Tuyển tập những truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô ngày 20/11 - Truyện ngắn về thầy cô

Sử dụng: Miễn phí
Dung lượng: 677 KB
Lượt tải: 438
Nhà phát hành: Sưu tầm


Lâu lâu chia sẻ cùng các bạnTuyển tập những truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô ngày 20/11: Tuyển tập những truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô ngày 20/11 được Taifull.net cập nhật và sưu tầm nhằm giới thiệu đến các bạn học sinh và quý thầy cô giáo. Những câu chuyện ngắn này cũng góp phần giúp bài báo tường của các bạn thêm hay và ý nghĩa hơn. Mời các bạn cùng tham khảo.

Giới thiệu

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, Download.com.vn xin gửi đến quý thầy cô giáo và các bạn học sinh những câu truyện ngắn về thầy cô hay và ý nghĩa nhất.

Đây là những câu truyện cảm động về tình thầy trò, những người lái đò thầm lặng, những người gieo mầm tương lai, chèo lái con thuyền để đưa ta đến những bến bờ ước mơ. Để bày tỏ tình cảm yêu mến của mình tới thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ngoài những món quà, những bó hoa tươi ra bạn có thể gửi tới thầy cô những câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Sau đây, mời các bạn cùng tham khảo những câu truyện hay về thầy cô dưới đây.

Lời dẫn chương trình văn nghệ 20/11 hay nhất

Thơ 20/11 hay

Mẫu báo tường 20/11 đẹp

Tuyển tập những truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô ngày 20/11

Con còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian.

Thầy đã theo chúng con đi hết những năm tháng cuối của thưở học trò có lớn mà không có khôn…

Chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn những câu chuyện hay viết về thầy cô - những người làm nhiệm vụ chèo lái các con thuyền sang sông. Những câu chuyện ngắn này cũng góp phần giúp bài báo tường của các bạn thêm hay và ý nghĩa hơn.

Thầy ơi, bây giờ mùa hoa lau trắng

Đã 10 năm rồi em không gặp lại Thầy, cũng chừng ấy thời gian em vẫn hằng mơ một ngày em được trở lại thời thơ bé với bao kỷ niệm lưu luyến với thầy cô và bè bạn. Chiều nay em đi qua khúc sông gặp bạt ngàn hoa lau trắng, những bông lau trắng bời bời như nỗi nhớ của em về Thầy...

Bài học đầu tiên em học ở Thầy là bài giảng về lịch sử về Đinh Tiên Hoàng - vị vua tài giỏi đã dẹp loạn 12 sứ quân, đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước.

Thầy đã kể rất sinh động việc thời nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau với trẻ con thôn khác, đánh đâu thắng đó, tất cả đều hàng phục tôn làm "chủ tướng", chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như vua.

Hình ảnh những cành lau trắng đã được Thầy minh họa rất xúc động và trở thành dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong em và nhiều lứa học trò chúng em ngày ấy. Thầy đã giảng cho chúng em biết bao bài học về lịch sử, về tình yêu đất nước và tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc... nhưng có một điều, Thầy chưa bao giờ kể về mình, về cuộc đời quân ngũ của Thầy. Thầy là thương binh, Thầy trở về từ chiến trường và đã để lại nơi ấy một cánh tay. Em nhớ những dòng chữ bằng phấn trắng Thầy viết lên bảng bằng tay trái xiên xiên, chợt thấy cay cay sống mũi...

Hồi đó, món quà mà em và các bạn trong nhóm học sinh giỏi Văn đã tặng Thầy nhân ngày 20-11 là một bó hoa lau trắng. Thầy đã xúc động đến lặng người. Thầy cẩn thận cắm "bó hoa đặc biệt" ấy của chúng em vào một bình hoa được làm bằng gốc tre ngà ở phòng làm việc của Thầy. Rồi Thầy quay lại nói với chúng em giọng xúc động: hoa lau trắng nhắc Thầy nhớ mẹ, nhớ những người đồng đội cũ. Thầy kể, chữ đầu tiên hồi đó Thầy học là chữ 0.

Để thầy dễ nhớ, mẹ Thầy nói nếu khi con nhìn thấy nắng xuyên qua mái nhà của mình, thấy những chấm tròn, đó là chữ 0. Nhà Thầy hồi đó lợp bằng tranh mây. Những gánh tranh mây mà cha Thầy đã lặn lội mang về từ trong rừng sâu, kiên nhẫn gánh đến mấy tháng trời mới đủ làm mái nhà. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời Thầy chính là mẹ Thầy. Những con số đầu tiên Thầy biết cũng từ mẹ. Học đếm từ số 1 đến số 10, rồi cả phép cộng, trừ, nhân, chia cũng bằng những củ khoai, những phần quà của mẹ mỗi buổi chợ chiều cho chị và mấy đứa em.

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô

Bài học làm người mẹ cũng dạy Thầy bằng những câu ca dao "Lá lành đùm lá rách", "Ăn xem nồi ngồi xem hướng", "Học ăn học nói học gói học mở",... Chỉ đơn giản là những lời dạy thường ngày, không có cuốn giáo án nào ngoài cuốn giáo án trái tim, tấm lòng yêu thương con hết mực... Câu chuyện kể của Thầy cũng là một bài học Thầy muốn dạy lại cho em, về tình yêu và lòng nhân ái. Có lẽ em nhớ và kính trọng Thầy hơn bởi những điều thật giản dị như thế.

Trong giấc mơ ngập trắng hoa lau, em thấy tuổi thơ mình trở về bình yên, trong trẻo. Em nhớ Thầy nói là mỗi loài hoa đều có một hồn cốt riêng, đều có những giá trị mà chưa có ai viết hết, nói hết.

Giờ đây đứng trước triền sông bạt ngàn hoa lau trắng - loài hoa giản dị đã trở thành ký ức thiêng liêng trong em khi nhớ về Thầy, về bài học đầu tiên của Thầy. Trong trái tim em, hình ảnh của Thầy giống như một ngọn núi với những tán cây đủ chở che cho em suốt mùa nắng gắt, cũng là nơi bình yên em muốn trở về mỗi khi lòng mệt nhoài nơi đất khách.

Mùa đông đã về hun hút gió. Ngoài triền sông hoa lau trắng lại bời bời trong gió. "Cây lau có một sức sống bền bỉ và diệu kỳ, dù gió mưa có quất bao nhiêu thì hoa vẫn nở đúng mùa và vẫn trắng đến chênh chao. Con người cần phải kiên trì hơn loài hoa lau ấy..."

- Thầy đã dạy em như thế. Đến bây giờ em vẫn luôn mang theo bên mình hình ảnh của một màu hoa - trắng tinh khiết như những tình cảm mến thương của những cô cậu học trò dành tặng thầy cô giáo...

Người thầy năm xưa

Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ. Ngôi trường tiểu học của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngồi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm chân trần. Vâng, trường tôi nghèo lắm. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui và những kỉ niệm về người thầy thân thương với lòng biết ơn sâu sắc.

Đã hơn 10 năm nhưng hình ảnh và lời nói của thầy vẫn luôn hằn sâu trong ký ức tôi. Đó là năm học lớp 5, tôi được chuyển sang học lớp mới. Ngày đầu đi học tôi đứng rụt rè ở cửa lớp vì e sợ thầy, bạn không quen. Thầy nhìn thấy tôi và hỏi han ân cần. Nhìn ánh mắt trìu mến và cầm bàn tay ấm áp của thầy, tôi bước vào lớp trong sự yên tâm lạ thường.

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô

Từ lần đầu được gặp thầy rồi được thầy dạy dỗ, tôi càng hiểu và thấy yêu quý thầy nhiều hơn. Với thầy, tôi có thể diễn tả bằng hai từ “yêu thương” và “tận tụy”. Thầy tận tụy trong từng bài giảng, từng giờ đến lớp. Cả những ngày nóng bức hay những ngày mưa, thầy đều đến lớp để mang cho chúng tôi nhiều điều mới lạ.

Tôi nhớ đến mùa nước nổi, khắp đường xá, trường học đều đầy nước. Thế mà thầy trò chúng tôi vẫn đến lớp đều đặn, học bì bõm trong nước thế mà vui đến lạ. Những bài giảng của thầy dường như “đánh thắng” cả mùa nước lũ.

Khi không đến lớp, thầy lặn lội đến nhà các học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi yên tâm ngày hai buổi đến trường. Thầy tôi là như thế, thầy tận tụy với nghề, yêu thương tất cả học sinh. Tôi đã từng được đến chơi nhà thầy – một ngôi nhà mái lá đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Căn nhà bé nhỏ ấy chứa đựng tấm lòng yêu thương bao la của thầy tôi.

Hơn cả 1 người thầy dạy chữ, thầy còn dạy chúng tôi biết bao điều trong cuộc sống. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi cố gắng học tập, không khuất phục cái nghèo. Thầy vẫn tin rằng các học trò của thầy sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Niềm tin của thầy truyền sang niềm tin của chúng tôi – những đứa học trò nghèo chan chứa bao nhiêu là ước mơ và hoài bão. Những lời dạy dỗ của thầy đã theo tôi trong suốt những tháng năm dài.

