Thông tư số 139/2013/TT-BTC - Quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu
Nội dung chi tiết:
Thông tư số 139/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/2013/TT-BTC | Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2013 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, TẠM NHẬP TÁI XUẤT, CHUYỂN KHẨU; NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU ĐỂ SẢN XUẤT VÀ PHA CHẾ XĂNG DẦU; NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU ĐỂ GIA CÔNG XUẤT KHẨU XĂNG DẦU
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Thông tư này quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu (trừ dầu thô).
2. Thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được nhập khẩu nguyên liệu để pha chế xăng dầu; thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu, đủ điều kiện sản xuất thì được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và gia công xuất khẩu xăng dầu. Việc nhập khẩu nguyên liệu phải theo kế hoạch đã đăng ký sau khi được Bộ Công Thương xác nhận bằng văn bản.
3. Thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, có ngành nghề kinh doanh cung ứng xăng dầu hàng không, dịch vụ cung ứng tàu biển thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu để cung ứng (tái xuất) xăng dầu hoặc thông qua công ty cung ứng tàu biển có chức năng cung ứng tàu biển là đại lý của mình để cung ứng (tái xuất) xăng dầu cho các đối tượng sau đây:
a) Tàu bay của các hãng hàng không nước ngoài đỗ, dừng tại cảng hàng không Việt Nam, tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam bay trên các tuyến bay quốc tế xuất cảnh.
b) Tàu biển quốc tịch nước ngoài neo đậu tại cảng biển, cảng sông quốc tế chạy tuyến quốc tế xuất cảnh và tàu biển quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.
4. Thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được hoạt động kinh doanh tạm nhập xăng dầu để cung ứng (tái xuất) xăng dầu cho các đối tượng sau đây để phục vụ sản xuất:
a) Doanh nghiệp chế xuất nằm trong hoặc nằm ngoài khu chế xuất.
b) Doanh nghiệp nằm trong các khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu Thương mại - Công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 3. Một số quy định đặc thù
1. Bơm xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào kho và ngược lại:
Sau khi tờ khai hải quan đã được đăng ký, cấp số theo quy định và cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng đã tiến hành lấy mẫu (đối với xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng), thương nhân được bơm xăng dầu theo quy định dưới đây:
a) Đối với xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập, nguyên liệu nhập khẩu:
a.1) Thương nhân được bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển sang phương tiện chuyển tải, sang mạn theo quy định.
a.2) Thương nhân được bơm xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể rỗng. Sau khi bơm xong xăng dầu, công chức hải quan niêm phong bồn, bể.
a.3) Thương nhân được bơm và lưu trữ xăng dầu, nguyên liệu từ phương tiện vận chuyển vào bồn, bể đang chứa xăng dầu cùng chủng loại (kể cả trường hợp bồn, bể của các kho chứa xăng dầu được thiết kế nhiều đường ống dẫn xăng dầu liên hoàn giữa các bồn, bể với nhau).
Sau khi thương nhân hoàn thành việc bơm xăng dầu theo quy định, công chức hải quan không phải thực hiện niêm phong kho và giao chủ hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giữ nguyên trạng xăng dầu cho đến khi có kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu.
a.4) Nếu xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất được bơm vào bồn, bể đang chứa xăng dầu thì phải đảm bảo các điều kiện sau:
a.4.1) Xăng dầu tạm nhập phải cùng chủng loại với xăng dầu đã có sẵn trong bồn, bể chứa.
a.4.2) Phải lấy mẫu kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi bơm như đối với xăng dầu nhập khẩu.
b) Đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất:
Thương nhân được bơm xăng dầu tái xuất từ kho chứa xăng dầu đã tạm nhập sang phương tiện vận chuyển xăng dầu để xuất ra nước ngoài hoặc để cung ứng (tái xuất) cho đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 Thông tư này.
2. Kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, nguyên liệu nhập khẩu:
Trường hợp xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu, nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng thì thực hiện như sau:
a) Đối với xăng dầu nhập khẩu:
a.1) Trường hợp phải niêm phong bồn, bể:
Khi có Thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì Chi cục Hải quan quyết định thông quan lô hàng theo quy định và mở niêm phong hải quan cho phép thương nhân đưa xăng dầu vào sử dụng. Thời điểm thông quan lô hàng là thời điểm thương nhân nộp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng.
a.2) Trường hợp không phải niêm phong bồn, bể:
Khi có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì Chi cục Hải quan quyết định thông quan lô hàng theo quy định. Thời điểm thông quan lô hàng là thời điểm thương nhân nộp thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng lô hàng.
a.3) Nếu cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng lô hàng không đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì toàn bộ xăng dầu (cả cũ và mới đối với trường hợp lưu trữ chung với xăng dầu cùng chủng loại, cùng loại hình nhập khẩu) xử lý theo quy định tại điểm e, khoản 4, Điều 16 Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
b) Đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất:
b.1) Xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất không phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng. Thương nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng của lô hàng tạm nhập.
b.2) Trường hợp xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất được lưu trữ chung với xăng dầu kinh doanh cùng chủng loại, khi tạm nhập phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng.
Nếu cơ quan kiểm tra nhà nước thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng lô hàng không đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì toàn bộ xăng dầu (cả cũ và mới) buộc phải tái xuất. Thương nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
c) Đối với nguyên liệu nhập khẩu:
Khi có thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì Chi cục Hải quan quyết định thông quan lô hàng theo quy định. Thời điểm thông quan lô hàng là thời điểm thương nhân nộp thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng lô hàng.
3. Xác định khối lượng xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất:
a) Khối lượng xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất vận chuyển bằng phương tiện vận tải đường thủy qua cửa khẩu cảng sông quốc tế, cửa khẩu cảng biển căn cứ theo thông báo kết quả giám định về khối lượng xăng dầu của thương nhân giám định (có chức năng giám định).
b) Khối lượng xăng dầu xuất khẩu, tái xuất vận chuyển bằng xe téc, xe bồn qua cửa khẩu đường bộ quốc tế căn cứ theo đồng hồ đo tại kho khi bơm xăng dầu vào téc, bồn xe; trường hợp không có đồng hồ đo thì căn cứ kết quả giám định về khối lượng của thương nhân giám định.
Những nơi không có thương nhân giám định thì khối lượng xăng dầu được xác định bằng Barem phương tiện vận chuyển đã được cơ quan kiểm định cấp giấy chứng nhận.
c) Đối với xăng, dầu cung ứng (tái xuất) cho tàu biển:
c.1) Khối lượng xăng, dầu bơm trực tiếp từ kho xuống tàu biển được xác định bằng đồng hồ đo của kho chứa.
c.2) Xăng, dầu bơm từ kho xuống phương tiện vận tải để tiếp tục vận chuyển cung ứng cho tàu biển:
- Khối lượng xăng, dầu bơm từ kho xuống phương tiện vận tải được xác định bằng đồng hồ đo của kho chứa trên đất liền.
- Khối lượng xăng, dầu này bơm từ phương tiện vận tải sang tàu biển được xác định bằng một trong các phương pháp: giám định (căn cứ kết quả giám định về khối lượng của thương nhân giám định), Barem hoặc đồng hồ đo của tàu biển tùy theo điều kiện cụ thể của từng tàu biển và phù hợp với thông lệ quốc tế được áp dụng đối với mặt hàng này.
d) Đối với nhiên liệu bay cung ứng cho tàu bay (bao gồm nhiên liệu đã nhập khẩu hoặc nhiên liệu đã tạm nhập):
Nhiên liệu cung ứng cho tàu bay được xác định bằng đồng hồ đo lưu lượng của phương tiện tra nạp chuyên dụng cho tàu bay.
e) Đồng hồ đo xác định khối lượng phải được cơ quan tiêu chuẩn đo lường Nhà nước có thẩm quyền kiểm định định kỳ và niêm phong (trừ đồng hồ đo của tàu bay, tàu biển).
