Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC - Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 130 KB
Lượt tải: 113
Nhà phát hành: Bộ GD-ĐT


Có thể bạn quan tâm Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC - Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Nội dung chi tiết:

Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH

-----------------

Số: 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2008

 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Căn cứ Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng được hưởng học bổng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển được quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Học sinh, sinh viên đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị Đại học, trừ học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đang được hưởng chế độ học bổng chính sách quy định tại Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 04 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị Đại học quy định tại Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Học viên là thương binh, người tàn tật, người khuyết tật thuộc diện không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí trong thời gian đang học tại các trường dạy nghề dành cho thương binh, người tàn tật, người khuyết tật.

II. MỨC HỌC BỔNG CHÍNH SÁCH

Mức học bổng chính sách quy định tại khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Trong một năm học bổng được cấp đủ 12 tháng. Đối với các chương trình đào tạo có thời gian dưới 01 năm hoặc có thời gian học năm cuối không đủ 12 tháng thì học bổng được cấp theo số tháng thực học của năm học đó.

2. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì mức học bổng chính sách được quy định tại Thông tư này được điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng với các quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của Nhà nước, bảo đảm mức học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu.

III. HỒ SƠ, THỦ TỤC XÉT, CẤP HỌC BỔNG CHÍNH SÁCH

1. Hồ sơ xét, cấp học bổng chính sách

a) Bản sao giấy khai sinh;

b) Bản sao hợp lệ giấy báo trúng tuyển;

c) Giấy xác nhận của cơ sở giáo dục (Phụ lục I);

d) Bản cam kết của học sinh, sinh viên (Phụ lục II);

đ) Bản sao hợp lệ thẻ thương binh (đối với thương binh);

e) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xác nhận là người tàn tật, khuyết tật (đối với người tàn tật, khuyết tật).

2. Thủ tục xét, cấp học bổng chính sách

a) Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I của Thông tư này:

Sau khi nhập trường, học sinh, sinh viên nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Mục III của Thông tư này cho Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu học ở cơ sở dạy nghề).

Theo định kỳ xét, cấp học bổng chính sách quy định tại điểm b khoản 2 Mục V của Thông tư này, học sinh, sinh viên gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu học ở cơ sở dạy nghề) giấy xác nhận của cơ sở giáo dục để thực hiện việc cấp học bổng chính sách theo quy định.

b) Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục I của Thông tư này:

Khi nhập trường, học sinh, sinh viên, học viên nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Mục III (trừ điểm c khoản 1 Mục III) cho cơ sở giáo dục nơi xét, cấp học bổng chính sách.

c) Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ; lập danh sách, dự toán nhu cầu kinh phí học bổng chính sách theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục VI của Thông tư này.

Các cơ sở giáo dục tiếp nhận hồ sơ; lập danh sách, dự toán nhu cầu kinh phí học bổng chính sách gửi về các cơ quan chủ quản của các đơn vị trực thuộc các Bộ, các cơ quan Trung ương theo quy định tại điểm b khoản 1 Mục VI của Thông tư này.

IV. TRƯỜNG HỢP DỪNG CẤP HỌC BỔNG CHÍNH SÁCH

1. Học sinh, sinh viên bị kỷ luật buộc thôi học thì không được nhận học bổng chính sách, kể từ thời điểm Quyết định kỷ luật có hiệu lực.

2. Học sinh, sinh viên bị đình chỉ học tập thì không được nhận học bổng chính sách trong thời gian bị đình chỉ, trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban hoặc dừng học vì lý do khác (không do kỷ luật hoặc tự thôi học).

3. Đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I của Thông tư này, cơ sở giáo dục nơi học sinh, sinh viên bị kỷ luật có trách nhiệm gửi thông báo kỷ luật về Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu học ở các cơ sở dạy nghề) chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày quyết định kỷ luật hoặc quyết định xóa kỷ luật có hiệu lực.

V. NGUỒN KINH PHÍ, PHƯƠNG THỨC CẤP VÀ BỒI HOÀN HỌC BỔNG CHÍNH SÁCH

1. Nguồn kinh phí học bổng chính sách

Nguồn kinh phí thực hiện cấp học bổng chính sách theo hướng dẫn tại Thông tư này được cân đối trong dự toán chi Ngân sách Nhà nước sự nghiệp giáo dục đào tạo, dạy nghề hàng năm theo phân cấp hiện hành của Luật Ngân sách. Cụ thể:

a) Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục I của Thông tư này đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý;

b) Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục I của Thông tư này đang theo học tại các cơ sở giáo dục do địa phương quản lý;

c) Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I của Thông tư này, ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ học bổng chính sách đối với người học không phân biệt cơ sở giáo dục nơi học sinh, sinh viên đang theo học thuộc các Bộ, ngành Trung ương hay do địa phương quản lý.

2. Phương thức cấp và bồi hoàn học bổng chính sách

a) Cơ quan thực hiện cấp học bổng chính sách:

- Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I của Thông tư này:

+ Căn cứ vào dự toán kinh phí sự nghiệp giáo dục đã được thông báo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền thực hiện việc quản lý kinh phí, tổ chức cấp học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên thuộc diện được hưởng học bổng chính sách theo quy định.

+ Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương và điều kiện của cơ sở giáo dục có học sinh, sinh viên thuộc diện được hưởng học bổng chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền chủ động lựa chọn hình thức chuyển tiền thích hợp, đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho người học theo một trong các phương thức như sau: trực tiếp chuyển kinh phí cho các cơ sở giáo dục theo hợp đồng; cấp tiền mặt trực tiếp cho gia đình người học hoặc chuyển qua thẻ ATM hoặc các hình thức chuyển tiền hợp pháp khác (nếu có) cho người học.

- Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục I của Thông tư này:

Căn cứ vào dự toán kinh phí sự nghiệp giáo dục đã được thông báo; các cơ sở giáo dục thực hiện việc quản lý kinh phí, tổ chức cấp học bổng đối với học sinh, sinh viên; học viên thuộc diện được hưởng học bổng chính sách theo quy định.

b) Thời gian cấp học bổng chính sách

Học bổng chính sách được cấp hàng tháng đối với người học nhận học bổng thông qua thẻ ATM, người học nhận học bổng thông qua cơ sở giáo dục hoặc được cấp hai lần trong năm, mỗi lần cấp 6 tháng, lần thứ nhất cấp vào tháng 10, lần thứ hai cấp vào tháng 3 đối với người học nhận học bổng được trả bằng tiền mặt, học bổng được chi trả thông qua gia đình người học.

Trường hợp học sinh, sinh viên chưa nhận được học bổng chính sách theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ cấp học bổng tiếp theo.

c) Phương thức bồi hoàn:

Học sinh, sinh viên đã nhận học bổng chính sách mà tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì phải bồi hoàn toàn bộ số tiền học bổng đã nhận từ đầu khoá học đến thời điểm thôi học cho cơ quan cấp học bổng theo phân cấp quản lý.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH MỨC HỌC BỔNG CHÍNH SÁCH

1. Khi có Quyết định của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của Nhà nước:

a) Đối với trường hợp học sinh, sinh viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I của Thông tư này:

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với các cơ sở dạy nghề) có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu điều chỉnh mức học bổng chính sách của các đối tượng quy định tại khoản 1 Mục I của Thông tư này, gửi về Sở Tài chính cùng với thời điểm gửi báo cáo về nhu cầu bổ sung kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (Phụ lục III).

b) Đối với trường hợp học sinh, sinh viên; học viên thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục I của Thông tư này:

Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở giáo dục có đối tượng thụ hưởng học bổng chính sách, các cơ quan chủ quản của các đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp báo cáo nhu cầu thực hiện điều chỉnh mức học bổng chính sách của các đơn vị trực thuộc, gửi về Bộ Tài chính (đối với các cơ quan Trung ương) hoặc gửi Sở Tài chính (đối với cơ quan địa phương) cùng với thời điểm gửi báo cáo về nhu cầu bổ sung kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (Phụ lục III).

2. Nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức học bổng chính sách do điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của Nhà nước nhưng chưa được bố trí trong dự toán Ngân sách giao đầu năm của địa phương được xử lý như sau:

a) Đối với những địa phương có khó khăn về nguồn kinh phí (các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối từ Ngân sách Trung ương và các địa phương có tỷ lệ điều tiết về Ngân sách Trung ương từ dưới 5%), Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%.

b) Đối với những địa phương còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động sắp xếp trong phạm vi của Ngân sách địa phương để thực hiện.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh học bổng chính sách của các đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương để trình Chính phủ quyết định bổ sung kinh phí cho các Bộ, ngành ở Trung ương.

Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thẩm định báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh học bổng chính sách của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính xem xét, bổ sung kinh phí cho các địa phương được hỗ trợ theo quy định tại điểm a khoản 2 Mục VI của Thông tư này.

4. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ sung kinh phí thực hiện chế độ học bổng chính sách, các Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở giáo dục thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện việc cấp học bổng chính sách tăng thêm của học sinh, sinh viên theo chế độ quy định.

5.Việc quyết toán kinh phí thực hiện học bổng chính sách thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

download.com.vn