Riêng với tôi, tôi vẫn nhớ mãi những lần được thầy đưa đến trường. Con đường đá đến trường đã thấm biết bao giọt mồ hôi của thầy tôi. Tôi không sao quên được hình ảnh thầy với chiếc xe đạp cũ kĩ cứ kêu “kót két” theo từng vòng quay. Thế mà chỉ cần ngồi sau lưng thầy, con đường dài dường như ngắn lại; cái nóng của buổi trưa nắng gắt dường như cũng mát dịu hẳn đi. Nhìn lưng thầy ướt đẫm mồi hôi mà miệng vẫn vui cười. Ôi! Sao mà nhớ thầy đến thế!

Trên con đường dài với lắm gập ghềnh, thầy và tôi cùng nhau trò chuyện nhiều điều thú vị. Bất chợt tôi cảm thấy thầy thật gần gũi và thân thiết như một người bạn lớn. Có lần thầy hỏi tôi rằng: “Nếu chỉ được đi qua một lần trên con đường đầy hoa dại, con sẽ chọn một bông hoa nào con cho là đẹp nhất?!”.

Lúc bé thơ ấy tôi nào hiểu những gì thầy muốn nói, chỉ khẻ cười rồi im lặng. Rồi thầy bảo rằng “trên đường con đi sau này sẽ có nhiều “bông hoa” như thế. Con đừng đợi phải đi hết quãng đường, hãy nắm lấy cơ hội để con có thể tiến xa hơn”. Và khi đó tôi mới hiểu điều thầy muốn nói, lời nói của thầy đã cổ vũ tôi đủ can đảm bước xa làng quê bé nhỏ để lên thành phố học tốt hơn. Đúng là thầy tôi, lời khuyên nhủ thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và làm người ta yên lòng lắm.

Đến hôm nay, tôi bỗng nhớ lại những câu chuyện của người thầy năm xưa. Thầm cảm ơn thầy về những gì tốt đẹp thầy đã dành cho tôi. Đó là những lời dạy dỗ quý báu cổ vũ tôi trong những tháng năm dài. Gần 10 năm nay ít có dịp về thăm thầy cũ. Ngôi trường làng ngày xưa đã tàn phai ít nhiều. Mỗi lần về thăm lại thấy mái tóc thầy tôi bạc trắng nhiều hơn. Nhưng dù thời gian có trôi qua bao nhiêu, tấm lòng thầy vẫn như thế, vẫn tận tụy và đầy yêu thương.

Đối với tôi, “người thầy năm xưa” là biểu tượng của một nhà giáo Việt Nam ưu tú. Ở thầy tôi là sự hy sinh cao cả xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đến hôm nay, trong lòng tôi vẫn mãi mãi kính trọng và biết ơn “người thầy giáo năm xưa”.

Người thầy, người cha thứ 2 của đời con!

Khi viết lên những dòng này có lẽ thầy của con đang say sưa giảng bài trên lớp cho học sinh của mình. Con biết có thể thầy sẽ không bao giờ đọc được những dòng này nhưng con vẫn muốn viết ra bằng tất cả tình cảm, lòng kính trọng của mình để tri ân thầy, tri ân người cha thứ hai trong cuộc đời của con.

Thầy là một người giáo viên tỉnh lẻ bình thường, một giáo viên vùng sâu vùng xa của đất Đồng Nai. Nhiều người cứ nghe đến Đồng Nai lại cho đó là một tỉnh giàu có, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều những vùng quê nghèo như quê ta thầy nhỉ. Con viết những dòng này trong giờ nghỉ trưa tại cơ quan, khi mà con bất chợt đọc được Nét bút tri ân trên báo Tuổi trẻ.

Cảm xúc của con lúc này mãnh liệt và dâng trào quá, con cũng không biết viết từ đâu, viết như thế nào. Cuộc đời con thầy không sinh con ra nhưng thầy là người đã giúp con nhận thức được giá trị của cuộc sống, nhận thức được giá trị của đồng tiền, giá trị của sức lao động và là điểm tựa để con bắt đầu một cuộc đời mới sau vấp ngã đầy cay đắng và tủi nhục.

Con lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, cái nghèo làm người ta thua thiệt và tủi thân. Chính vì thế ngay từ nhỏ con đã quen cuộc sống thiếu cái ăn cái mặc, quen những bộ quần áo cũ khi nhìn bạn bè mặc quần áo tây sơ mi thơm trắng sáng, quen đi dép nhựa rách phải hàn bằng mủ cao su bên những đôi xăng đan Bitis thơm mùi nhựa mới, quen những bữa cơm chỉ có nước mắm ăn với rau muống luộc bên những bữa cơm có thịt cá đủ đầy của chúng bạn, quen với một buổi cắp sách đến trường còn một buổi đi làm thuê cuốc mướn kiếm bát cơm no lòng.

Cha mẹ luôn động viên chúng con cố gắng học để có cái chữ, để mà thoát nghèo. Vì thế con cố gắng học, con có thể nghèo hơn, ăn mặc rách nát hơn nhưng con sẽ học giỏi hơn những người bạn của mình, con luôn xác định như vậy để vươn lên. Con cảm thấy hạnh phúc ngập tràn khi mười hai năm liền mình làm lớp trưởng, mười hai năm đạt thành tích cao, tự hào với giấy khen của trường, của sở đào tạo cho kết quả học tập, thành tích “học sinh nghèo vượt khó học giỏi”…

Ngày con học xong cấp ba và thi đậu đại học con đã khóc như một đứa trẻ, con đã làm được một điều tưởng như không thể khi thi đậu đại học, con là điểm sáng của cả cái xã nghèo này. Trong mười hai năm đó thầy là người giúp con rất nhiều để con có thể củng cố kiến thức học tập, ôn luyện để con thi đại học. Ngày con lên đường đi nhập học thầy không có gì nhiều ngoài những lời nhắn nhủ tâm huyết và một ít tiền dành dụm gởi con làm quà. Thầy ạ đối với con số tiền đó là nước mắt, là công sức lao động, là những đêm không ngủ soạn giáo án của thầy, cầm nó con lại nấc ngẹn không nói nên lời.

Cuộc sống ở Sài Gòn khác xa cái cảnh ở quê nghèo và con bị choáng ngộp thật sự, con có cảm giác ở đây người ta sống nhanh quá, gấp gáp quá. Con học đại học nhưng cũng như thời ở quê một buổi lên giảng đường, một buổi đi làm thêm, con phải tiết kiệm lắm mới có thể tạm đủ sống để đi học. Ngày đó con lúc nào cũng ốm yếu vì thiếu ăn, chỉ có thầy biết rõ nhất, những bức thư hai thầy trò mình gởi con đã nói rất rõ. Thầy đã động viên con để con học, cố gắng từng ngày từng ngày một vì ước mơ thoát nghèo của con, thầy nói ước mơ thoát nghèo của con cũng là ước mơ của cả đời thầy.

Vậy mà năm cuối đại học khi mà kỳ thực tập trước mắt con lại bị cám dỗ đồng tiền quật ngã để phải ra đi trong đau đớn, tủi hổ. Con vướng vào cá độ bóng đá và game online dẫn đến nợ nần, một phút nông nổi con đi ăn cắp điện thoại di động và tiền của bạn trong ký túc xá để tiêu xài, kết quả con bị bắt quả tang và bị buộc thôi học ngay lập tức. Với con giây phút bước ra khỏi cồng ngôi trường đại học mình gắn bó hơn bốn năm trời mãi mãi in sâu như một bài học không thể nào quên, bài học của cả đời người với riêng con.

Con trở nên điên loạn, con mất hết phương hướng và căm thù tất cả những ai muốn động viên, giúp đỡ mình. Khi ấy con cảm thấy đó là lòng thương hại, là người ta thấy tội nghiệp và điều đó làm con không muốn đi đâu, làm gì nữa. Lại một lần nữa trong tận cùng đau đớn, tủi nhục thầy lại bên cạnh con, thầy làm bạn với con để chia sẻ và khuyến khích con. Thầy từng bước làm con quên đi mặc cảm và hướng con đi con đường mới khó khăn hơn nhưng rất thực tế với hoàn cảnh của con lúc đó. Thời gian đã trôi qua, con đã sống những giây phút khó khăn nhất đời mình dưới sự dìu dắt của thầy. Giờ đây đã trưởng thành hơn, đã thành công khi học xong bằng nghề và đi làm với thu nhập tạm ổn định con càng biết ơn thầy hơn. Chính thầy đã xác định cho con lối đi học nghề để có một công việc với thu nhập ổn định, từ đó sẽ đi học lên thêm.

