Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất - Bài văn mẫu lớp 9
Nội dung chi tiết:
Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất sẽ giúp các em làm bài tốt hơn khi gặp các đề thi tương tự, biết cách dẫn dắt vấn đề, phát triển vấn đề dựa trên những gì đã được học. Những bài văn mẫu lớp 9 chỉ mang tính chất tham khảo và hỗ trợ các em trong quá trình học tập môn Ngữ Văn 9. Chúc các em học tốt!
Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 6 hay nhất
Cảm nhận về hình ảnh “đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Đề bài: Cảm nhận về hình ảnh “đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Bài làm:
Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến. Chiến tranh là chất liệu làm nên nét chân thực, dữ dội và không kém phần lãng mạn trong những vần thơ ông viết. “Đồng chí” là bài thơ sáng tác trong thờ kì đất nước ta kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Hình ảnh người lính được khắc họa đậm nét và đầy ấn tượng. Sự khốc liệt của chiến tranh vẫn khiến cho thơ ông có sự mềm mại và trữ tình. Hình ảnh “đầu súng trắng treo” cuối bài thơ tiêu biểu cho khuynh hướng đó.
Bao trùm lên bài thơ “Đồng chí” là hình ảnh người lính cụ hồ hiên ngang, bất khuất, vượt qua mưa gió bão bùng, sự gian khổ và khắc nghiệt của thời tiết để hướng về phía trước. Cuộc sống nhọc nhằn, thiếu thốn vẫn không thể đánh gục những con người vì dân vì nước như vậy.
Giữ rừng hoang sương muối bao phủ lấy, hình ảnh “đầu súng trăng treo” như một nét chấm phá tuyệt đẹp. Nó hiện lên trong trang viết của Chính Hữu như một bức tranh:
Đêm nay rừng hoang sương muối lạnh
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
Nếu như ở hai câu thơ trên tái hiện lại sự khắc nghiệt, gian khổ của địa hình và thời tiết thì câu thơ thứ ba, duy nhất chỉ có trăng và súng lại rất thơ mộng và lãng mạn. Có lẽ đây chính là dụng ý của tác giả khi viết bài thơ này.
Giữa đếm đông giá lạnh, sương muối bao trùm khiến cho những người lính rét run người. Dù khắc nghiệt, gió khó khăn bủa vây nhưng hình tượng người lính vẫn hiện lên thật kiên cường và cao đẹp. Họ vẫn luôn “đứng cạnh bên nhau” để “chờ giặc tới”. Tư thế và tâm thế luôn sẵn sàng khiến cho chúng ta phải khâm phục và ngưỡng mộ.
Không phải vô tình mà 3 câu thơ này được tác ra làm một khổ riêng, có lẽ dụng ý của tác giả muốn làm nổi bật hình ảnh ‘đầu súng trăng treo” ở cuối bài thơ. Trên cái nền ảm đảm, khắc nghiệt, nguy hiểm của thiên nhiên và chiến tranh nhưng người lính vẫn luôn kiên cường, bất khuất. Họ luôn tràn đầy tình yêu và sự lạc quan để tiến về phía trước đánh đuổi kẻ thù.
Mặc dù hình ảnh “đầu súng trăng treo” gồm “trăng” và ‘súng”, tưởng như đối lập nhau giữa cái lãng mạn, trữ tình và cái hiện thực khắc nghiệt nhưng trong thơ Chính Hữu nó lại trở nên mềm mại. Trăng và súng không còn đối lập nhau nữa mà hòa quyện vào nhau làm nên một khung cảnh tuyệt đẹp giữa rừng hoang sương muối rơi ướt vai người lính.
Đấy chính là chất liệu lãng mạn nổi bật trên hiện thực khắc nghiệt. Đây thực sự là một hình ảnh đầy dụng ý nghệ thuật của tác giả. Người lính vẫn sẵn sàng canh gác bảo vệ tổ quốc, mũi súng hướng lên trời mà tác giả cứ ngỡ súng chạm vào trăng. Một nét điểm xuyết chấm phá tạo nên bức tranh đối lập nhưng vô cùng hài hòa và đầy tinh tế.
