điểm mà một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau và được phát hiện cùng thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

c) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau mà hành vi phạm tội trước là để thực hiện hành vi phạm tội sau hoặc các hành vi phạm tội có liên quan đến nhau, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

d) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở những thời điểm khác nhau và thuộc nhiều tội danh khác nhau nhưng bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

đ) Khi phát hiện bị can phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp trên thì Cơ quan điều tra cấp dưới phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để chuyển toàn bộ vụ án cho Cơ quan điều tra cấp trên tiến hành điều tra.

7. Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, nếu Viện kiểm sát phát hiện thấy có cá nhân, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố hoặc có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác chưa bị khởi tố, thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc khởi tố bị can theo quy định tại khoản 4 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can và tiến hành các hoạt động điều tra theo thủ tục chung. Nếu đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Điều 10. Giao nhận, xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can

1. Cơ quan điều tra chủ động trao đổi với Viện kiểm sát trước khi quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Trường hợp xét thấy chưa đủ căn cứ để phê chuẩn, Kiểm sát viên kịp thời trao đổi với Điều tra viên những nội dung cần bổ sung chứng cứ, tài liệu và báo cáo lãnh đạo mỗi ngành để xin ý kiến, thống nhất các nội dung cần bổ sung. Yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu của Viện kiểm sát phải được thể hiện bằng văn bản. Trường hợp không bổ sung được chứng cứ, tài liệu thì Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do.

Sau khi thực hiện việc bổ sung chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải có văn bản tiếp tục đề nghị phê chuẩn hoặc rút quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can kèm theo các chứng cứ, tài liệu bổ sung theo yêu cầu của Viện kiểm sát để Viện kiểm sát xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

3. Trường hợp xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ thì thời hạn xét phê chuẩn không quá thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ. Chậm nhất trước khi hết thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ 24 giờ, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ xét phê chuẩn, thì thời gian bổ sung chứng cứ, tài liệu không quá thời hạn gia hạn tạm giữ; nếu không bổ sung được chứng cứ, tài liệu trong thời hạn gia hạn tạm giữ thì Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị Viện kiểm sát xem xét, quyết định.

4. Để bổ sung chứng cứ, tài liệu xem xét, quyết định việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can nếu Kiểm sát viên và Điều tra viên cùng hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, người làm chứng, bị hại, đương sự, thì Điều tra viên có trách nhiệm sao chụp và chuyển ngay biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai đó cho Kiểm sát viên; nếu Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung, lấy lời khai thì Kiểm sát viên phải chuyển ngay biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai đó cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

5. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can gồm các chứng cứ, tài liệu sau:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can;

b) Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can;

d) Biên bản hỏi cung bị can (nếu có), biên bản lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại (nếu có); biên bản lấy lời khai của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại và những người tham gia tố tụng khác (nếu có);

đ) Các chứng cứ, tài liệu khác làm căn cứ khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

6. Việc thống kê, đóng dấu bút lục và bàn giao tài liệu trong hồ sơ đề nghị phê chuẩn quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Thông tư liên tịch này.

7. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải thực hiện đúng quy định tại khoản 5 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự và phải lập biên bản về việc giao, nhận quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát.

Điều 11. Đề ra yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên phải kịp thời trao đổi với Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án về những vấn đề cần điều tra ngay từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và trong quá trình điều tra, bảo đảm để Điều tra viên, Cán bộ điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án.

Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói. Đối với các hoạt động điều tra khác, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập. Văn bản yêu cầu điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên; nếu thấy cần thiết, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có thể trao đổi với Kiểm sát viên để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra. Trường hợp có nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí, thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát để thống nhất về nội dung yêu cầu điều tra. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra.

Điều 12. Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra

1. Trong giai đoạn điều tra, khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, người bị bắt, bị hại, đương sự, người làm chứng, người chứng kiến, đối chất, thực nghiệm điều tra và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên thông báo trước cho Điều tra viên trước khi tiến hành. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên để thực hiện các hoạt động điều tra khi được yêu cầu; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.

2. Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự mà thấy cần phối hợp với Cơ quan điều tra thì chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thông báo cho Cơ quan điều tra thời gian, địa điểm tiến hành một số hoạt động điều tra để phân công Điều tra viên cùng phối hợp thực hiện; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.

3. Biên bản tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm sát viên phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

.................

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

download.com.vn