Vâng con sẽ nghe theo lời thầy, con sẽ cố gắng đi làm và học đại học tại chức vào ban đêm, con sẽ làm được vì con có lòng tin, vì con luôn có thầy bên cạnh. Khi con ngục gã, khi con phạm sai lầm mọi người coi thường con bao nhiêu thầy lại thương con bấy nhiêu. Thầy đã đánh thức được lòng tự tôn và cho con những lời khuyên đúng đắn. Con hạnh phúc lắm vì giờ đây em gái con lại được thầy chủ nhiệm, thầy lại dạy thêm cho em mà không lấy một đồng tiền công nữa, ơn nghĩa của thầy con làm sao trả được. Thầy sống và làm việc theo đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu, là tấm gương sáng của một người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Hôm rồi lang thang một chút trên mạng internet vào những diễn đàn dạy và học con tìm thấy những bài học, phần mềm dạy toán ấn tượng của một thầy giáo tên Nguyễn Quốc Phong trường THPT Định Quán. Con bị xúc động mạnh, con thật sự ấn tượng khi người đó chính là người thầy kính yêu của mình. Thầy bước vào cái tuổi tóc điểm hoa râm rồi mới bắt đầu tiếp cận máy vi tính, thế mà có thể viết ra những phần mềm dạy học môn toán cấp ba đầy hữu ích và thiết thực với cộng đồng mạng như thế thật là hiếm có. Quả thật đó là những điều khó mà ai cũng làm được ở cái tuổi của thầy và ở cái xã nghèo của chúng ta thầy ạ!

Lúc này con lại rơi nước mắt, nước mắt này không còn là nước mắt của hối hận muộn màng, của sự tự ti, xấu hổ về quá khứ đã qua, mà là của niềm xúc động, của hạnh phúc. Thầy ạ, con mà viết về thầy chắc con sẽ viết hoài, viết mãi đến khi mệt mà vẫn muốn viết vì thầy trò ta có quá nhiều tình cảm và có quá nhiều điều đặc biệt.

Con sẽ dừng viết ở đây và con luôn luôn nhớ câu nói của thầy “Sống ở trên đời mọi thứ có thể mất đi nhưng tương lai thì vẫn còn. Người sống lâu nhất là người cảm nhận được cuộc sống này nhiều nhất, chứ không phải là người tồn tại với thời gian nhiều nhất”. Vâng. Con sẽ cố gắng, thầy yên tâm nhé!

 Lời thầy dạy thuở ấy…

Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Gửi những người chèo đò mải miết giữa sông xưa.

Gửi thầy con, người mải miết chèo lái những dòng đời xuôi ngược…

Con còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian đã theo chúng con đi hết những năm tháng cuối của thuở học trò có lớn mà không có khôn…

Bụi phấn rơi rơi theo từng dòng thầy viết, rơi vào cả tâm hồn non nớt của chúng con những bài học về cuộc đời.

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô

Thuở ấy, chúng con nào biết làm người phải có lấy một ước mơ, dù giản dị, nhỏ nhoi hay cao sang to lớn. Chiếc bảng đen, từng trang giấy trắng, những lời giảng dạy của Thầy chính là đoạn đường dài dẫn chúng con với những ước mơ đầu tiên ấy!

Thuở ấy, chúng con nào biết cuộc đời chỉ có những bà tiên và ông bụt, rằng Lý Thông, mụ gì ghẻ, hay quỷ dữ chỉ có trong truyện mà thôi… Cuộc đời này vẫn luôn là bài một bài toán khó, mà đi hết cả quãng đường dài chúng ta mới nhận ra chẳng có lời giải nào tốt hơn ngoài hai từ “trải nghiệm”.

Thầy dạy rằng bước vào đời chúng con cần có một đôi mắt sáng và một trái tim biết yêu thương, để đối tốt với những người ngay và tránh xa những toan tính, bon chen của những kẻ độc ác.

Thuở ấy, chúng con nào biết “tha thứ” là một động từ đẹp nhất chỉ sau “yêu”. Thầy dạy chúng con đừng quay lưng với những người đã nhận lỗi, đừng mang ngõ cụt đến cho những người đã biết mình sai, đừng nhẫn tâm với những người đã biết quay lại… Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Thuở ấy, chúng con nào biết cậu bạn kia lấm lem bùn đất chỉ vì giúp ba cày thêm ruộng lúa, đâu biết cô bạn thỉnh thoảng ngủ gật trong lớp kia tối qua thức khuya trông em cho mẹ ốm, đâu biết cậu bạn bên cạnh mình có người thân bệnh nặng nên bỏ học thường xuyên…

Chúng con vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn như vốn dĩ, mà vô tình lãng quên đi đằng sau nó có thể là cả một câu chuyện dài.

Thầy dạy chúng con hãy biết để ý và chăm sóc đến những người xung quanh, hãy biết trân trọng những điều tưởng như rất bình thường nhưng vô cùng quý giá. Bởi có một ngày, yêu thương cũng có thể là quá muộn… khi mà hợt hời và vô tâm đã bỏ xa khoảng cách giữa những con người.

Thuở ấy, chúng con nào biết cuộc đời luôn là những vòng quay. Những khúc gập, những quanh co, những thác ghềnh luôn là một phần không thể thiếu. Đừng mơ tưởng về cuộc đời là một đường thẳng… Nếu cuộc đời con không có những khúc ngoặt, hiển nhiên nó đã vô nghĩa đi rất nhiều rồi.

Thầy còn dạy chúng con phải biết ngẩng đầu trước thất bại, đừng dừng lại khi phía trước còn nhiều lắm những chông gai… Quá nửa cuộc đời con đã sống như lời thầy dạy, con lớn thêm một chút rồi, thầy ơi…

Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…

Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách…

Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng…

Thầy tôi trăng hắt những đêm kia, vẫn mải miết chèo đời…

Đứa học sinh không dạy nổi

Tôi là một học sinh… không dạy nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét như vậy với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng. Mẹ tôi khóc. Bố thở dài: thằng này vậy là coi như xong...

Chuyển qua trường mới. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi tôi đi nhưng nể tiếng ngoại tôi là giám đốc ty giáo dục cũ, thầy đành nhận. “Tôi sẽ xếp em vào lớp thầy Tiến”.

Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn tôi đến “trao tận tay thầy”. Tôi lén quan sát “đối thủ” của mình. Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi “A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”. Thầy xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.

“Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn”, thầy nói với tôi khi Tú còm mếu máo mách chuyện. Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu. Trước đây, mỗi lần tôi dây mực vào hầu hết các trò trong lớp các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ tôi cũng bịa ra một chuyện mà mình là nạn nhân. Tôi mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Tôi cũng chẳng quan tâm hình phạt là gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn là thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: “Lần sau em nhớ cẩn thận hơn”. Mấy hôm sau nữa tôi lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Tôi đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này.

Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy. Tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng tôi, hôm sau tôi càng lấy phấn nhiều hơn nữa. Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười bảo: “Em ngoan lắm!”.

Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.

Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là tôi mù tịt.

Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ tôi đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của tôi, thầy hẹn ngày mai quay lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba tôi.

Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường. Tôi vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được.

Thầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý. Thỉnh thoảng thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.

Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, tôi tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, tôi bỏ cả buổi lễ chạy đến nhà thầy. Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem xét. “Cậu là Phong hử?”. “Dạ”. “Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con trai”. Tôi vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn. “Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy”.

Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.

Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em!

Người thầy trong trái tim em

Trong mỗi đời người, luôn tồn tại những kí ức, có những kí ức vui ta muốn nhớ mãi nhưng cũng có những kí ức buồn ta muốn quên đi. Đối với tôi, kí ức khiến tôi muốn nhớ mãi là thời học trò trong những năm cấp hai của tôi. Mỗi năm học trôi qua, tôi đều có thêm người thầy, người cô để ghi nhớ trong trái tim mình và năm nay cũng vậy. Chỉ trong khoảnh khắc vài tháng, cô giáo dạy văn của tôi đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.

Ắt hẳn các bạn ngồi đây cảm thấy lời của tôi là nghịch lí. Tôi đang học lớp chín thì đáng lí ra tôi phải viết về những thầy cô trong các năm học trước của mình, nhưng tôi lại viết về người cô đang dạy tôi trong năm học này? Có thể đối với những bạn khác, cô chỉ mới đứng lớp trong hai tháng. Nhưng với tôi, cô đã gắn bó hơn sáu tháng rồi.

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô

Cô đã dạy văn tôi trong suốt ba tháng hè. Và đó cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Cô là một người rất tận tụy, giảng giải chu đáo cho học sinh. Khi cô giảng bài, giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô đã thu hút chúng tôi vào bài học. Cô giảng giải, phân tích từng chi tiết nhỏ nhất của bài học, cho học sinh cảm nhận ý nghĩa của từng chi tiết đó rồi phát triển thành những lời văn sâu sắc, đầy ý nghĩa. Nhờ những bài giảng của cô mà chúng tôi thêm yêu nàng Kiều mười lăm năm lưu lạc, thêm yêu Vũ Nương – người con gái tư dung tốt đẹp. Những bài mà trước đây đọc không hiểu, giờ đây chúng tôi thấy nó mới hay, mới sâu sắc làm sao! Người ta thường nói tiết Văn là tiết ru ngủ nhưng điều kì lạ là khi cô giảng chúng tôi càng cảm thấy thú vị hơn, ý nghĩa hơn. Chắc có lẽ chính nhờ vậy mà cô luôn được học sinh chúng tôi yêu mến.