Những người lính có tuổi đời còn rất trẻ, họ có lý tưởng sống và cống hiến cho đất nước nhưng họ cũng ấp ủ những ước mơ bé nhỏ, một tình yêu bé nhỏ hay bóng dáng người con gái nào đó. Trong lòng họ vẫn luôn giữ được sự lạc quan, tin tưởng và sự lãng mạn đáng trân trọng. Chiến tranh khắc nghiệt nhưng không để nó làm trái tim người lính chai lì mới thực sự là điều đáng quý.
Bởi vậy mới có thể thấy rằng ‘đầu súng trăng treo” dường như lan tỏa thứ ánh sáng dịu nhẹ của ánh trăng xuống cánh rừng, lan vào lòng người lính sự mát dịu, trong lành nhất.
Chính Hữu đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh ‘đầu súng trăng treo” ám ảnh tâm trí người đọc như thế này. Gấp trang sách lại nhưng hình ảnh này còn neo đậu mãi.
Đề bài: Chuyển nội dung bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải thành một bài văn tả cảm xúc của tác giả trước khung cảnh mùa xuân.
Những ngày cuối cùng của mùa đông đã hết. Bầu trời màu xám từ từ chuyển sang màu xanh lơ, trông quang đãng hẳn lên. Trong không trung bao la, hây hẩy ngọn gió xuân ấm mát, từng đàn chim én vun vút chao liệng, báo hiệu mùa xuân đã đến.
Tôi lững thững thả bộ dọc bờ sông Hương trong một sớm mai hồng, say mê ngắm phong cảnh non nước hữu tình của xứ Huế – quê mẹ thân thương, mảnh đất đã gắn bó với tôi suốt cả cuộc đời. Bất chợt, tôi phát hiện ra giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc vừa nở, đang rập rờn trên sóng. Đơn giản chỉ có vậy thôi mà trong lòng tôi dâng lên một cảm giác lâng lâng, khó tả vô cùng! Dòng nước ăm ắp sức xuân. Bông hoa tươi thắm sắc xuân và trên đầu tôi là bầu trời xuân bát ngát, lảnh lót tiếng chim chiền chiên. Từng chuỗi âm thanh trong vắt như từng chuỗi ngọc long lanh thả xuống từ trời, khiến tôi sung sướng đưa tay ra hứng. Cả vũ trụ quanh tôi đều thấm đượm hơi thở nồng nàn của mùa xuân.
Hành trang trên lưng người cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Mùa xuân hiện ra trong màu xanh mướt của mạ non quấn quýt theo từng bước chân người ra đồng cấy lúa. Nhịp điệu mùa xuân hối hả, xôn xao khiến cho lòng người cũng rạo rực một niềm vui sống.
Chân bước đều và trí óc tôi miên man suy nghĩ về quê hương, đất nước. Ôi, Tổ quốc Việt Nam với bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại, lại vừa trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lăng. Bao xương máu của tổ tiên, ông cha, con cháu… nối tiếp đổ xuống đất này, tạo nên hồn thiêng của dân tộc bất khuất, hiên ngang. Đất nước vất vả và gian lao giờ đây vẫn như ngôi sao sáng ngời, tiếp tục cuộc hành trình tiến lên phía trước, xây dựng tương lai.
Tôi ao ước được hóa thân làm con chim chiền chiện hay làm một cành hoa để dâng tiếng hót, dâng hương sắc cho đời. Tôi muốn cuộc đời mình là một mùa xuân nho nhỏ để góp phần tạo nên mùa xuân rộng lớn của đất nước và dân tộc. Trong bản giao hưởng rộn rã ca ngợi mùa xuân, tôi chỉ xin được làm một nốt trầm xao xuyến.
Trái tim tôi hân hoan cất lời ca ngợi cuộc sống đẹp tươi. Tôi muốn chia sẻ tâm trạng tràn đầy hạnh phúc với mọi người. Các bạn ơi! Hãy biến cuộc đời mình thành mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời. Hãy giữ cho cuộc đời mình mãi mãi là mùa xuân, dù là tuổi hai mươi hay khi mái đầu đã bạc!