4. Xác định chủng loại đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất:
Đối với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất được lấy ra từ cùng 01 (một) bồn, bể dưới sự giám sát của công chức hải quan thì giám định xác định về chủng loại này là xác định cho cả lô hàng xuất khẩu, tái xuất; không yêu cầu phải xác định riêng lẻ cho từng phương tiện vận tải vận chuyển xăng dầu của lô hàng.
5. Kiểm tra thực tế xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất và nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xăng dầu hoặc gia công xuất khẩu xăng dầu:
a) Đối với lô hàng miễn kiểm tra thực tế, nếu phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra thực tế lô hàng.
b) Đối với lô hàng kiểm tra thực tế thì công chức hải quan căn cứ kết quả giám định về khối lượng, trọng lượng, chủng loại lô hàng và kết quả kiểm tra Nhà nước về chất lượng lô hàng thực hiện xác nhận trên tờ khai hải quan để thông quan lô hàng.
c) Trường hợp có nghi vấn kết quả giám định, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan yêu cầu thương nhân tiến hành lại việc giám định đối với lô hàng và thống nhất với thương nhân lựa chọn thương nhân giám định tiến hành giám định, kiểm tra lại lô hàng.
Việc lựa chọn thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Về lấy mẫu xăng dầu nhập khẩu:
Thương nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng lấy mẫu xăng dầu nhập khẩu đối với loại xăng dầu thuộc danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng có giám sát của cơ quan Hải quan trước khi bơm xăng dầu vào kho (bồn, bể) hoặc các phương tiện chuyển tải, sang mạn theo hướng dẫn tại Điều 17 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013.
7. Đối với xăng dầu chuyển tải, sang mạn:
a) Thương nhân chỉ được chuyển tải, sang mạn xăng dầu tại các vị trí do Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; chuyển tải, sang mạn xăng dầu từ tàu lớn hoặc phương tiện vận tải khác mà cảng Việt Nam không có khả năng tiếp nhận trực tiếp do cơ quan Cảng vụ quy định.
b) Thương nhân thực hiện khai báo với Chi cục Hải quan (nơi làm thủ tục) trước khi thực hiện việc chuyển tải, sang mạn.
Thương nhân có trách nhiệm khai rõ tên, loại, số hiệu phương tiện vận tải vận chuyển xăng dầu và phương tiện vận tải khác thực hiện việc chuyển tải, sang mạn; … ngày, … giờ, lượng xăng dầu … tấn thực hiện chuyển tải, sang mạn.
c) Căn cứ văn bản thông báo của thương nhân, công chức Hải quan thực hiện việc giám sát cho đến khi thực hiện xong việc chuyển tải, sang mạn.
d) Phương tiện chứa xăng dầu chuyển tải sang mạn phải được neo đậu tại khu vực thuộc địa bàn quản lý của hải quan nơi làm thủ tục cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan. Xăng dầu chuyển tải sang mạn phải được lưu trữ riêng tại các kho chứa riêng khi chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tờ khai hải quan theo quy định của Luật Hải quan.
8. Thời hạn xăng dầu kinh doanh tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Trường hợp bất khả kháng và hợp đồng mua bán hàng hóa có thay đổi về điều kiện, thời gian giao hàng, lô hàng cần phải kéo dài thời hạn lưu lại tại Việt Nam thì thương nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập đề nghị được gia hạn và phải được Chi cục Hải quan chấp nhận gia hạn trước khi hết thời hạn tạm nhập tái xuất, việc gia hạn không quá 02 (hai) lần, mỗi lần không quá 30 (ba mươi) ngày đối với mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.
Download file tài liệu để xem chi tiết Thông tư này