Khi vào năm học, tôi vui sướng biết bao khi được cô làm chủ nhiệm. Trong vai trò chủ nhiệm, cô trông nghiêm túc hơn hồi hè. Khi lớp hạng cao, cô khuyến khích, khen thưởng, mỗi lần lớp hạng thấp, cô nhắc nhở, động viên lớp cố gắng hơn. Mẹ tôi cũng là một giáo viên chủ nhiệm nên tôi có thể hiểu được sự vất vả, nặng nề thế nào khi đảm nhận chủ nhiệm một lớp cuối cấp. Càng hiểu nỗi vất vả của cô bao nhiêu, tôi càng quyết tâm phải giúp lớp lấy được hạng cao bấy nhiêu. Có thể đối với các lớp khác, tiết chủ nhiệm luôn là tiết nặng nề nhất, bởi tiết đó luôn khiến các bạn khác lo sợ vì bị mắng. Nhưng với lớp tôi, giờ chủ nhiệm lại được nghe những câu chuyện hay, ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi yêu những câu chuyện đó vì nó luôn giúp chúng tôi rút ra được những bài học quý giá cho riêng mình. Tôi đã từng đạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi lớp tám. Có lẽ vì vậy mà cô kì vọng vào tôi trong kì thi năm nay. Tôi tự hứa mình phải cố gắng hơn, mình phải đậu để không khiến cô thất vọng. Nhưng tôi đã thất bại. Những tưởng cô sẽ la mắng tôi, trách móc tôi, nhưng không. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cô khuyến khích các bạn trong lớp: “ Cho dù các con thi không đậu cũng đừng buồn, vì các con còn nhiều cơ hội khác để bắt lấy.” Nhưng thật sự cô càng khuyến khích thì tôi lại càng thấy lòng ray rứt hơn. Tôi đã tự hỏi với lòng mình tôi đã cố gắng hết sức chưa, tôi đã tập trung vào môn văn chưa? Mặc dù vậy, cô vẫn không hề la rầy, trách cứ tôi một lời nào mà vẫn dịu dàng động viên, an ủi tôi. Chính điều đó sẽ là động lực cho tôi bước tiếp và cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường học vấn của mình.

Lớp chúng tôi có một bạn tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng học rất giỏi. Cả nhóm chúng tôi tổ chức sinh nhật cho bạn đó nhưng trong lớp lại có bạn nói: “ Tại sao chỉ có sinh nhật bạn đó là tổ chức còn sinh nhật tụi mình thì không tổ chức?” Nghe thấy câu nói đó, cô đã nói: “ Gia cảnh bạn khó khăn, có lẽ mấy năm nay cũng chưa có được một ngày sinh nhật cho mình, tuy ở đây chỉ là một chút gì đó nhỏ thôi nhưng ít nhất cũng khiến bạn cảm thấy vui…” Nói đến đây, cô đã khóc. Nhìn giọt nước mắt của cô rơi xuống mà lòng chúng tôi chạnh lại. Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ từ lời nói của cô thôi mà đã khiến chúng tôi hiểu được thế nào là sự sẻ chia, thế nào là ấm áp tình bạn. Giọt nước mắt ấy đã khiến chúng tôi phải nhìn lại mình. Chúng tôi được sống trong hoàn cảnh đầy đủ, may mắn hơn thì tại sao lại không chia sẻ sự may mắn đó cho người bạn của mình để họ cảm thấy lòng ấm áp hơn? Khi nhìn những giọt nước mắt ấy, tôi chợt nhận ra cô không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn là một người đồng cảm với học sinh, luôn cố gắng thấu hiểu học sinh của mình.

Văn của tôi không bóng bẩy, trau chuốt, cũng không đặc sắc như những bài văn mà các bạn đã đọc. Khi tôi viết những dòng cảm nhận này, tôi chẳng nghĩ rằng mình sẽ được giải. Tôi chỉ viết bằng tấm lòng yêu thương, kính trọng cô từ sâu thẳm trong con tim mình. Tôi không nêu tên cô ra vì tôi nghĩ các bạn cũng có thầy giáo, cô giáo dạy văn như tôi và tôi cho rằng cô cũng không thích như vậy.

Sáu tháng, chưa đầy một năm nhưng cô đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Cô như là nguồn cảm hứng cho những bài văn của tôi và nếu mái trường là ngôi nhà thứ hai thì cô chính là người mẹ thứ hai của tôi. Cô ơi, con cảm ơn cô vì những gì cô đã dành cho con, con sẽ cố gắng để thành công và “gặt được nhiều lúa vàng” trong cuộc sống.

Người thầy và những tờ tiền cũ

900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.

Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”.

Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về

Bài học làm người từ cô giáo dạy Sử

Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, và những chiếc ghế đá vẫn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn. Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách. Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến.

Tôi lại bóng dáng của cô từ trong lớp, vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc. Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường. Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.

Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp. Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ. Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết.

Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện” cô lại thấy xót thương. Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm những có nghị lực phi thường.

Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên. Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu sử cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó. Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô.

Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy. Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt. Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. “Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử”.

Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử. Khi còn học ở trung học cơ sở tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.

Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô thường dặn chúng tôi: “muốn học được lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý”. Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra.

Không chỉ cho chúng tôi những bài học lịch sử mà cô còn dậy cách đối nhân xử thế ở đời. Cô cho mỗi chúng tôi biết thế nào là cuộc sống thực tại, nó không màu hồng cũng không trải thảm đỏ mà mỗi trái tim non nớt chúng tôi vẫn hoài tưởng. Cô vẫn ví, cuộc đời như một cuộc chiến đấu chính bản thân mình vậy. Nếu kiên cường thì họ sẽ không bao giờ gục ngã, nhưng chỉ cần sơ xảy họ có thể đánh đổi cả cuộc đời. Tôi mơ hồ hiểu những gì cô nói, nhưng đến giờ thì đó lại là bài học đáng giá theo mãi cuộc đời tôi.

Mỗi một năm trôi qua cô đón một thế hệ học trò tìm đến những điều mới mẻ trong trang sách lịch sử. Nhưng cũng là lúc cô tiễn thế hệ học trò của mình đi. 40 năm như vậy, sau 27 năm mà “tay lái” của cô vẫn vững mái chèo. Cô không còn đạp xe đến lớp như ngày xưa nữa, cô không còn giảng bài khi lớp ngập mưa, nhưng những tiếng giảng của cô vẫn trong trẻo và dịu hiền. Nó vẫn hàng ngày dẫn dắt những thế hệ học trò như chúng tôi tìm đến được những chân trời mới.

Cô trang bị cho mỗi chúng tôi đầy đủ hành trang tri thức và vốn sống của cô để chúng tôi không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước chân vào đời. Những đồng nghiệp của cô vẫn nghĩ sao cô tận tâm với học trò đến vậy. Cô cười nhẹ và nói: “Nó đã theo cái nghiệp mất rồi, thiếu học sinh như thiếu chân tay vậy. Không sao chịu được”.

Có lẽ nhờ cô mà những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Mỗi khi tiếp cận một sự kiện tôi không quên tìm kỹ về nguyên nhân của nó. Hiểu nghề để làm nghề như cô vẫn dặn chúng tôi. Sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, kỷ niệm về thời học trò và những bài giảng quý báu mà cô đã trao tặng cho mỗi chúng em. Chúng em sẽ luôn trân trọng nó như món quà quý giá nhất của cuộc đời.

Người mẹ thứ hai

Tuổi thơ của tôi không được đủ đầy như bao đứa trẻ khác. Vừa sinh ra đã không được thấy mặt ông bà nội, ngoại. Lên sáu tuổi, mẹ tôi qua đời vì bạo bệnh. Nhà đông anh em, cha lại phải đi làm xa, năm anh chị em sống bao bọc lấy nhau, cùng bảo ban nhau trong cuộc sống. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng chị em tôi luôn là tấm gương điển hình dẫn đầu trong lớp và trong trường về thành tích học tập. Đó là nhờ công dạy bảo của cha, nhưng cũng là nhờ các thầy, cô giáo luôn tận tâm chỉ bảo. Với tôi, suốt cuộc đời này, dẫu có đi đâu về đâu, tôi cũng không bao giờ quên được cô Lịch – cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của tôi hồi ấy – người mẹ hiền thứ hai đã chắp cánh ước mơ cho tôi ngay từ những ngày thơ ấu.

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô

Từ quê nghèo chuyển lên thị trấn sinh sống, lại mồ côi mẹ, tôi thuộc vào hàng học sinh nghèo nhất lớp. Trong khi các bạn trong lớp quần nọ áo kia, cặp sách, giày dép đủ các loại đắt tiền thì tôi quanh năm chỉ có mỗi bộ đồng phục quần xanh áo trắng và thêm chiếc áo ấm đã cũ màu vào mùa đông. Nhưng bù lại, tôi là học sinh dẫn đầu trong lớp về tất cả các môn học. Vốn dạn dĩ, tôi không tự kiêu vì thành tích học tập của mình, nhưng luôn thấy mặc cảm và tự ti về hoàn cảnh gia đình. Tôi không chơi thân với ai, chỉ sống khép mình ở cuối góc lớp.