Tâm hồn tôi đang say sưa trước điệu hát Nam ai, Nam bình quen thuộc của quê hương: Nước non ngàn dặm mình, nước non ngàn dặm tình… trong nhịp phách tiền rộn rã. Đất nước mình đâu cũng đẹp như gấm như hoa và dân tộc Việt Nam mãi mãi tràn đầy sức sống bất diệt của mùa xuân!
Đề bài: Bạn em băn khoăn vì sao đã có câu tục ngữ: Không thầy đố mày làm nên, mà lại còn có câu: Học thầy không tày học bạn? Em hãy giải thích để giúp bạn em hiểu rõ ý nghĩa và mối quan hệ giữa hai câu tục ngữ trên.
Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy…
Trong nhà trường, người thầy giữ vai trò rất quan trọng. Vì thế dân gian đã khẳng định: Không thầy đố mày làm nên. Nhưng bên cạnh đó lại có quan điểm cho rằng: Học thầy không tày học bạn. Như vậy, hai câu trên có mâu thuẫn với nhau hay không? Chúng ta cùng bàn luận để có cách nhìn nhận đúng đắn về ý nghĩa của hai câu tục ngữ này.
Nếu mới đọc qua, chắc chắn có người cho rằng hai câu tục ngữ trên chứa đựng hai quan điểm trái ngược nhau.
Câu thứ nhất: Không thầy đố mày làm nên đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. Trong khi đó câu thứ hai: Học thầy không tày học bạn lại đề cao vai trò của bạn bè. Vậy nên hiểu nội dung hai câu tục ngữ này thế nào cho đúng?
Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những kiến thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường chỉ lối, mở rộng, nâng cao tri thức cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy nghĩa. Người thầy dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp các em sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao của người thầy quả là không nhỏ.
Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy, trò phải hết sức nỗ lực trong học tập thì mới mong đạt được kết quả khả quan. Như vậy, những cố gắng của học sinh cũng góp phần đáng kể. Nếu phủ nhận mặt này, ý nghĩa của câu tục ngữ trên sẽ thiên lệch.
Vai trò người thầy quan trọng như vậy mà lại có ý kiến cho rằng: Học thầy không tày học bạn (không tày có nghĩa là không bằng), liệu có rơi vào sự đánh giá thiên lệch khác chăng? Thực ra, ý của người xưa là muốn nhấn mạnh đến ảnh hưởng của bạn bè đối với sự hiểu biết và tiến bộ của mỗi người. Nghệ thuật dân gian trong câu tục ngữ này là dùng cách nói quá để khẳng định điều muốn nói. Kiến thức thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, đem hỏi lại bạn bè. Lúc bạn tận tình hướng dẫn cho mình thì bạn cũng đã đồng vai trò người thầy, dù chỉ trong chốc lát.
Thực tế cho thấy bạn bè tốt hỗ trợ nhau rất nhiều trong học tập, làm việc và xây dựng sự nghiệp của mỗi người. Bạn bè cùng trang lứa có sự thông cảm, gần gũi nên việc tiếp thu cũng dễ dàng hơn.
Vậy nên hiểu quan niệm học thầy, học bạn như thế nào?
Mỗi học sinh phải chăm chỉ học tập, cố gắng tiếp thu những kiến thức do thầy truyền đạt, kết hợp với óc suy nghĩ, sáng tạo của bản thân để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết. Luôn ghi nhớ truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc. Kính trọng thầy thực sự thì mới có tâm thế trong sáng, nghiêm túc đón nhận lời thầy dạy bảo. Chưa hiểu hoặc hiểu chưa kĩ điều gì, ta mạnh dạn hỏi bạn bè, tránh thái độ tự ti, giấu dốt, bởi đó là điều hoàn toàn bất lợi cho việc học hành. Học thầy, học bạn không chỉ về kiến thức mà còn học cả tác phong, đạo đức để trở thành con người toàn diện, hữu ích cho xã hội.
Hai câu tục ngữ trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người xưa về việc học. Cách học tốt nhất ngày nay là học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học ở thực tế đời sống hằng ngày. Muốn nên người, chúng ta phải có thái độ tôn kính thầy cô, quý mến, tôn trọng bạn bè và khiêm tốn học tập. Con đường đến với tri thức là con đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy và bạn vừa là người chỉ lối, vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi chúng ta.
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp