Thủ tục đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề -
Nội dung chi tiết:
Thủ tục đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề
Thủ tục đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề:
Cơ quan ban hành: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Mục đích: Đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề:
a) Bổ sung nghề đào tạo;
b) Thay đổi trình độ đào tạo;
c) Tăng quy mô đào tạo từ 20%/năm (hai mươi phần trăm trên năm) trở lên (kể cả hoạt động liên kết đào tạo);
d) Chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu/các cơ sở đào tạo khác đến nơi khác;
đ) Có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ sung chức năng, nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở;
e) Thành lập phân hiệu/cơ sở đào tạo mới
Đối tượng áp dụng:
1. Trường Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề: Đăng ký dạy nghề trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên chương trình không chính quy.
2. Trung tâm dạy nghề; doanh nghiệp, cơ sở giáo dục khác, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp có dạy nghề: Đăng ký dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên chương trình không chính quy.
* Các đối tượng nêu tại mục 1 và 2 trên đây bao gồm các đơn vị công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.
* Các Trường Cao đẳng nghề; Đại học, Cao đẳng có dạy nghề đăng ký tại Tổng cục Dạy nghề (cho mọi trình độ đào tạo).
Tài liệu cần thiết:
Số bộ hồ sơ: 01.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề (mẫu số 6).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề (GCN ĐKHĐDN) đã được cấp.
- Báo cáo đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề (mẫu số 7).
- Các loại giấy tờ khác: Như đối với đăng ký hoạt động dạy nghề, nhưng chỉ áp dụng cho phần có nội dung bổ sung, thay đổi.
* Các bổ sung, thay đổi sau đây không cần đăng ký lại, chỉ cần gửi Sở văn bản thông báo của đơn vị và nội dung chi tiết tương ứng các thay đổi:
Thay đổi người đứng đầu/phụ trách cơ sở dạy nghề: Kèm văn bản của cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền; bản sao văn bằng, lý lịch người thay thế.
Thay đổi giáo viên: Kèm danh sách giáo viên và bản sao văn bằng, chứng chỉ tương ứng.
Thay đổi nội dung chương trình (không thay đổi tên nghề và trình độ đào tạo): Kèm chương trình chi tiết thay đổi.
Sở sẽ công nhận hoặc xác nhận thay đổi bằng văn bản hoặc xác nhận trực tiếp vào hồ sơ của đơn vị gửi đến.
Xem và tải bộ hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề, đăng ký hoạt động dạy nghề.
Quy trình giải quyết:
- Đơn vị chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại mục các tài liệu cần thiết.
- Nộp hồ sơ - Nhận giấy biên nhận hồ sơ
- Mang theo giấy biên nhận đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại tổ tiếp nhận và giao trả kết quả giải quyết hồ sơ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh - số 159 Pasteur phường 6 quận 3 theo thời gian hẹn trên giấy biên nhận.
Lệ phí: Không.
Thời gian: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội.
- Quyết định số 72/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề.
- Công văn số 3166/LĐTBXH-DN ngày 29/4/2009 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn đăng ký hoạt động dạy nghề
Địa điểm tiếp nhận:
- Đối với doanh nghiệp do thành phố, quận, huyện cấp đăng ký kinh doanh; tổ chức, đơn vị thuộc quận, huyện, có quy mô đào tạo dưới 50 học viên/khóa: Nộp hồ sơ tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện nơi đơn vị tổ chức dạy nghề.
- Các đơn vị khác: nộp hồ sơ tại tổ tiếp nhận và giao trả kết quả giải quyết hồ sơ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh - số 159 Pasteur phường 6 quận 3.