Cô là giáo viên chủ nhiệm mới của lớp tôi, thay cho cô chủ nhiệm cũ vừa chuyển trường. Cô có gương mặt thật hiền, dáng người thon thả và giọng nói miền Bắc dễ thương đến lạ.

- Chào các em, cô tên Lịch, là chủ nhiệm mới của các em từ bây giờ. Cô sẽ rất vui nếu các em xem cô là bạn, chia sẻ với cô mọi khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống.

Rồi cô đi từng bàn, hỏi thăm từng học sinh một. Tôi dõi mắt theo cô từ lúc cô mới bước vào lớp, bỗng thấy hồi hộp khi cô bước lại gần và hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi trả lời cô, giọng lí nhí trong cổ họng với mặc cảm phận nghèo. Bỗng nhiên, cô xoa đầu tôi, mỉm cười:

- Cô có xem qua học bạ của em. Em giỏi lắm, cố gắng phát huy nữa nhé. Có gì khó khăn cứ bảo với cô, đừng ngại. Cô nói và nhìn thẳng vào mắt tôi, mỉm cười. Nụ cười toát lên nét nhân hậu, thân thương và gần gũi. Ngay từ lúc đó, tôi thấy mình sẽ gắn bó với cô.

Từ lúc cô Lịch về chủ nhiệm, lớp tôi “thay da đổi thịt” hẳn lên. Từ một lớp học lực chỉ đạt loại trung bình khá, dần vươn lên đứng đầu trong bảng xếp loại của trường. Những giờ học của cô khiến cả lớp cảm thấy rất hứng thú, chỉ mong thời gian trôi chậm lại. Cô không dạy cứng nhắc theo giáo trình, không phụ thuộc vào sách giáo khoa, vậy mà sự linh hoạt trong cách truyền đạt của cô khiến cả lớp háo hức như nuốt lấy từng lời giảng. Cô biết tường tận hoàn cảnh gia đình của từng đứa trong lớp. Đứa nào học kém, cô chủ động ghép nhóm học kèm để các bạn học khá kèm cặp cho các bạn học yếu… Phong trào học tập trong lớp sôi động hẳn lên. Ngay cả những học sinh cá biệt trong lớp cũng trở nên yêu thích và chăm chỉ học tập. Chỉ cần một hôm vắng bóng cô, chúng đã nhao nhao lên hỏi thăm và thế nào cuối giờ học cũng dẫn đầu các bạn trong lớp đến nhà thăm cô giáo ốm. Lớp tôi đã trở thành một tập thể rất đoàn kết và cô Lịch chính là “cô tiên” làm nên điều kỳ diệu đó.

Kỳ thi vở sạch chữ đẹp của huyện năm đó, cô chọn tôi làm đại diện cho lớp và cũng là cho khối lớp 3 tham dự cuộc thi. Vốn không có tiền mua những cuốn vở đẹp nhưng nhờ chữ đẹp và trình bày sạch sẽ nên vở viết của tôi nhìn rất đẹp mắt. Chỉ có điều, tôi hơi ái ngại vì giấy báo bọc vở thì đã cũ, nên nhìn bên ngoài những cuốn vở có vẻ xấu xí. Cuối giờ học, cô gặp riêng tôi, nhỏ nhẹ bảo: “Chiều Hằng mang vở đến nhà cô nhé. Hai cô trò mình sẽ cùng “tu bổ” lại nó một tý”.

Tới nhà cô, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhà cô ở cũng giản dị và chẳng lớn hơn nhà tôi là mấy. Chỉ khác là… nhà cô rất ít người. Hoá ra, vợ chồng cô không có con. “Cô chú hiếm muộn đường con cái nên quyết định sẽ ở vậy với nhau suốt đời” – cô cười buồn, nói như đọc được suy nghĩ của tôi.

Cô ân cần bọc lại sách vở, thay nhãn vở mới cho tôi, chỉ cho tôi các trường hợp ra đề mà ban giám khảo có thể đề cập tới. Cô khuyên tôi nên nỗ lực học tập để sau này thi vào đại học. Cô bảo đó là con đường duy nhất sẽ giúp tôi thoát khỏi phận nghèo. Rồi cô hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình… Biết tôi mồ côi mẹ từ bé, cô ngồi lặng đi một lúc, rồi… bất ngờ cô ôm tôi vào lòng: “Hãy xem cô như người mẹ của em, nếu em muốn”. Trong vòng tay của cô, tôi thấy mình trở nên bé bỏng, cảm giác gần gũi, thân thiết như chính mẹ ruột của mình. Có cái gì đó trỗi dậy trong lòng tôi… như tình mẫu tử thiêng liêng mà bấy lâu tôi thiếu vắng…

Kỳ thi ấy, tôi không giành giải nhất. Cầm bằng khen giải nhì trên tay, tự dưng tôi ứa nước mắt. Tôi đã không làm tròn lời hứa với lòng mình, mang giải nhất về tặng cô… Suốt cả buổi học, tôi cúi gằm mặt… không dám ngước lên nhìn cô. Bỗng giật mình khi một bàn tay đặt nhẹ lên vai và giọng cô nhỏ nhẹ: “Thôi nào cô bé. Cô biết em đã cố gắng hết sức rồi mà.”. Tôi ngẩng đầu nhìn cô, mắt nhòe lệ nhưng chan chứa yêu thương…

Cô Lịch chủ nhiện lớp tôi cho tới lúc bọn tôi thi hết cấp. Năm đó, lớp tôi là lớp duy nhất có học sinh thi vượt cấp đạt 100%. Buổi liên hoan chia tay thấm đẫm nước mắt. Cô và trò ôm nhau cùng khóc. Đứa nào cũng ước giá như thời gian dừng lại… lưu luyến, bịn rịn không muốn rời xa.

Bây giờ, tôi đã lớn khôn, đã ra trường và có công việc ổn định nơi thành phố. Mỗi năm về quê ăn tết, tôi lại ghé vào thăm cô, mua tặng cô loài hoa hồng tiểu muội mà cô rất yêu thích. Cô giờ đã có tuổi, mái tóc đã “pha sương”, trên mặt đã điểm một vài nếp nhăn. Vợ chồng cô vẫn sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ xinh thuở nào. Mười bốn năm đã trôi qua, vậy mà cô tôi vẫn giống như ngày xưa, dịu dàng và nhân hậu với đôi mắt rạng ngời… Dẫu đi hết cuộc đời này, tôi cũng không thể nào quên được đôi mắt ấy…

Chút kỉ niệm về thầy

* * *

Cô nhỏ nhướn mày lên, nhìn xuống đồng hồ đeo tay, rồi dõi mắt ra ngoài cửa lớp. Nơi dãy hành lang dài đang im ắng, chờ đợi, lắng nghe tiếng giày gõ nhịp để thầm đoán: thầy hay cô ? Giờ Toán của lớp 9P1 hôm nay thay đổi giáo viên. Cô giáo cũ nghỉ hộ sản. Thầy giám thị thông báo sẽ có giáo viên mới đến thay. Mười lăm phút trôi qua nhanh chóng trong sự sốt ruột của học trò. Phía cuối lớp có ai nghịch ngợm ngân nga: “Mười lăm phút đồng hồ, buồn nhớ Toán thấy mồ, buồn như con cá rô… đang trôi… vào tô…”

- Nghiêm!

Giọng trưởng lớp vang to, khá oai (nhờ to con). Thầy giám thị xuất hiện. Một trăm con mắt học trò đen láy đổ dồn về phía cửa . Thấp thoáng phiá sau thầy là một bóng dáng lạ, chắc “ông” thầy Toán mới ?!!. Ô, nhưng sao mà… giống học trò quá đỗi!!! Thầy giám thị cười khá tươi:

- Xin giới thiệu với các em, đây là thầy T. sẽ phụ trách môn Toán lớp 9 thay cho cô N…

Một tràng pháo tay ngưỡng mộ (?) vang lên như mưa rào tháng sáu . Thầy T mĩm cười gật nhẹ đầu “chào các em thân mến!”. Ôi chao, hai má thầy sao mà đỏ như màu xác pháo, cặp kính cận suýt chút nữa rơi khỏi sóng mũi . Chắc vì cảm động trước “thịnh tình” của lũ học trò cỡ… hoa khôi đến hai phần ba lớp, dành cho!

Trước khi trở về văn phòng, thầy Giám thị còn “ân cần dặn dò”.

- Các em phải học cho ngoan. Nhớ là không được phá thầy!

Ôi! Lời “đe nẹt” ấy không phải là không có duyên cớ. Bởi vì, con gái 9P1 có truyền thống mấy mùa tuy thông minh, học giỏi, đẹp người, tốt hạnh kiểm nhưng… chuyên nghịch ngợm cũng đứng vào hàng… quái chiêu! Thầy cô thương cũng lắm, mà dở khóc, dở cười cũng nhiều . Không biết trước khi vào lớp, thầy T. đã “nghiên cứu lý lịch” học trò chưa mà… ngó bộ thầy “bình tĩnh rồi … run” thấy rõ.

Sau màn tự giới thiệu rất “dễ sương” – Sinh viên năm cuối Đại Học Khoa học tự nhiên (bằng cái giọng mà phong thái điệu đà như con gái). Thầy vui vẻ đòi … kiểm tra bài cũ. Năm mươi cái miệng than trời càng lúc vẫn không làm thay đổi được quyết định “sắt đá” của thầy . Thầy cầm quyển sổ điểm dò tên (sao thầy không chịu nhìn vào sơ đồ lớp nhỉ ?!) rất lâu, hai bàn tay run run (chắc do bị học trò “chiếu tướng” khá kỹ). Khi cây viết đỏ hạ xuống gần giữa sổ, một cái tên được xướng lên:

- Trần Thị L.N.

Cả lớp im phăng phắc theo từng bước đi “dịu dàng” của N., để rồi sau đó hai phút, bổng nổ ra 1 trận cười bom dội – N là một cô gái có dáng dấp “oai phong” của một vận động viên bóng rỗ. Cao 1m65, học trễ hai năm nên rất đáng mặt đàn chị so với cả lớp: Trong khi thầy T. ốm nhom, chiều cao chỉ khoảng 1m60 hay 1m62 gì đó (cộng luôn bề dày đế của đôi giày da mũi nhọn rộng quá khổ chân). Một sự tương phản khá hài hước. Thầy T điếng người, mặt đỏ như người say nắng biển, vội vã hỏi dăm ba câu lấy lệ rồi “mời” N về chổ. Quyển sổ điểm được gấp lại vội vàng và bài học mới bắt đầu cũng rất nhanh chóng…

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô

Cái sự khởi đầu nan ấy rồi cũng qua rồi mọi chuyện cũng biến thành kỷ niệm. Mà kỷ niệm lại bắt đầu từ sự nhiệt tình khá ngây ngô của cả thầy lẫn trò, lúc hai bên biết “hợp đồng tác chiến”.

Còn nhớ 1 lần, thầy T có hứa sẽ dựng mô hình cho một bài toán hình học không gian khó nuốt, để học trò dễ hình dung hơn là nhìn vào hình vẽ. Vậy mà, hai lần, ba lượt thầy … cứ quên. Lúc thì… thầy bận… học (?!), lúc lại bận soạn bài cho môn dạy, lúc làm xong rồi nhưng… để quên ở… Sài Gòn ?!!! Lần cuối cùng, thầy nhớ đem theo, mà xe đò đông quá, thiên hạ chen nhau làm hỏng mất mô hình của thầy ?!! Học trò đâu chịu tin! Học trò đòi thầy dựng mô hình ngay tại lớp. Thầy bối rối “huy động” thước kẻ với số lượng tối đa, “chấm” các em bé bỏng ở hai dãy bàn đầu (trong đó có cô nhỏ dễ thương) lên giúp thầy … dựng mô hình (?). Trời đất! Năm bảy mái tóc thề, hơn một chục bàn tay nho nhỏ, cộng thêm thầy đứng vây quanh chiếc bàn giáo sư thì… còn ai nhìn thấy được gì! Vậy là… thầy cho học trò xếp hàng một, theo từng dãy bàn có trong lớp, từ từ tiến về phía “mô hình sinh động” tham gia theo kiểu “cưỡi trực thăng… xem hoa”. Vậy mà vui ghê gớm, vậy mà rất hoà bình. Cả thầy lẫn trò không ai thấy được nét ngây ngô, khờ khạo trong hành động của mình, mà còn xem như đó là 1 “kỳ tích” của thứ chỉ số IQ thuộc vào loại thông minh ?!!

Rồi cũng có lần, thầy nổi giận hét to như … “Trương Phi” chỉ vì chút nghịch ngợm đi quá đà của lũ học trò thơ dại . Khiến học trò rơm rớm nước mắt tủi hờn. Còn thầy bất chợt dịu xuống như … giọt nắng cuối thu để hỏi một câu thật dễ “Ký kết hiệp ước hoà bình”:

- Ôi, sao bỗng dưng các em ngoan quá vậy ?

* * *

Vâng, thầy T. là vậy đó – người không biết giận lâu, người rất dễ quên hờn, dễ nhập cuộc với áo trắng ngu ngơ . Thầy như một chiếc lá, tình vờ rơi xuống mặt nước hồ đang dao động của tuổi học trò, góp thêm một con sóng giao thoa nhỏ bé, rồi lại theo gió bay đi … Thầy dạy chưa hay . Học trò biết vậy, nhưng học trò không chê, mà mặc nhiên chấp nhận như một thứ kỷ niệm, xếp bên cạnh những tầng lớp kỷ niệm phải có trong tuổi ngây thơ . Bởi thầy T. rất hẳn nhiệt tình (dẫu thầy càng nhiệt tình giảng giải, học trò càng… nhiệt tình ngơ ngác!). Bởi đối với thầy T., tất cả những gương mặt trong sáng ngồi bên dãy bàn học bằng gỗ dưới kia, đều được thầy xếp đồng đẳng bằng một cái “mác” học trò đơn giản. Chúng như một quần thể tập hợp từ những cá thể lạ lẫm mà thầy đang có nhu cầu khám phá và ghi nhớ. Nhu cầu hòa nhập để vô tư yêu mến, bỏ qua những cái mà thiên hạ âu yếm gọi là danh vị, tiền tài của mẹ cha chúng bên ngoài xã hội …
Nếu có ai bảo học trò 9P1 ngày ấy – Hãy chọn ra một nhân vật kỳ lạ nhất trường. Cô nhỏ năm xưa tin cha*’c, cả lớp sẽ đồng lòng bỏ phiếu cho thầy – Thầy T.

* * *

Ai bảo học trò ngày xưa khác với ngày nay ? Đâu có, khá giống nhau đấy chứ (khi nhìn theo một khía cạnh muốn nhìn!). Họ cũng thích cóp nhặt kỷ niệm, hình thành từ những mãnh pha lê rơi rớt (dẫu không tròn trịa) trong suốt khoảng đời còn làm… “Cái thứ ba … danh tiếng”!

 Những truyện ngắn về thầy cô của học sinh tiểu học

1. Nguyễn Thị Minh Châu – Lớp 5/2

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã là một học sinh lớp Một bước vào trường tiểu học với đầy sự bỡ ngỡ và sợ sệt. Tôi cũng vậy! Ngày đầu tiên đi học, nắm tay mẹ bước vào trường, ôi chao sao mà mọi thứ đều lạ lẫm, xa lạ với tôi thế! Thế là sự bỡ ngỡ, lo sợ của tôi lại dâng lên. Tôi sợ rằng đến trường sẽ không có bố mẹ bên cạnh để che chở, thương yêu, sẽ không có ai chơi với tôi, sẽ bị cô mắng vì không làm được gì … Nhưng trái với sự lo lắng ấy, tôi lại đón nhận được biết bao sự yên mến của bạn bè và sự chăm sóc tận tình của cô giáo.

Cô Út – người đã chăm sóc, chỉ bảo cho tôi từng nét chữ, từng con số và cả những chữ cái đầu tiên. Cô là người đã uốn nắn tôi nên người, là người đã truyền đạt cho tôi vô số kiến thức hay và bổ ích. Cô luôn mỉm cười mỗi khi tôi học tốt; luôn khuyến khích, động viên tôi mỗi khi tôi buồn hay tự làm một điều gì đó mới, cô luôn ôn tồn chỉ bảo khi tôi làm sai,… Trong mắt tôi, cô như một bà tiên giáng trần, chỉ đường cho tôi bước từng bước trên con đường học tập. Cô thật hiền diệu và nhân hậu.

Mỗi lần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tôi lại muốn gởi lời chúc và cảm ơn đến cô: “Em chúc cô luôn yêu nghề, tận tâm với nghề giáo, dạy dỗ nhiều lớp sau thêm giỏi và vui vẻ sống tốt bên gia đình. Em cảm ơn cô rất nhiều!”.

Tôi cảm thấy may mắn và thật sự tự hào được là học sinh của cô.

2. Trần Nguyễn Hạnh Nguyên

Đồng hồ đã điểm đúng 12 giờ, cái lạnh đêm nay như cắt da thịt vậy mà mẹ tôi vẫn ngồi làm việc. Cái dáng ấy của mẹ tôi đã khiến tôi nhớ đến hình ảnh cô giáo dạy chúng tôi năm cuối cấp bậc tiểu học đang ngồi say sưa chấm bài.

Cả một ngày đứng trên bục giảng bài cho chúng tôi, chắc cô cũng mệt lắm rồi. Gió ngoài trời cứ rít lên từng hồi. Dù có nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra mái tóc dài, đen nhánh của cô. Đôi mắt cô chắc đang chăm chú đọc thật kĩ để chỉnh sửa bài cho chúng tôi. Bên cạnh việc giảng dạy, cô còn dành số thời gian ít ỏi còn lại của mình cho gia đình. Chẳng thế mà cô rất đảm đang.

Những lúc trả bài cho học sinh, ánh mắt cô vừa buồn lại vừa vui. Buồn khi cô gặp những bài làm yếu, ý văn vụng về, lủng củng. Vui vì cô thấy một số bạn có tiến bộ, những câu văn với hình ảnh ngộ nghĩnh khiến cô bật cười. Cô đọc từng trang, từng dòng chữ. Chắc cô đang đăm chiêu suy nghĩ…Có câu, có ý cô phải cân nhắc cho thật kĩ nên nhận xét thế nào cho đúng, chấm điểm cao hay thấp. Đọc từng lời nhận xét của cô, tôi hiểu đó là biết bao quan tâm, chăm chút, yêu thương của cô dành cho chúng tôi. Dù bài làm của chúng tôi có tốt hay không nhưng tôi tin chắc rằng cô sẽ tìm được niềm vui trong mỗi bài làm của chúng tôi. Bởi cô yêu nghề, yêu tất cả chúng tôi.

Tôi yêu thương cô, yêu những miệt mài từng đêm làm việc, yêu những lời văn hay cô đã dạy chúng tôi. Tôi mong rằng các bạn và tôi sẽ luôn chăm ngoan học giỏi để không phụ lòng cô đã tin tưởng.

3. Nguyễn Hà Chi

Ai cũng lớn lên từ tổ ấm gia đình. Ai cũng trưởng thành từ mái trường đầy ấp kỉ niệm. Ngoài đấng sinh thành, với em thầy cô là niềm tôn kính.

Thầy cô kính yêu!

Từ những sự bỡ ngỡ, xen lẫn rụt rè của ngày đầu tiên đi học, em đã được dạy dỗ, chăm sóc dưới bàn tay ân cần của cô. Những buổi học quý giá, những bài học bổ ích sẽ là hành trang cho chúng em chắp chánh vào đời.

Những giờ học Lịch sử, cùng với giọng nói dịu dàng, truyền cảm của cô đã làm cho chúng em hiểu sâu hơn về những chiến công vang dội lẫy lừng của cha anh. Những tiết học ấy luôn nhắc nhở chúng em phải cố gắng học tập để xứng đáng với hi sinh của cha ông. Cũng chính cô đã làm cho chúng em biết được sự quí giá của từng hạt gạo. Và cô cũng là người đã cho chúng em hiểu được người lao động thật đáng quí. Chính họ đã đổ biết bao mồ hôi, công sức để làm ra hạt lúa và đã làm cho thời gian trôi qua một cách có giá trị. Mai đây, chúng em sẽ trở thành những cô giáo, những kĩ sư hay bác sĩ nhưng vẫn sẽ luôn dành một sự trân trọng dành cho nghề giáo đầy cao quý.

Cô ơi, mỗi người trong chúng em có những nỗi niềm muốn nói với cô nhưng không tài nào thổ lộ được trong những tháng qua. “Cô ơi, em yêu cô lắm!”. Cô ơi cô, em muốn cô biết rằng tình yêu và sự tôn kính mà em dành cho cô là vô hạn.

4. Đinh Nguyễn Thiên Hương – Lớp 4/2

Thầy cô là người dìu dắt em từ những năm đầu tiên của cuộc đời đi học. Thầy cô đã chắp cánh cho em những ước mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt của cuộc đời. Những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của con người đều được khởi nguồn từ thầy cô. Thầy cô đã dành một phần cuộc đời mình để trau dồi, dẫn dắt học sinh từng bước đi trên con đường còn bao chông gai phía trước. Cho dù phải thức khuya, dậy sớm để soạn giáo án, những bài giảng hay nhưng thầy cô vẫn mỉm cười. Dù ngày qua ngày các thầy cô luôn luôn hết lòng tận tụy với học sinh bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khao khát uốn nắn dạy lớp trẻ hôm nay thành người. Nhớ lắm tà áo thướt tha của cô, dáng đi nghiêm trang của thầy. Một năm trôi qua chúng em phải chào tạm biệt những người thầy, người cô để bước tiếp sang lớp mới, học thêm những kiến thức mới.

Lòng chúng em lại bồi hồi, xúc động khi phải xa thầy cô, khi nhìn thấy bong dáng của những cô mà xưa kia đã giảng dạy. Vì thế, mỗi năm cứ đến ngày 20/11, toàn thể học sinh trên đất nước Việt Nam lại nhiệt liệt chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Riêng em, để đáp lại công ơn sâu nặng của thầy cô, em sẽ cố gắng học giỏi để thành người tốt trong xã hội.

5. Đặng Xuân Bách lớp 4/2

Mới hôm nào, bỡ ngỡ trước một ngôi trường mới mẻ, em cứ nằm chặt tay mẹ. Vậy mà bây giờ em là cậu học sinh lớp 4 rồi, hằng ngày gắn bó với mái trường Trần Cao Vân, cùng bạn bè chia sẻ những kỉ niệm vui buồn, giận hờn, thông cảm, thương mến…

Truyện ngắn về thầy cô

Những xích đu, cầu trượt, nhà banh… ở trường mần non giờ được thay bằng những hàng cây xanh. Dọc theo các hành lang, trong lớp học cũng không còn màu sắc của đồ chơi, mà là những bàn ghế thơm mùi gỗ, xếp thành dãy ngăn nắp trước một chiếc bảng đen to và dài. Hình ảnh về người mẹ hiền duyên dáng trong tà áo dài với ánh mắt dịu hiền và lời nói ấm áp đã làm em quên dần nỗi lo sợ và bối rối của ngày đầu tiên đến lớp. Cô đã ân cần hướng dẫn chúng em làm quen với kỉ luật trong học tập, nế nếp trong sinh hoạt và giúp chúng em gắn kết tình bạn với nhau qua những bài học kiến thức xen kẽ với bài giảng đạo đức.

Những kí ức của năm học đầu tiên đầy dấu ấn khó phai trong lòng của em. Lời động viên của cô khuyến khích em trong việc rèn chữ đã mang lại cho em động lực phấn đấu và không lùi bước khi gặp khó khăn. Chính vì vậy những bài toán khó cũng không làm cho em nao núng. Có lẽ, mãi mãi em vẫn không quên, những lần các bạn nam trong lớp phá phách và nghịch ngợm, nhưng cô vẫn dịu dàng, ân cần chỉ bảo và giải thích.

Thời gian cứ trôi đi, biết bao thế hệ học trò đã được cô chèo lái con đò kiến thức đưa chúng em đến những bến bờ. Rồi mai đây, khi xa mái trường thân yêu này, em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi và trở thành một người tốt cho xã hội để cô có thể tự hào về chúng em.

6. Phạm Thảo Giang lớp 4/1

Sắp đến ngày 20/11 rồi ! Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày mà học sinh chúng em không bao giờ quên được. Những cảm xúc trào dâng với lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã dạy dỗ và dìu dắt chúng em nên người. Đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm của lớp em, một cô giáo em luôn xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Cô chính là người đã chỉnh sửa từng lời lẽ khi em còn tập đọc, cô đã uốn nắn từng nét chữ khi em còn tập viết. Khi gặp những bài toán khó, cô đã nhẹ nhàng và chỉ bảo từng bước để cho em có thể giải bài một cách dễ dàng. Cũng nhờ có cô mà em trưởng thành qua từng ngày. Bây giờ học sinh lớp bốn rồi, cô cũng là người truyền tải những kiến thức sâu sắc cho em , nhờ cô mà em giỏi và ngoan. Không chỉ là bài tập ở sách vở, cô còn chỉ bảo chúng em hiểu thêm về cách đối xử thầy cô, gia đình, xã hội và cách để bước vào đời. Cô còn dạy em về tình yêu con người và lòng nhân ái. Em luôn biết ơn và cảm thấy mình thật may mắn với sự chăm sóc dạy bảo của người mẹ hiền, người luôn quan tâm ân cần với sự tận tụy và tình yêu to lớn dành cho sự nghiệp trồng người. Để đền đáp công ơn to lớn của cô, chúng em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, sau này nhất định sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

20/11 năm nay, chúng em không có gì hơn ngoài việc cố gáng dành thật nhiều những lời khen của cô để tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng của chúng em đối với cô. Thay mặt tập thể lớp 4/1, em chúc cô có luôn khỏe mạnh và tươi trẻ nhưng những bông hoa thắm sắc kia. Chúng em xin được khắc tên của cô vào tim, dù mai sau có đi đâu chúng em vẫn luôn nhớ bóng hình cô.

7. Thảo Linh Lớp 5/1

“Cùng nhau cầm tay đi đến thăm các thầy các cô…” Mỗi khi giai điệu bài hát ấy vang lên, lòng em lại hiện lên cảm xúc tươi nguyên như lần đầu đi học với biết bao kỉ niệm buồn vui đáng nhớ của tuổi học trò, thế mà đã 4 năm thấm thoát trôi qua. Bây giờ, chúng em đã là học sinh lớp 5, là anh chị cả của trường, chúng em sắp phải rời xa mái trường, rời xa bạn bè. Nhưng đặc biệt hơn cả là phải rời xa thầy cô, người đã dìu dắt chúng em, mong chúng em lớn khôn từng ngày.

Bốn năm trôi qua cũng đủ là một chặng đường dài để chúng em gắn bó và tìm hiểu về thầy cô của mình.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày 20/11, ngày để chúng em bày tỏ lòng biết ơn và sự chân thành đối với các thầy cô.

Rồi mai đây, chúng em sẽ trở thành những cô nữ sinh duyên dáng, những anh chàng cấp ba mạnh mẽ. Nhưng kí ức về thầy,cô mến yêu tại trường tiểu học Trần Cao Vân sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong lòng em. Chúng em sẽ không bao giờ quên hình ảnh các thầy cô đã dìu dắt chúng em, luyện cho em từng nét chữ, dạy cho em từng con số.

Khi em lớn lên, em sẽ có mặt ở mọi nẻo đường trên khắp thế giới, sẽ được chứng kiến biết bao cảnh đẹp hùng vĩ, hiện đại. Nhưng có lẽ những kỉ niệm ở trường tiểu học Trần Cao Vân vẫn mãi lung linh và kì diệu trong kí ức tuổi thơ em.

8. Quang Huy, lớp 5/6

…. Mỗi bài giảng, mỗi tiết học, mỗi ngày đến trường… với em là cả thế giới rực rỡ sắc màu.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, em chân thành chúc tất cả thầy cô luôn vui vẻ, tràn ngập niềm tin; ngày nào cũng may mắn và thành công…

Bây giờ em đã hiểu “Em được như ngày hôm nay là nhờ các thầy, các cô”….

9. Đặng Ngọc Nhi, Lớp 5/4

Tháng mười một lại về, tháng mười một năm nay nhiều mưa. Tháng mười một là ngày hội của thầy, cô và của đám học trò chúng em.

Ngoài sân trường, trên cao lá bàng vẫn còn xanh, dưới đất nở rộ những đoá hoa. Em bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm.

Nhớ cô giáo mầm non dịu hiền, vỗ về thương yêu mỗi lần em khóc vì nhớ mẹ.

Truyện ngắn hay và cảm động về thầy cô

Nhớ cô giáo lớp một tóc xõa ngang vai, tận tụy uốn nắn cho em từng nét chữ, giọng cô trầm bỗng, ngọt ngào. Và nhớ tất cả. Cô nào cũng yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ chúng em một cách tận tình, chu đáo. Ngoài kiến thức phải học, cô còn dạy chúng em kỹ năng sống, mong chúng em ngoan ngoãn, lễ phép, biết vâng lời. Những lời hay, ý đẹp được cô lồng vào bài giảng giúp chúng em tiến bộ từng ngày.

Năm nay, em đã học lớp năm. Không còn bao lâu nữa phải xa mái trường Trần Cao Vân thân yêu. Nhưng em tin rằng dù đi đâu, học ở trường nào, em vẫn luôn nhớ về mái trường thân yêu. Nơi này có thầy cô kính mến, có bạn bè yêu quý và có những kỷ niệm đáng yêu của thời thơ ấu của mình.

10. Đặng Xuân Bách lớp 4/2

Mới hôm nào, bỡ ngỡ trước một ngôi trường mới mẻ, em cứ nằm chặt tay mẹ. Vậy mà bây giờ em là cậu học sinh lớp 4 rồi, hằng ngày gắn bó với mái trường Trần Cao Vân, cùng bạn bè chia sẻ những kỉ niệm vui buồn, giận hờn, thông cảm, thương mến…

Những xích đu, cầu trượt, nhà banh… ở trường mần non giờ được thay bằng những hàng cây xanh. Dọc theo các hành lang, trong lớp học cũng không còn màu sắc của đồ chơi, mà là những bàn ghế thơm mùi gỗ, xếp thành dãy ngăn nắp trước một chiếc bảng đen to và dài. Hình ảnh về người mẹ hiền duyên dáng trong tà áo dài với ánh mắt dịu hiền và lời nói ấm áp đã làm em quên dần nỗi lo sợ và bối rối của ngày đầu tiên đến lớp. Cô đã ân cần hướng dẫn chúng em làm quen với kỉ luật trong học tập, nế nếp trong sinh hoạt và giúp chúng em gắn kết tình bạn với nhau qua những bài học kiến thức xen kẽ với bài giảng đạo đức.

Những kí ức của năm học đầu tiên đầy dấu ấn khó phai trong lòng của em. Lời động viên của cô khuyến khích em trong việc rèn chữ đã mang lại cho em động lực phấn đấu và không lùi bước khi gặp khó khăn. Chính vì vậy những bài toán khó cũng không làm cho em nao núng. Có lẽ, mãi mãi em vẫn không quên, những lần các bạn nam trong lớp phá phách và nghịch ngợm, nhưng cô vẫn dịu dàng, ân cần chỉ bảo và giải thích.

Thời gian cứ trôi đi, biết bao thế hệ học trò đã được cô chèo lái con đò kiến thức đưa chúng em đến những bến bờ. Rồi mai đây, khi xa mái trường thân yêu này, em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi và trở thành một người tốt cho xã hội để cô có thể tự hào về chúng em.

11. Phạm Thảo Giang lớp 4/1

Sắp đến ngày 20/11 rồi ! Đó chính là ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày mà học sinh chúng em không bao giờ quên được. Những cảm xúc trào dâng với lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã dạy dỗ và dìu dắt chúng em nên người. Đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm của lớp em, một cô giáo em luôn xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Cô chính là người đã chỉnh sửa từng lời lẽ khi em còn tập đọc, cô đã uốn nắn từng nét chữ khi em còn tập viết. Khi gặp những bài toán khó, cô đã nhẹ nhàng và chỉ bảo từng bước để cho em có thể giải bài một cách dễ dàng. Cũng nhờ có cô mà em trưởng thành qua từng ngày. Bây giờ học sinh lớp bốn rồi, cô cũng là người truyền tải những kiến thức sâu sắc cho em, nhờ cô mà em giỏi và ngoan. Không chỉ là bài tập ở sách vở, cô còn chỉ bảo chúng em hiểu thêm về cách đối xử thầy cô, gia đình, xã hội và cách để bước vào đời. Cô còn dạy em về tình yêu con người và lòng nhân ái. Em luôn biết ơn và cảm thấy mình thật may mắn với sự chăm sóc dạy bảo của người mẹ hiền, người luôn quan tâm ân cần với sự tận tụy và tình yêu to lớn dành cho sự nghiệp trồng người. Để đền đáp công ơn to lớn của cô, chúng em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, sau này nhất định sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

20/11 năm nay, chúng em không có gì hơn ngoài việc cố gáng dành thật nhiều những lời khen của cô để tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng của chúng em đối với cô. Thay mặt tập thể lớp 4/1, em chúc cô có luôn khỏe mạnh và tươi trẻ nhưng những bông hoa thắm sắc kia. Chúng em xin được khắc tên của cô vào tim, dù mai sau có đi đâu chúng em vẫn luôn nhớ bóng hình cô.

12. Thảo Linh Lớp 5/1

“Cùng nhau cầm tay đi đến thăm các thầy các cô…” Mỗi khi giai điệu bài hát ấy vang lên, lòng em lại hiện lên cảm xúc tươi nguyên như lần đầu đi học với biết bao kỉ niệm buồn vui đáng nhớ của tuổi học trò, thế mà đã 4 năm thấm thoát trôi qua. Bây giờ, chúng em đã là học sinh lớp 5, là anh chị cả của trường, chúng em sắp phải rời xa mái trường, rời xa bạn bè. Nhưng đặc biệt hơn cả là phải rời xa thầy cô, người đã dìu dắt chúng em, mong chúng em lớn khôn từng ngày.

Bốn năm trôi qua cũng đủ là một chặng đường dài để chúng em gắn bó và tìm hiểu về thầy cô của mình.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày 20/11, ngày để chúng em bày tỏ lòng biết ơn và sự chân thành đối với các thầy cô.

Rồi mai đây, chúng em sẽ trở thành những cô nữ sinh duyên dáng, những anh chàng cấp ba mạnh mẽ. Nhưng kí ức về thầy,cô mến yêu tại trường tiểu học Trần Cao Vân sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong lòng em. Chúng em sẽ không bao giờ quên hình ảnh các thầy cô đã dìu dắt chúng em, luyện cho em từng nét chữ, dạy cho em từng con số.

Khi em lớn lên, em sẽ có mặt ở mọi nẻo đường trên khắp thế giới, sẽ được chứng kiến biết bao cảnh đẹp hùng vĩ, hiện đại. Nhưng có lẽ những kỉ niệm ở trường tiểu học Trần Cao Vân vẫn mãi lung linh và kì diệu trong kí ức tuổi thơ em.

Tình cảm chân thành, lời văn trong sáng, nhẹ nhàng đi vào lòng bao người đọc. Với những gì mà 12 câu truyện ngắn về thầy cô của học sinh tiểu học truyền đến cho bạn, hy vọng bạn cũng có thể tự tay viết nên những dòng cảm xúc dạt dào, những lời tự sự từ tận đáy lòng về thầy cô giáo của bạn nhé!

download.com.vn